Cảnh giác với tai nạn mùa hè ở trẻ em
Các Website khác - 13/06/2005
Bé Cao Thị Oanh, 5 tuổi, tỉnh Tiềng Giang đang phải điều trị vì bị ong đốt.
Bé Cao Thị Oanh, 5 tuổi, tỉnh Tiềng Giang đang phải điều trị vì bị ong đốt.

Thay vì uống nửa viên điều trị động kinh như bác sĩ chỉ định, mẹ bé Duy Bảo Trân (tỉnh Bình Phước) sơ ý cho bé uống nhầm đến 4 viên. Khi được đưa đến bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, bé Trân đã tím tái, khó thở nặng.

Nhưng bé Trân may mắn được cấp cứu kịp thời và qua giai đoạn nguy hiểm vào hôm qua.

Theo bác sĩ Phạm Thị Kim Loan, Trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, đây chỉ là một trong không ít tai nạn hay gặp vào những ngày hè. Thông thường mùa này, trẻ bị ngộ độc uống thuốc an thần, thuốc chống nôn xảy ra khá nhiều. Các cháu ngộ độc thuốc chống nôn là do gia định tự mua thuốc và sử dụng tuỳ tiện. Nếu uống quá nhiều trẻ sẽ bị giật cơ. Còn ngộ độc thuốc an thần thường là do người lớn không cất cẩn thận, các cháu nhặt cho vào miệng. Những trường hợp uống nhầm hoá chất, thuốc... đều có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Năm nào Bệnh viện Nhi Đồng cũng tiếp nhận khá nhiều bệnh nhi ngộ độc cấp tính do uống nhầm hoá chất. Tác nhân gây ngộ độc cấp tính thường là những sản phẩm gia dụng như thuốc tẩy, chất chống ẩm, dầu lửa, thuốc diệt côn trùng...

Theo thống kê của bệnh viện này, 100% trẻ bị viêm phổi hít do sặc xăng dầu là do người lớn bất cẩn, chứa đựng xăng dầu trong những vật dụng đựng đồ ăn, thức uống và để trong tầm tay của trẻ. Có trường hợp chính người mẹ cũng nhầm: ban đêm con khóc đòi uống nước, bèn lấy luôn chai đựng dầu hôi cho con uống. Xăng dầu là một hóa chất bay hơi, chống chỉ định gây nôn. Nếu gia đình gây nôn cho trẻ bằng cách móc họng có thể khiến trẻ bị sặc đường thở, làm sang thương niêm mạc đường thở, gây viêm phổi nặng.

Bác sĩ Kim Loan khuyên, nếu trẻ bị ngộ độc cần phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay. Nếu phát hiện muộn, trẻ đã trong tình trạng ngưng thở thì phải hà hơi thổi ngạt, đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi xe cấp cứu. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, thuốc người lớn đang điều trị phải cất giữ ở nơi trẻ không lấy được, nhất là thuốc an thần.

Sáng 12/6, tại khoa cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 1 còn có 2 bé bị ong vò vẽ chích đều ở Tiền Giang chuyển đến, một bé 11 tuổi ở Bình Phước bị rắn chàm quạp cắn vào chân sưng húp. Bác sĩ Loan cho biết thêm, mùa hè trẻ bị ong đốt gia tăng nên phụ huynh cần đặc biệt lưu ý. Tại TP HCM, trẻ bị ong đốt đa số đều ở quận Thủ Đức, do nghịch ngợm ném đá hay lấy cây chọc phá tổ ong. Sau khi bị ong chích, da trẻ thường có phản ứng với các nột đỏ lan rộng trên da. Sau đó xuất hiện phản ứng chân tay lạnh, mạch huyết áp tụt, có thể đưa đến tình trạng co thắt đường thở, gây ngưng thở, đe doa tử vong nếu không xử trí kịp thời.

Theo nhiều bác sĩ, gia đình cần giáo dục cho trẻ mức độ nguy hiểm khi chơi đùa, tránh chọc phá tổ ong, chui vào bụi rậm và chú ý tai nạn nghẹt nước do trẻ tắm hồ, bơi sông.

(Theo Tuổi Trẻ)