Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS bằng những nỗ lực của mình trong việc đầu tư nguồn lực, ban hành các văn bản thích ứng với từng thời kỳ, nâng cao nhận thức của nhân dân và tăng cường xã hội hóa.
Trả lời phỏng vấn của TTXVN về việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam trong lĩnh vực nói trên, ông Huy Nga, Cục trưởng Cục phòng chống AIDS, Bộ Y tế, nói rằng một trong những nỗ lực quan trọng của Việt Nam là Chiến lược phòng chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, đã được Chính phủ ban hành năm 2004.
Bản Chiến lược này với 4 nội dung ưu tiên và 9 chương trình hành động đã được các cơ quan trong và ngoài nước đánh giá cao, là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng kế hoạch tổng thể, đáp ứng kịp thời và toàn diện đối với việc ngăn chặn dịch HIV/AIDS.
Theo ông Nga, một văn bản quan trọng khác là dự thảo Pháp lệnh phòng chống HIV/AIDS sửa đổi cũng đang được các bộ ngành liên quan tích cực hoàn thiện. Dự thảo này đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao và nhất trí nâng lên thành Luật phòng chống HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, với việc phân cấp quản lý mạnh mẽ nhằm tăng cường tính chủ động của các địa phương, mạng lưới tổ chức phòng chống AIDS đang tiếp tục được triển khai từ cấp trung ương tới địa phương thông qua mô hình Cục Phòng chống HIV/AIDS, Ban chỉ đạo Phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm và Văn phòng thường trực phòng chống HIV/AIDS ở tại các tỉnh, thành phố.
Từ năm 1990 đến nay, đầu tư cho chương trình phòng chống HIV/AIDS từ 3 nguồn - trung ương, địa phương và các tổ chức quốc tế - liên tục tăng, nhất là giai đoạn 2000-2004. Nếu trong năm 1990, tổng đầu tư mới chỉ đạt 23.000 USD thì tới năm 2004 đã lên trên 25 triệu USD.
Trong những năm qua, công tác giáo dục truyền thông được ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao kiến thức của nhân dân và cách phòng chống căn bệnh này. Hoạt động này ngày càng được triển khai trên diện rộng bằng nhiều hình thức với sự tham gia hầu hết của các Bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và quần chúng nhân dân. Sự tham gia tích cực của Đoàn thanh niên đã góp phần nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên và họ trở thành một kênh thông tin truyền tải các thông diệp phòng chống HIV/AIDS tới các thành viên khác của cộng đồng. Nội dung phòng chống HIV/AIDS đã trở thành một trong các nội dung quan trọng của phong trào "Làng văn hóa, sức khỏe" một phong trào được triển khai trên toàn quốc.
Việt Nam cũng đã xây dựng được 41 phòng xét nghiệm tại 34 tỉnh thành phố phục vụ cho công tác giám sát, phát hiện người nhiễm HIV/AIDS và hầu hết các tỉnh, thành đã có khoa, phòng chuyên điều trị bệnh nhân AIDS và tiến hành nhiều mô hình can thiệp để giảm thiểu tác hại do HIV/AIDS gây nên.
Nhà nước đã mở thêm các cơ sở chữa bệnh và triển khai các hoạt động dự phòng, ban hành những chính sách hỗ trợ trẻ em nhiễm HIV nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội. Tất cả những người nhiễm HIV/AIDS được hỗ trợ tiền ăn, thuốc điều trị và dạy nghề phù hợp với sức khỏe cho những người nhiễm HIV còn khả năng lao động.
Việc xã hội hóa công tác phòng chống HIV/AIDS đã có những bước chuyển biến tích cực, huy động được nhiều tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức tôn giáo và nhiều tổ chức phi chính phủ tham gia, nhất là trong lĩnh vực chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Một số trung tâm chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đã ra đời như trung tâm chăm sóc bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối tại Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh), một số nhà thờ ở Huế ... đã chăm nuôi một số lượng lớn bệnh nhân AIDS không nơi nương tựa.
Thông qua nỗ lực của mình, Việt Nam đã thu hút được sự ủng hộ nhiều mặt của quốc tế trong lĩnh vực phòng bệnh này. Trong giai đoạn 2000-2004, Bộ Y tế đã triển khai 18 dự án về phòng chống HIV/AIDS do chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế tài trợ, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có tỷ lệ nhiễm HIV cao. Hiện nay, 10 dự án thực hiện trong giai đoạn 2005-2010 đang triển khai với tổng kinh phí trên 70 triệu USD.
Theo Báo cáo quý 1 năm 2005 của Bộ Y tế về công tác phòng chống HIV/AIDS, tốc độ gia tăng người nhiễm HIV đã có chiều hướng ổn định. Số người nhiễm HIV trong những tháng đầu năm nay vẫn phần lớn tập trung trong nhóm người có nguy cơ cao và ở các tỉnh thành phố lớn.
Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn cao do địa bàn lây nhiễm HIV quá rộng và đã có không ít người trong cộng đồng bị nhiễm. Việt Nam vẫn chưa thiết lập được hệ thống tư vấn, xét nghiệm tự nguyện đầy đủ cho phụ nữ mang thai. Tình trạng trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi ngày một nhiều khiến cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng những trẻ này gặp nhiều khó khăn.
Tính tới ngày 19/6, trên phạm vi cả nước đã có trên 96.000 người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện, trong đó có 15.700 bệnh nhân AIDS (gần 9.000 người đã chết)./.
|