Cầu nối để các Doanh nghiệp thực hiện phòng ngừa HIV/AIDS tại nơi làm việc
Các Website khác - 16/05/2011

Để huy động Cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam tham gia triển khai thực hiện các hoạt động nhằm giáo dục phòng ngừa lây nhiễm HIV cho cán bộ công nhân viên chức, người lao động, bảo vệ nguồn nhân lực của Doanh nghiệp trước đại dịch HIV/AIDS, góp phần thực hiện chiến lược chung của Chính phủ về phòng, chống HIV/AIDS, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)  đã có ý tưởng thành lập  Hiệp hội phòng, chống HIV/AIDS trong Cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, (VCCI)  xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết khái quát về các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong Cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam?

Đối với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại doanh nghiệp/nơi làm việc, một số tổ chức quốc tế đã tài trợ cho những sáng kiến phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm cho các nhà quản lý và Công đoàn trong việc quản lý và phòng ngừa lây nhiễm HIV cho cán bộ công nhân viên chức, người lao động.

 

Ông Phùng Quang Huy đứng ngoài cùng bìa trái.

Trong hơn 10 năm qua đã có “Dự án đương đầu với AIDS tại nơi làm việc” do Tổ chức CARE Quốc tế triển khai tại Quảng Ninh và Hà Nội; Quỹ FORD tài trợ cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiến hành các hoạt động phòng chống AIDS tại 10 tỉnh/thành phố; Một số dự án nhỏ do tổ chức PATH Mỹ, CARE Quốc tế và Quỹ Nhi đồng Mỹ thực hiện các hoạt động giáo dục phòng, chống HIV/AIDS trong ngành Du lịch và Công nghiệp; Dự án SMARTWork Việt Nam (phối hợp quản lý một cách chiến lược các giải pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS tại nơi làm việc được thực hiện từ năm 2003 – 2008 trên 15 tỉnh/thành phố (Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Nam, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Nghệ An, Bình Dương, Hà Nội) với sự tham gia của khoảng trên 100 doanh nghiệp tại 15 tỉnh/thành phố; Dự án Tiểu hợp phần 2.4 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện trong giai đoạn 2005 – 2010, trên địa bàn 04 tỉnh/thành phố (Nghệ An, Hà Nội, Lâm Đồng, Khánh Hoà), có 193 doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia.

Một phần của dự án Chamonics phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS tại nơi làm việc, đang được triển khai tại 07 tỉnh/thành phố (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Khánh Hoà, Tp. Hồ Chí Minh và An Giang). Trong giai đoạn 2008 – 2013, ước tính có khoảng trên 100 doanh nghiệp tham gia. Ngoài ra có thể kể đến một số tập đoàn kinh tế như GTZ, Heniken, Unilever, Chevoron,…đã triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo chính sách của tập đoàn.

Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 300 – 400 doanh nghiệp đã nâng cao nhận thức trong quản lý và phòng ngừa lây nhiễm HIV từ các chương trình hỗ trợ nêu trên, số lượng này còn quá ít so với tổng số trên 400.000 doanh nghiệp của Việt Nam. Các doanh nghiệp thuộc các tỉnh miền núi khó khăn chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước.

Vướng mắc là do đâu, thưa ông?

Qua các nội dung nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng, việc đáp ứng với HIV/AIDS của Việt Nam rất tích cực và cũng đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế. Nhưng trong lĩnh vực về phòng ngừa lây nhiễm HIV tại doanh nghiệp/nơi làm việc thì chưa nhiều. Thực trạng công tác phòng, chống HIV/AIDS tại doanh nghiệp/nơi làm việc cho cán bộ công nhân viên chức, người lao động ở rất nhiều tỉnh/thành phố còn đang tồn tại một số vấn đề bất cập như:

Một  : Nhiều nhà quản lý doanh nghiệp chưa biết đến các văn bản pháp luật có liên quan đến việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS. Do đó, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, chưa triển khai thực hiện các hoạt động nhằm phòng ngừa HIV/AIDS, thậm chí còn vi phạm pháp luật như kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, sa thải người lao động nhiễm HIV…

Hai là: Hầu hết các doanh nghiệp không có cán bộ có trình độ chuyên môn hay hiểu biết về HIV để thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ công nhân viên, không có tài liệu truyền thông về HIV/AIDS, không biết về các dịch vụ hỗ trợ ngoài cộng đồng. Do đó, có thể có một số doanh nghiệp muốn triển khai thực hiện chương trình phòng, chống HIV/AIDS nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu.

