Phiên họp thứ 27 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: Dự án Pháp lệnh Phòng chống HIV/AIDS cần được nâng thành luật Ngày làm việc thứ 2, UBTVQH cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Phòng chống HIV/AIDS, dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ. Trong quá trình thảo luận, các thành viên UBTVQH đều nhận thấy sự cần thiết phải ban hành luật, pháp lệnh, tuy nhiên cũng cần phải cân nhắc để phù hợp với xu thế chung của thế giới. ![]() Bị nhiễm HIV phải thông báo cho vợ (chồng)? Theo khoản 3 Điều 12 của dự thảo pháp lệnh có quy định: "Người nhiễm HIV có trách nhiệm thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ (chồng) biết, nếu không thông báo thì cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo trong vòng 30 ngày, kể từ ngày người đó nhận được kết quả xét nghiệm HIV dương tính...". Khi thảo luận về vấn đề này, ý kiến của các thành viên UBTVQH đồng ý là người nhiễm HIV cần thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ (chồng) biết, song đây là vấn đề rất tế nhị và UB Các vấn đề xã hội của QH đã đưa ra các lưu ý với Ban soạn thảo cần chú ý các đặc thù. Điều 25 của dự án thì lại quy định: Việc xét nghiệm chủ yếu trên cơ sở tự nguyện, khuyến khích xét nghiệm giấu tên. Hơn nữa, cơ sở y tế không có thông tin về nhân thân của người được xét nghiệm thì không thể thực hiện được trách nhiệm thông báo cho vợ (chồng) người đó. Thậm chí có trường hợp khai tên giả, địa chỉ cũng giả luôn, hay mượn tên người khác... đặc biệt là khả năng bị nhiễm HIV người vợ hoặc chồng của người nhiễm HIV có từ trước khi người đó nhận được kết quả xét nghiệm HIV dương tính. Chính vì lẽ đó, đa phần các ý kiến thảo luận đều nhận thấy chỉ nên quy định nguyên tắc người nhiễm HIV có trách nhiệm thông báo cho vợ (chồng) của mình và cơ sở y tế có quyền thông báo cho vợ, (chồng) người bị nhiễm HIV tuỳ theo điều kiện cụ thể và trước khi thông báo thì cơ sở y tế phải tư vấn cho người đó. Nhiễm HIV có thẻ BHYT có được chi trả? Bà Nguyễn Thị Hoài Thu - Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội đã đề xuất một số nội dung cần được nghiên cứu quy định trong dự thảo như: Quy định rõ ai là người có quyền thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và hình thức thông báo; quy định rõ hơn việc ưu tiên phòng, chống HIV/AIDS trong phụ nữ mang thai và trẻ em, xét nghiệm và điều trị miễn phí cho phụ nữ có thai và trẻ em nhiễm HIV; khuyến khích xét nghiệm HIV tự nguyện trước khi kết hôn, trước khi mang thai và người nhiễm HIV tự công khai tình trạng nhiễm HIV của mình... Một vấn đề gây tranh luận khi thảo luận là vấn đề quỹ BHYT trả chi phí khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT. Trước đây không quy định BHYT chi trả cho người nhiễm HIV đi khám bệnh vì coi nhiễm HIV/AIDS là tệ nạn xã hội và chi phí thuốc chữa rất đắt. Có hai luồng ý kiến. Thứ nhất, đề nghị bổ sung thêm một điều quy định khám chữa bệnh qua BHYT đối với người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Thứ hai, đề nghị chỉ nên quy định ở văn bản pháp luật về BHYT. UB Các vấn đề xã hội của QH đã "nghiêng" về ý kiến thứ nhất vì nhiễm HIV/AIDS không phải là tệ nạn xã hội, chi phí, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS ngày càng giảm; hiện nay số người nhiễm HIV/AIDS chiếm tỉ lệ vài phần trăm... Qua gần 10 năm thực hiện pháp lệnh hiện hành, nhiều nội dung quan điểm đã được kiểm nghiệm, vì vậy đa số ý kiến đề nghị cần nâng pháp lệnh thành luật. L.H |
▪ Bị nhiễm HIV, nên thông báo cho vợ/chồng (30/03/2005)
▪ ''Nên thành lập các trung tâm điều trị bệnh nhân HIV/AIDS tập trung'' (31/03/2005)
▪ Để CNVC-LĐ nói "Không"... (28/03/2005)
▪ Tại 5 tỉnh biên giới: 66% gia đình người có HIV được hỗ trợ tinh thần, vật chất (29/03/2005)
▪ Chăm sóc bệnh nhân AIDS, bác sĩ được phụ cấp 5 lần lương tối thiểu (25/03/2005)
▪ Ca nhạc chống AIDS của Nelson Mandela (23/03/2005)
▪ Để biến ý tưởng của thanh niên thành hành động... (21/03/2005)
▪ Chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS (15/03/2005)
▪ "Mười ngàn bức thư" đoạt giải sách hay nhất TQ 2004 (08/03/2005)
▪ Đưa vào hoạt động phòng tham vấn HIV/AIDS (03/03/2005)