Bệnh sốt định kỳ
Các Website khác - 13/06/2005

"Người ta nói loài ve có thể truyền bệnh sốt định kỳ. Bệnh này và bệnh sốt định kỳ do chấy rận có gì khác nhau không?".

Trả lời:

Bệnh sốt định kỳ (BSĐK) do ve truyền và BSĐK do chấy rận là hai bệnh khác nhau. Chúng cùng gây ra những cơn sốt định kỳ, chỉ khác nhau về côn trùng truyền bệnh và mùa phát bệnh.

BSĐK do chấy rận thường xảy ra trong mùa rét ở nơi đông dân, do ăn ở thiếu vệ sinh và dễ phát thành dịch lan rộng. Còn BSĐK do ve truyền thường xảy ra ở vùng núi đá, miền rừng núi, hang động, nơi có nhiều ve và thường phát ra về mùa hè là thời gian ve sinh trưởng mạnh nhất. Thủ phạm gây bệnh là một loài xoắn khuẩn. Chúng có nhiều chủng và ve truyền bệnh cũng có nhiều loại tương ứng với từng chủng xoắn khuẩn. Cũng vì vậy, một người có thể bị sốt định kỳ nhiều lần do bị những loài ve khác nhau truyền cho những chủng xoắn khuẩn khác nhau.

Nguồn lưu trữ xoắn khuẩn chủ yếu là những dã thú sống trong các hang hốc, đặc biệt là dã thú nhỏ và loài gặm nhấm, nhưng bản thân loài ve cũng là những ổ xoắn khuẩn quan trọng. Ve hút máu những dã thú bị bệnh, mang trong cơ thể chúng những xoắn khuẩn sốt định kỳ và có thể giữ mầm bệnh rất lâu. Khi chúng đốt người hoặc súc vật, xoắn khuẩn sẽ theo nước bọt ve vào máu qua vết đốt, hoặc qua phân ve dính vào vết đốt và những chỗ da sây xước. Từ lúc bị ve đốt cho đến khi phát bệnh, thời gian trung bình 7-8 ngày. Bệnh thường bắt đầu đột ngột, người bệnh sốt cao 39-40 độ C, rét run, đau mình mẩy, nhức đầu, chóng mặt. Tại chỗ ve đốt xuất hiện nốt mẩn màu nâu sẫm. Đợt sốt đầu tiên kéo dài 3-5 ngày. Bệnh nhân hết sốt đột ngột, nhưng vài ngày sau lại bị đợt sốt thứ hai ngắn hơn. Tùy từng bệnh nhân, số đợt sốt có thay đổi, từ 2-3 đợt tới 20 đợt, trung bình 8-10 đợt. Những đợt sốt sau, thời gian càng ngắn hơn nhưng khoảng cách giữa các đợt sốt càng kéo dài ra.

Ngoài những triệu chứng trên, bệnh nhân có thể bị ho, viêm phế quản, lách hơi to, gan hơi to, hơi vàng da, vàng mắt, nước tiểu có albumin... Bệnh thường khỏi, ít gây tử vong, nhưng có những trường hợp bệnh nhân sẽ bị lại (sau 6-9 tháng), ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và lao động.

Như vậy, những con ve chúng ta gặp phổ biến ở miền núi không chỉ đốt người hút máu, gây đau phát sốt mà còn là côn trùng truyền nhiều bệnh nguy hiểm cho người, trong đó có BSĐK do xoắn khuẩn. Vì vậy, sau khi bị ve đốt nếu có những dấu hiệu trên, cần đến cơ sở y tế để được giúp đỡ. Để đề phòng bệnh này, ở miền rừng núi có nhiều ve, chúng ta phải chú ý diệt ve và chống ve đốt.

BS Kim Minh, Sức Khỏe & Đời Sống