ĐƯA CHƯƠNG TRÌNH BAO CAO SU ĐẾN VỚI NÔNG DÂN
Các Website khác - 20/11/2009
luôn sử dụng bao cao su

Đưa chương trình bao cao su đến với nông dân là một chương trình khác hẳn chương trình 100% bao cao su cho gái bán dâm. Chương trình 100% bao cao su cho gái bán dâm nhằm mục đích tuyên truyền, vận động và sẵn có bao cao su để gái bán dâm luôn luôn chuẩn bị sẵn bao cao su và yêu cầu khách mua dâm phải sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Nếu khách hàng từ chối sử dụng bao cao su thì gái bán dâm cũng từ chối quan hệ tình dục.

          Chương trình bao cao su cho nông dân (cụ thể là các anh, các bác, các  ông nông dân sau đây gọi chung là ông nông dân để phân biệt với các chị, các cô, các bà nông dân sau đây gọi chung là bà nông dân) là chương trình tuyên truyền, vận động và sẵn có bao cao su để nếu ông nông dân có quan hệ tình dục ngoài vợ thì phải sử dụng bao cao su (chính các ông là người chuẩn bị bao cao su) và đã có những quan hệ tình dục ngoài vợ thì khi về nhà quan hệ với vợ, ông nông dân cũng phải sử dụng bao cao su. Và chương trình này còn tuyên truyền, vận động để các bà nông dân chấp nhận các ông chồng sử dụng bao cao su, thậm chí còn đòi ông chồng mang bao cao su. Chỉ có như vậy, người phụ nữ mới quyết định được hành vi tình dục của mình. Các bà vợ thấy ông chồng có bao cao su trong người khi đi làm đồng thì mừng, vì hiểu rằng đó là chồng đang thương mình.

          An Giang – một trong những tỉnh có tỷ lệ nông dân rất lớn đã quan tâm và đi trước về chương trình này.

          Xuất phát từ tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV trong tổng số người nhiễm HIV của An Giang đã lên tới 30 đến 45%,  trong số phụ nữ nhiễm HIV đó thì số phụ nữ là nông dân chiếm tới 34% An Giang đã chú ý triển khai chương trình bao cao su cho nông dân. Chương trình này nhằm hạn chế số ông nông dân nhiễm HIV và từ đó hạn chế số bà nông dân nhiễm HIV và do đó hạn chế được số trẻ sinh ra bị lây truyền HIV từ mẹ. Đây chính là chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được thực hiện từ “đầu vào” hay là chương trình dự phòng “sớm nhất”.

          Đặc điểm của các bà nông dân ở An Giang là vô cùng chân chất. Các bà đơn giản, ít học, ít tiếp cận với các kênh thông tin, cuộc sống chỉ quanh quẩn với ruộng đồng con cái và hoàn toàn thụ động về tình dục – hành vi tình dục không phải do người phụ nữ quyết định (Á Đông điển hình, nặng nề, nguyên thủy, chưa thay đổi, chưa có gì làm cho nó phải thay đổi).

          Các ông nông dân ở An Giang cũng vô cùng chân chất nhưng vấn đề là ở chỗ họ bị các em bán dâm tìm đến tận ruộng tận chòi gạ gẫm và dù có chân chất thì họ cũng vẫn là đàn ông. Và đàn ông bị gạ gẫm, bị khiêu khích, bị đánh thức “cái đàn ông”, bị cái tò mò lôi cuốn thì lúc đó các ông cũng có những hành vi chẳng khác gì những người đàn ông “không chân chất” mà họ có thể  gặp “nguy hiểm” hơn vì họ không có vũ khí gì để đề phòng.

          Rất nhiều gái bán dâm “quá đát”, bị “thải loại” ở thành phố đã dạt ra tận đồng phục vụ tại chỗ cho các ông nông dân. Và gái bán dâm “quá đát” là có nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao. Các ông nông dân không sẵn “tiền tuơi”, họ sẵn sàng cho “chơi chịu” đến mùa thì trả bằng hiện vật, sản phẩm loại nào cũng được chấp nhận. Trả bằng thóc cũng được, bằng khoai cũng được, bằng tôm, bằng tép, bằng cá cũng được, bằng hột vịt lộn cũng được… Ngày xửa, ngày, từ hồi còn chưa có HIV, tôi đã rất buồn cười với câu ca: “Trăng lên khỏi núi mu rùa/ Cho anh đ… chịu đến mùa trả khoai”, thế mà không ngờ ngày nay thế thật mà lại là các cô gạ các anh chứ không phải các anh gạ các cô.

            Với mấy ông nông dân “chân chất”, thì dù các cô có “quá đát” có bị “thải loại” ở thành phố thì vẫn là lạ lẫm và hấp dẫn so với bà nông dân “chân chất ở nhà”. Các ông nhận xét là các cô đó trắng trẻo, thơm tho, giọng nói ngọt ngào, lại có kỹ thuật cao cường, mới lạ. Chính vì thế nên các ông rất ham chơi.

Các cô nhận sản phẩm rồi đi bán lấy tiền. Trả bằng hột vịt lộn là phổ biến nhất. Một lần “đi” của các bác có giá khoảng từ 20 đến 30 hột vịt lộn. Mỗi lần các cô mang đi bán khoảng 200 đến 300 hột vịt lộn.  Vì hột vịt lộn cũng là một phương tiện trao đổi cho gái bán dâm nên hôm vừa rồi đi An Giang, cô bạn đi cùng tôi nhìn thấy hàng bán hột vịt lộn đã buột miệng nói: “thèm ăn trứng vịt lộn quá”, làm cho mấy cán bộ phòng chống AIDS của tỉnh đi cùng buồn cười.

Thế là, mấy bà nông dân thì chân chất nhưng mấy ông chồng lại đi chơi bời không an toàn cho nên mới về lây nhiễm HIV cho mấy bà, rồi mấy bà lại sinh con…

          Chương trình bao cao su cho nông dân (tiến tới là chương trình 100% bao cao su cho nông dân) bước đầu được thực hiện thông qua Hội nông dân tỉnh An Giang. Chương trình này được bắt đầu từ năm 2007. Nhưng do chưa có kinh nghiệm nên kết quả cũng chưa thuyết phục được nhà tài trợ. Tuy vậy, chương trình này vẫn được tiếp tục để làm sao có bao cao su ở ngoài đồng. Hội nông dân phải làm thế nào để bao cao su có sẵn ở ngoài đồng và các ông nông dân phải hiểu rằng, “chơi” như vậy thì phải xài bao cao su. Hội cũng đã có sáng kiến dùng xe đẩy thuốc lá, xem kem đi tiếp thị bao cao su… nói chung là vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Anh Tuấn

Tạp chí AIDS & cộng đồng số 10/2009