Ba  : Mặc dù tại các tỉnh/thành phố đều có Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS cấp tỉnh, nhưng sự phối hợp và hỗ trợ của các Sở, ngành và các hội đoàn thể tại các tỉnh/thành phố với các doanh nghiệp trong công tác phòng, chống HIV/AIDS chưa có sự điều phối chiến lược mang tính quốc gia. Lý do chính là cán bộ làm công tác phòng, chống AIDS của các Sở, ngành cũng còn thiếu và hơn nữa do nguồn ngân sách hạn hẹp dẫn đến còn ít có sự phối hợp hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Bốn là: Trong những năm gần đây, các tỉnh/thành phố trên toàn quốc đều phát triển các khu công nghiệp nhằm phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Cùng với việc phát triển các khu công nghiệp là việc dịch chuyển một lực lượng lao động lớn từ các vùng nông thôn đến các đô thị, khu công nghiệp. Công nhân lao động có trình độ nhận thức hạn chế (đặc biệt là ở một số tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa).

Đó có phải là động lực để VCCI xúc tiến việc thành lập Hiệp hội phòng, chống HIV/AIDS trong Cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?

Hiện nay, trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và một số nước trong khu vực đã có mô hình Liên minh doanh nghiệp phòng chống AIDS, hoạt động rất hiệu quả, góp phần tích cực vào việc thực hiện chiến lược chung của các quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS. Trong khu vực có: Liên minh các Doanh nghiệp phòng, chống HIV/AIDS Châu Á – Thái Bình Dương (APBCA). Thái Lan có: Liên minh các Doanh nghiệp phòng, chống HIV/AIDS Thái Lan (TBCA). Myanmar có:  Liên minh các Doanh nghiệp phòng, chống HIV/AIDS Myanmar (MBCA).

Tại Việt Nam, hầu hết các dự án hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đều có thời hạn nhất định (một năm, hai năm, ba năm hoặc năm năm) và trong khuôn khổ nguồn ngân sách được xác định. Sau khi các dự án kết thúc, hầu hết là không còn đầu mối để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm phòng ngừa lây nhiễm HIV cho cán bộ công nhân viên chức, người lao động.  

Nhiều doanh nghiệp tại nhiều tỉnh/thành phố đã đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hình thành một tổ chức làm đầu mối để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai thực hiện các hoạt động phòng ngừa HIV cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động tại doanh nghiệp/nơi làm việc.   

Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, được sự đồng ý của các cơ quan chức năng, Hiệp hội phòng, chống HIV/AIDS trong Cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam  sẽ được ra đời và đi vào hoạt động. Hiệp hội ra đời sẽ làm cầu nối để các Doanh nghiệp thực hiện phòng ngừa HIV/AIDS tại nơi làm việc.

Vậy Hiệp hội sẽ  tập trung đáp ứng những vấn đề  gì để thúc đẩy các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam ?

Hiệp hội phòng, chống HIV/AIDS trong Cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam ra đời sẽ tập trung vào các vấn đề sau:

- Huy động Cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam tham gia triển khai thực hiện các hoạt động nhằm giáo dục phòng ngừa lây nhiễm HIV cho cán bộ công nhân viên chức, người lao động, bảo vệ nguồn nhân lực của Doanh nghiệp trước đại dịch, góp phần thực hiện chiến lược chung của Chính phủ về phòng, chống HIV/AIDS.

- Hỗ trợ kỹ thuật cho các Doanh nghiệp xây dựng và phát triển chính sách về HIV/AIDS của từng doanh nghiệp, làm cơ sở để Nhà quản lý và Công đoàn đầu tư, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động phòng ngừa HIV một cách bài bản và bền vững.

- Nâng cao nhận thức cho các Nhà quản lý Doanh nghiệp về việc chấp hành pháp luật có liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS cũng như trách nhiệm xã hội của các Doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

- Làm cầu nối để các Doanh nghiệp tiếp cận và phối hợp với các cơ quan chuyên môn tại địa phương, các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường huy động đa nguồn lực để thực hiện các hoạt động phòng ngừa HIV/AIDS tại Doanh nghiệp/nơi làm việc.

- Cung cấp thông tin, hỗ trợ kỹ thuật và tài liệu, giúp các Doanh nghiệp thực hiện các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức phòng ngừa lây nhiễm HIV cho cán bộ công nhân viên chức, người lao động, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, tạo cơ hội việc làm cho người nhiễm HIV.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đặng Thanh

(Thực hiện)