Tăng cường truyền thông và dịch vụ xã hội để giảm tác hại của mại dâm
Các Website khác - 15/03/2012

Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và giới, đẩy mạnh truyền thông, tăng cường hoạt động của các nhóm cộng đồng giúp người hoạt động mại dâm tiếp cận với dịch vụ xã hội như y tế, phòng, chống HIV/AIDS, giáo dục… là một trong những mục tiêu nhằm giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm trong thời gian tới.

Hiện tại, các nhóm dựa trên cộng đồng đã cho thấy hiệu quả trong hỗ trợ nhóm người hoạt động mại dâm. Qua đó, cần phát triển và mở rộng những hoạt động như ngăn ngừa lây nhiễm HIV/STI, tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, dạy nghề tạo việc làm cho đối tượng này.

Đây là khuyến nghị của ông Minh tại hội nghị công bố kết quả nghiên cứu “Mại dâm và di biến động nhìn từ góc độ giới” do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và Văn phòng Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam tổ chức hôm nay tại Hà Nội.

Tăng cường truyền thông và dịch vụ xã hội để giảm tác hại của mại dâm
Đồng đẳng viên truyền thông tư vấn và cung cấp dịch vụ dự phòng

 tại cộng đồng. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Ông Florian Forster, Trưởng đại diện của IOM tại Việt Nam, cho biết, chương trình triển khai tại ba địa bàn: Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh do Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội (DSEP) thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật từ IOM. Đây cũng là một phần của Chương trình chung quốc gia về Bình đẳng giới giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc, với nguồn tài trợ từ Quỹ Phát triển thiên nhiên kỷ Tây Ban Nha.

Nghiên cứu thực hiện với khoảng 390 cá nhân hoạt động mại dâm cho thấy, phân biệt đối xử là rào cản lớn với đối tượng này để họ có thể từ bỏ, quay về với gia đình và tái hoà nhập cộng đồng. Họ cũng rất khó tiếp cận các dịch vụ xã hội, các chương trình phòng, chống HIV và bệnh lây truyền qua đường tình dục do tính bất hợp pháp của hoạt động này.

Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, năm nay, Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ 25 tỷ đồng từ ngân sách dành cho công tác phòng, chống mại dâm giúp 41 tỉnh, thành phố khó khăn. Thời gian qua, kinh phí của các địa phương dành cho công tác phòng, chống mại dâm còn ít, chưa tương xứng với yêu cầu, với số tiền chỉ từ 100 - 300 triệu đồng mỗi năm. Thậm chí có địa phương chỉ bố trí vài chục triệu đồng cho cả năm. Hiện có 20 địa phương thực hiện thí điểm mô hình phòng, chống mại dâm kết hợp phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và hỗ trợ người hoạt động mại dâm tái hoà nhập cộng đồng.

NGÂN ANH