Acid folic và dị tật bẩm sinh
Acid folic tác động lên các mô tăng trưởng nhanh như các mô bào thai, các thành phần máu cũng như myelin-hóa các sợi thần kinh. Phụ nữ sắp mang thai được khuyên dùng một lượng acid folic 400 microgam (mcg) mỗi ngày vì acid folic hỗ trợ sự phát triển các ống thần kinh ở bào thai, nhất là phòng ngừa dị tật bẩm sinh đốt xương sống chẻ đôi hoặc dị tật ống thần kinh không khép lại được trong tuần lễ đầu khi mang thai.
Các nghiên cứu dịch tễ học và các thử nghiệm điều trị cho thấy, những phụ nữ có con với dị tật nứt đốt sống nếu được bổ sung acid folic quanh thời kỳ mang thai thì về sau con cái họ sẽ giảm nguy cơ dị dạng ống thần kinh. Các dị dạng ống thần kinh (malformation du tube neural = MTN) có thể dẫn đến tử vong.
Acid folic làm giảm nguy cơ cao huyết áp
Acid folic đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thành ADN, tạo lập tế bào máu và có nhiều trong thiên nhiên dưới dạng folat ở một số thực phẩm như rau epinard. Theo nghiên cứu của tiến sĩ J. Forman tại Bệnh viện Boston (Mỹ), thực hiện trên 150.000 phụ nữ ở độ tuổi 26-46, nếu tiêu thụ trên 800 mcg folat/ngày từ thực phẩm hoặc vitamin bổ sung thì nguy cơ cao huyết áp giảm đến 29%, ở độ tuổi 43-70 thì giảm nguy cơ cao huyết áp 13%, riêng thiếu nữ trẻ tiêu thụ ít folat nhưng bổ sung folat đầy đủ từ vitamin thì nguy cơ giảm đến 39%.
Theo tài liệu đăng trên tạp chí chuyên ngành tim mạch (Journal of the American College of Cardiology), các nhà khoa học Anh cho biết, acid folic có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim bằng cách ngăn ngừa tổn thương nội mạc động mạch. Từ đó giúp phòng ngừa các bệnh tim mạch, các tai biến mạch máu não.
Cơ thể cần bao nhiêu acid folic?
Ở người lớn và trẻ em trên 14 tuổi, lượng khuyên dùng là 400microgam/ngày tính theo đơn vị EFA (équivalent folate alimentaire) (*), tức tương đương acid folic dưới dạng folat của thực phẩm. Với trẻ em, phụ nữ mang thai và đang cho con bú, liều sẽ khác đi:
- Bé từ 0-5 tháng tuổi: 65 EFA (*), bé 6-11 tháng: 80 (*), từ 1-3 tuổi: 150 (*), từ 4-8 tuổi 200 (*), 9-13 tuổi: 300 (*)
- Phụ nữ mang thai: 600 (*)
- Phụ nữ cho con bú: 500 (*)
Tìm acid folic thiên nhiên ở đâu?
Các thực phẩm giàu acid folic tính bằng microgam/100g: men thực phẩm (3.909mcg), gan chín (260), lòng đỏ trứng (430), rau xà lách xoong tưới (214), rau diếp cá (127), các loại rau xanh: 50-100, các loại đậu: 35-130, quả cật, bánh mì: 36-60...
Như vậy, để phòng ngừa thiếu acid folic khi mang thai, thai phụ cần ăn uống đa dạng để bổ sung đủ acid folic từ nguồn thực phẩm và bổ sung thêm viên sắt/folat ngay từ lúc có thai đến sau khi sinh một tháng.
|