![]() |
Lắp đặt thiết bị xử lý nước bằng ozone. |
Các nhà khoa học cho biết trên thị trường đang lưu hành một số thiết bị áp dụng công nghệ tạo ra ozone bẩn, loại sản phẩm chứa các khí NOx có nguy cơ gây ung thư cho người dùng một khi chúng được đem làm sạch rau quả, nước uống, thực phẩm.
"Trong khi chờ có các quy định và quản lý chặt chẽ, nhà sản xuất kinh doanh, người sử dụng công nghệ - thiết bị ozone cần chú ý đến việc chúng đã được kiểm định bằng các văn bản có tính pháp lý hoặc chú ý theo dõi kết quả thực tế dù đấy là thiết bị mới, thiết bị nhập khẩu hay tự tạo", một nhà khoa học giấu tên ở Viện Hoá học, Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam, nói.
Theo nhà khoa học này, do tự phát và vội vàng, thời gian qua, ứng dụng công nghệ và thiết bị ozone diễn ra gần như tràn lan, thậm chí bị lợi dụng và lạm dụng, nhất là trong lĩnh vực ozone dân dụng.
"Sản phẩm ozone không thuần khiết tạo ra từ công nghệ và thiết bị không bảo đảm đang đe dọa sức khoẻ và tính mạng người tiêu dùng", TS Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn dung dịch hoạt hoá điện hóa và đèn tiết kiệm điện năng, cảnh báo. Theo TS Khải, thứ ozone bẩn ấy được làm từ không khí chưa được lọc, sấy và tách khí nitơ và được chế tạo trong các thiết bị hoạt động theo nguyên lý phóng sét với điện thế đỉnh xung rất cao, hàng vạn vôn.
Nhà khoa học ở Viện Hóa học giải thích thêm, khi đi qua vùng phóng điện với điện áp quá cao hoặc vùng điện trường quá mạnh quanh các máy gia tốc, nitơ không lọc hết tạo thành các hợp chất NOx như NO, NO2, N2O5... Nếu tiếp xúc với các sản phẩm cần làm sạch như rau quả, thực phẩm, nhất là thịt, tôm, cá, các khí NOx sẽ kết hợp với protein thực phẩm tạo thành các hợp chất hydrocarbon thơm đa vòng bám rất chặt vào sản phẩm. "Nếu sản phẩm cần được làm sạch có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng chất bảo quản, chất tạo màu với các nhóm clo hữu cơ, lân hữu cơ, NOx còn tạo các muối nitrat, nitrit nguy hiểm khác nữa", nhà khoa học trên cho biết.
Có bằng chứng cho thấy những hợp chất thơm đó gây nguy hại cho người dùng dưới dạng ngộ độc tích lũy và có thể dẫn đến ung thư. Chính vì thế, các nước công nghiệp đều cấm loại công nghệ và thiết bị này.
Theo kỹ sư Nguyễn Ngọc Bản, Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ sạch - một trong những doanh nghiệp sản xuất thiết bị ozone có tiếng nhất ở Việt Nam, có thể nhận biết các hợp chất NOx bằng khứu giác đối với khí đầu ra. "Nếu chứa NOx, khí đầu ra có mùi chua, cay, sốc mũi, nhất là khi thiết bị chạy liên tục, bị nóng hoặc khi độ ẩm không khí đầu vào lớn hơn 70%", kỹ sư Bản nói.
TS Bùi Minh Tăng, quyền Giám đốc Đài Khí tượng - Thuỷ văn Đồng bằng Bắc Bộ, cho biết trị số độ ẩm này gần như là thường xuyên ở một nước nhiệt đới có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam, trừ những hôm trời lạnh và hanh khô như mấy ngày đầu tháng 12 hiện nay.
Các nhà khoa học kiến nghị, để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, cần sớm ban hành hệ thống pháp quy và tiêu chuẩn về sử dụng, sản xuất thiết bị ozone và điện tích. Một nhà khoa học cho rằng, trước khi được phép đưa vào thị trường, tốt nhất các thiết bị ozone phải được giám định tại các hội đồng khoa học, các cơ quan chuyên môn bên cạnh các văn bằng về sở hữu trí tuệ, bởi thị trường Việt Nam phát triển rất mạnh các thiết bị công suất nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu "tự xử lý" của các gia đình, doanh nghiệp, các tổ chức.
Theo Tiền Phong
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Áp lực công việc tăng nguy cơ bị bệnh tim 6 lần (14/12/2004)
▪ WHO cảnh báo dịch cúm gia cầm mới (15/12/2004)
▪ Tại sao ăn dầu tốt hơn ăn mỡ? (14/12/2004)
▪ Magnesium rất tốt cho hoạt động não bộ (14/12/2004)
▪ Thuốc lắc... đằng sau những cơn hưng phấn (13/12/2004)
▪ Đậu sị - vị thuốc chữa cảm sốt (14/12/2004)
▪ Viêm tai giữa ứ dịch gây điếc vĩnh viễn (14/12/2004)