![]() Đã từng nghe nhiều chuyện về ông, nhưng khi gặp tôi không khỏi ngỡ ngàng vì ở ông toát ra một trí tuệ uyên bác trong từng câu nói, đặc biệt là đôi bàn tay khéo léo, uốn lượn như múa trên mảnh giấy với từng nhát kéo khắc hoạ chân dung nhân vật tinh tế, tài hoa khiến người được vẽ vô cùng cảm phục. Đó là chân dung họa sĩ Vũ Anh - nhà tình báo từng hoạt động tại Sài Gòn, Chợ Lớn một thời và nay là ông "Vua cắt hình bóng" nổi tiếng của Việt Nam. - Thưa ông, con đường đến với bộ môn nghệ thuật cắt hình bóng chắc có nhiều điều đáng nói chứ ạ? - Môn cắt hình bóng, nói nôm na là họa lại cái bóng nghiêng của ta in vào tường màu đen. Thay vì vẽ những đường xung quanh của cái bóng ấy rồi tô đen lên, người ta dùng kéo cắt trên giấy đen tạo thành mặt nghiêng của người cho thành cái bóng. Khi tôi 13 tuổi, tôi đi với chị vào Hội chợ đấu xảo Mauricelong (nay là Cung Văn hoá Hữu Nghị - Hà Nội) tình cờ tôi thấy một họa sĩ người Âu dùng kéo cắt những chân dung bằng giấy. Những nhát kéo điêu luyện trong giây lát đã lột tả được cái hồn người được họa, khiến tôi thích thú và mê mẩn. Về nhà, tôi mày mò lấy kéo học theo. Chân dung đầu tiên tôi cắt, đó là mẹ của mình vì dẫu bà có rời xa tôi, nhưng tôi vẫn nhớ thương da diết và gửi gắm tất cả tình cảm của mình vào những bức chân dung ấy. Năm 15 tuổi, tôi vào học lớp về cơ thể học tại Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Năm 1946, tôi học trường Võ bị Trung học Lục quân ở Quảng Ngãi và sau đó vào bộ đội. Khi nào rảnh là tôi luyện kéo. Năm 1948, tôi được cắt hình bóng cho cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (lúc đó đang là Bí thư phong trào dân quân Nam Bộ). Tôi cũng đã cắt hình cho một số nghệ sĩ như Nguyễn Bính, Phan Vũ, Đoàn Giỏi, ca sĩ Quốc Hương, Khánh Vân và được mọi người rất tán thưởng... Càng ngày, tôi càng cắt lên tay, môn nghệ thuật cắt hình bóng đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong thời gian hoạt động bí mật ở Sài Gòn, Chợ Lớn và trở thành niềm đam mê của tôi đến tận ngày nay. - Ông có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong những lần cắt hình bóng cho khách hàng và người hâm mộ ? - Cuộc đời tôi có nhiều chuyện lí thú, vui buồn đủ cả. Khách hàng của tôi qua các hội chợ phần lớn là các bà, các cô. Có lần một người phụ nữ đợi tôi 5 tiếng, chỉ để tôi cắt cho một bức chân dung. Ngày trước, tại hội chợ từ thiện Régina Pacis, tôi gặp một thiếu phụ rất đẹp. Bà nói đã 3 lần đi hội chợ chỉ để xem tôi cắt hình và rất mến mộ tôi, nhưng không thể chen vào để nhờ tôi cắt hình. Tôi rất cảm động và cắt tặng bà ấy bức hoạ nửa người. Cho đến nay, tôi chưa gặp được người phụ nữ nào có khuôn mặt thanh tú và đôi mắt đẹp tuyệt vời như người đàn bà ấy. - Có nhà phê bình đã nói, ông chính là người đặt nền móng cho bộ môn nghệ thuật tranh giấy trong hội họa Việt Nam. Ông nghĩ thế nào về điều ấy ? - Từ năm 1962 đến 1975, tôi dạy hội họa và làm kiểm soát viên Hiệp hội Mỹ thuật trang trí Việt Nam. Năm 1960, tôi được cử đi tham dự triển lãm quốc tế tại Malaysia. Tranh của tôi cũng được trưng bày tại 18 cuộc triển lãm trong và ngoài nước và khách nước ngoài cũng rất thích những bức hình cắt giấy của tôi. Nhưng tôi chỉ là một trong những người đặt nền móng cho bộ môn tranh giấy mà thôi, có lẽ mọi người yêu mến biệt tài cắt giấy của tôi nên gọi như vậy chăng ? - Ông nhìn nhận thế nào về căn bệnh thế kỉ HIV/AIDS ? - Đó là một căn bệnh khủng khiếp nhất mà tôi từng gặp. Tôi rất thương những đứa trẻ mồ côi, người già cô đơn... là những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ HIV/AIDS, do lao động chính trong gia đình đã bị chết bởi căn bệnh thế kỉ. Chúng ta phải làm thế nào để đẩy lùi căn bệnh này, đó chính là trách nhiệm và nghĩa vụ của những nghệ sĩ như chúng tôi cũng như tất cả mọi người trong xã hội. - Nếu được mời đến một trung tâm có những người nhiễm HIV/AIDS để dạy cắt hình bóng cho họ, ông có nhận lời không ạ ? - Tất nhiên là tôi sẽ đến. Đã từ lâu tôi mong được mở lớp dạy nghề cắt hình bóng cho các cháu mồ côi, tàn tật, bị chất độc da cam, người nhiễm HIV/AIDS. Bởi nghề này, nếu chú tâm học và chịu khó rèn luyện thì cũng có thể sống được. Tôi nghĩ rằng HIV không phải là tệ nạn xã hội, người nhiễm HIV vẫn sống làm việc có ích nếu được giúp đỡ. Vì thế, tôi sẽ sẵn lòng truyền lại nghề cho những người nhiễm HIV/AIDS, nếu họ thấy đó là một môn nghệ thuật có thể giúp họ kiếm kế sinh nhai, hay đơn giản là để thư giãn và thấy nhẹ nhõm hơn, khi từng ngày, từng giờ phải chiến đấu với căn bệnh này. - Xin cảm ơn ông ! Bạch DươngTheo Vaac.gov.vn |
▪ Dùng phim để tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS (24/11/2008)
▪ Hải Phòng : “Dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con” do Hội LHPN, văn phòng dự án GIPA tổ chức (22/11/2008)
▪ Chống cự HIV bằng rễ cây hoàng kỳ (22/11/2008)
▪ Tuyên truyền phòng chống AIDS trong trường THPT tại Quảng Trị (21/11/2008)
▪ Phòng, chống HIV/AIDS phải luôn được coi là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài (20/11/2008)
▪ Nhảy múa vì cuộc sống (20/11/2008)
▪ Trị HIV bằng... máy lọc máu (20/11/2008)
▪ Tập huấn Tư vấn Thanh niên 5 tỉnh miền Bắc (19/11/2008)
▪ Cùng lên tiếng đẩy lùi HIV/AIDS (18/11/2008)
▪ Coi phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ cấp bách (17/11/2008)