“Stereo man” : Tiếp tục nói với sinh viên những điều thầm kín
Các Website khác - 09/10/2009
 

“Stereo man” – như đúng tên gọi của nó – là tất cả những gì xã hội nhìn thấy ở người đàn ông. Vở kịch hình thể với cái tên gọi hơi “Tây” nhưng cũng rất thời đại này, như một bức tranh sống động lột tả mọi khía cạnh về người đàn ông, không chỉ những điều họ luôn thể hiện ra bên ngoài mà còn cả những bí mật muốn che giấu.

> Giúp đỡ những người nhiễm HIV thông qua nghệ thuật

Không lời trên sân khấu, nhưng “Stereo man” vẫn đủ sức nói những thông điệp rất xã hội về tình yêu, giới tính, về HIV/AIDS… Điều ấy đã được kiểm nghiệm qua những chuyến du hành mang “Stereo man” đi biểu diễn của các nghệ sỹ Đoàn kịch hình thể, Nhà hát Tuổi trẻ. Tuy nhiên, điều mới mẻ là trong tháng 10 này, phần hai của vở diễn với tên gọi “Nơi đến của những mảnh đời” vừa được hoàn thiện, sẽ chọn một số trường đại học ở Hà Nội làm nơi dừng chân để tiếp tục nói với sinh viên những điều thầm kín…

“Stereo man” là tác phẩm của Đoàn kịch hình thể, Nhà hát Tuổi trẻ kết hợp cùng tổ chức Peta (Hiệp hội sân khấu giáo dục Philippines) với sự hỗ trợ của Quỹ Rockerfeller. Những chuyển động nhanh, những hình ảnh sắc nét của người đàn ông và mối quan hệ giữa họ được khắc hoạ rất súc tích để rồi kết thúc là một người bị tách khỏi số còn lại. Những sai lầm trong quá khứ giờ đây khiến người đàn ông này bị xa lánh, bị chối bỏ, bị ruồng rẫy vì AIDS – căn bệnh thế kỉ đã tồn tại trong cơ thể anh ta. Không những phải chịu sự hành hạ về thể xác mà đau đớn hơn là tâm lý bị ghẻ lạnh, cô lập, khát khao được thông cảm, được sẻ chia.

Cũng là một cảm xúc bị cô lập, bị chối bỏ, mảng đời sống khác của người đàn ông hiện lên ở phần sau của vở diễn. Đó là khi người đàn ông muốn trở thành phụ nữ và họ yêu những người cùng giới tính với mình. Hai nội dung rất gần gũi với nhau này được biên đạo múa thổi vào hai luồng không khí rất khác nhau: vui nhộn, hài hước và sau đó lại thấm đẫm yêu thương lãng mạn. Một cái nhìn thông cảm, chia sẻ hơn chợt đến với mỗi người thưởng thức tác phẩm, bởi bên trong mỗi con người đàn ông đều có một người đàn bà, và nếu như tạo hoá sắp xếp phần đàn bà nhiều hơn thì cũng không có gì là xấu. Đó chính là sự đa dạng tất yếu của cuộc sống con người.

“Stereo man” trong ánh mắt, cử chỉ, động tác… của các nam diễn viên Như Lai, Công Dũng, Hoài Nam, Hoàng Tùng, Hải Hưng, Hải Trung, Việt Hùng đã nhận được không ít lời tán dương ở các trường đại học Bắc – Nam suốt hai năm qua. Vở diễn còn “đắc dụng” hơn khi hành trình lưu diễn có thêm “cái bắt tay” của các chuyên gia tâm lý, các chuyên gia về sức khoẻ sinh sản... đến giao lưu, nói chuyện và giải đáp trực tiếp các câu hỏi của sinh viên về vở diễn cũng như về mọi vấn đề trong cuộc sống. Đấy cũng chính là “điểm tựa” chân thành để các nghệ sỹ dốc sức dốc lòng cho phần hai của vở diễn, dù ở thời điểm này, kịch hình thể với người Việt vẫn chưa đi hết giai đoạn… thử nghiệm. Và “Nơi đến của những mảnh đời” đã chỉn chu dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn trẻ Như Lai và biên đạo hình thể Hoài Nam cùng 5 diễn viên: Ngọc Vân, Trà Hương, Trịnh Nhật, Như Quỳnh, Thanh Hương. Lần này, vở diễn đề cập một cách trực diện đến những tâm tư, tình cảm của những nhân vật trẻ tuổi đang đối diện với hiểm hoạ HIV. Họ đơn giản là những con người, và dù có thế nào, trong bản thân họ vẫn khao khát được yêu và được sống. Chương trình muốn đưa đến cho những sinh viên ở các trường đại học một cách nhìn nhận với thông điệp: “Suy cho cùng, sự kì thị cũng là do mọi người chưa hiểu rõ về HIV/AIDS. Những cái nhìn thiện cảm của mọi người cũng có tác dụng như thuốc kháng ARV sẽ giúp người có HIV dễ hoà nhập với cộng đồng hơn và họ sẽ sống có ích hơn”.

Chuyến du hành của “Stereo man” cùng “Nơi đến của những mảnh đời” đã “chấm” các trường đại học ở Thủ đô: Đại học Văn hoá, Đại học Y Hà Nội, Đại học Thương mại, Đại học Công đoàn… làm điểm dừng chân đầu tiên. Hiện giờ, các nghệ sỹ đã sẵn sàng vào cuộc vì mọi công đoạn của hành trình đi và diễn đã đâu vào đấy. Họ hi vọng chương trình biểu diễn miễn phí này một lần nữa sẽ đến với sinh viên và các bạn trẻ Thủ đô, tiếp tục đóng góp một cái nhìn khách quan và thú vị về các vấn đề được xã hội quan tâm, về giới tính, về tình dục, về HIV-AIDS cũng những ý kiến nhiều chiều do chính các bạn sinh viên cùng nhau nêu ra và thảo luận... Và đó cũng chính là “cái đích” mà những nghệ sỹ không ngại vất vả để theo đuổi kịch hình thể muốn đến và tiếp bước với loại hình nghệ thuật kén khán giả này.

Nhật Anh