Chăm sóc trẻ sơ sinh
Các Website khác - 02/11/2004
Chăm sóc tốt sức khỏe trẻ sơ sinh sẽ tạo hiệu quả trong bảo vệ sức khỏe các em những năm tiếp theo, cũng như sự phát triển của trẻ trong tương lai. Ðể làm được điều đó, mỗi nước cần một chiến lược về nâng cao sức khỏe trẻ sơ sinh.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm trên thế giới có bốn triệu trẻ em tử vong trong vòng tháng đầu sau đẻ (chết sơ sinh), số này chiếm khoảng 40% số tử vong trẻ em. Trong số bốn triệu trẻ sơ sinh tử vong có 2,8 triệu tử vong trong tuần đầu sau đẻ (giai đoạn sơ sinh sớm) và 1,2 triệu trẻ em chết từ ngày thứ tám đến ngày thứ 28 (giai đoạn sơ sinh muộn).

Phần lớn các trường hợp tử vong sơ sinh xảy ra ở các nước đang phát triển.

Qua số liệu điều tra ở 193 nước cho thấy tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh thường chiếm từ 31 đến 98% số trẻ tử vong dưới một tuổi. Ở các nước mà tử vong trẻ do các bệnh thông thường: viêm phổi, tiêu chảy giảm thì tỷ lệ tử vong sơ sinh so với tử vong trẻ dưới năm tuổi vẫn cao. Ngoài tử vong sơ sinh, hằng năm trên thế giới còn khoảng 500 nghìn bà mẹ chết và 2,9 triệu thai nhi chết lưu và số trẻ sơ sinh tàn tật do các biến chứng liên quan ngạt sau đẻ, dị tật bẩm sinh, vàng da nặng và nhiễm khuẩn đang là một gánh nặng cho các dịch vụ y tế và cộng đồng.

Tại Việt Nam, sự nghiệp chăm sóc trẻ em được Nhà nước quan tâm, thể hiện qua hàng loạt luật, nghị định, chiến lược quốc gia.... Cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, nhất là WHO, chúng ta đã đạt được những kết quả khích lệ. Việt Nam là nước có thu nhập bình quân đầu người vào loại thấp ở châu Á, nhưng tình trạng chăm sóc sức khỏe trẻ em tiến bộ hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới một tuổi (IRM) và dưới năm tuổi (U5MR) đã giảm đáng kể so với thập kỷ 80 của thế kỷ trước. IRM giảm từ 45 phần nghìn xuống 26 phần nghìn; U5RM giảm từ 70 phần nghìn xuống 35 phần nghìn. Mặc dù tỷ lệ tử vong trẻ em có xu hướng giảm nhưng tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh vẫn còn cao, chiếm khoảng 70% số trẻ em dưới một tuổi và khoảng 50% số trẻ em dưới năm tuổi. Trong đó, 2/3 trẻ sơ sinh chết trong tuần đầu và 2/3 số này tử vong trong 24 giờ đầu. Thống kê của các bệnh viện nhi ở Việt Nam năm 2003 cho thấy, tỷ lệ tử vong sơ sinh chiếm 51% trong tổng số trẻ em dưới năm tuổi. Một khảo sát của Bệnh viện Nhi Trung ương tại bảy bệnh viện nhi và mười bệnh viện tỉnh (có nhiều người bệnh là trẻ sơ sinh, công tác thống kê tương đối tin cậy) từ Thừa Thiên - Huế trở ra cho thấy: tỷ lệ tử vong sơ sinh chiếm 57% số tử vong dưới năm tuổi và chiếm 73% tổng số tử vong dưới một tuổi.

Nguyên nhân gây nên tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh cao là do trẻ bị ngạt, chấn thương trong khi đẻ, đẻ non, thiếu cân và các bệnh nhiễm khuẩn. Một nghiên cứu của Chương trình "cứu sống sinh mạng trẻ sơ sinh" cho thấy: tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh do các bệnh nhiễm khuẩn (nhiễm khuẩn máu, viêm màng não, tiêu chảy) chiếm tới 52%, ngoài ra do ngạt chiếm 20%, đẻ non chiếm 15%, các nguyên nhân khác chỉ chiếm 13%. Ðáng chú ý, phần lớn những nguyên nhân trên có thể phòng tránh được nếu có sự quan tâm đúng mức của cán bộ quản lý bệnh viện.

Hiện tại nhiều bệnh viện chưa có khoa sơ sinh hoặc nếu có thì bác sĩ cũng chưa được đào tạo chuyên sâu về chăm sóc trẻ sơ sinh. Trang thiết bị cấp cứu, chăm sóc và phương tiện vận chuyển cấp cứu thiếu; công tác vận chuyển cấp cứu chưa nhanh chóng, kịp thời, an toàn; sự phối hợp giữa chuyên khoa sản và chuyên khoa nhi chưa chặt chẽ trong chỉ đạo, hướng dẫn chăm sóc thai nhi và trẻ sơ sinh. Kết quả cuộc điều tra, khảo sát của Bệnh viện Nhi Ðồng I (TP Hồ Chí Minh) tại ba tỉnh Bến Tre, Bình Thuận, Kiên Giang và một số tỉnh phía nam cho thấy: kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh của bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh chỉ từ trung bình đến yếu; trang thiết bị thiết yếu cho chăm sóc trẻ sơ sinh rất thiếu và không phù hợp; phối hợp sản- nhi thì chưa có; công tác chống nhiễm khuẩn chưa được quan tâm; tình hình chuyển viện sơ sinh không an toàn, nhiều trường hợp tử vong trước khi nhập viện...

Ðể khắc phục tình trạng trên và tăng cường công tác chăm sóc trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh theo các mục tiêu xác định trong chiến lược công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đến năm 2010-2020 đã được Chính phủ phê duyệt, năm 2003, Bộ trưởng Y tế đã có chỉ thị chăm sóc trẻ sơ sinh nhằm giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh. Chỉ thị nêu rõ: tất cả các cơ sở y tế hoạt động trong lĩnh vực sản, nhi từ bệnh viện chuyên khoa đến các trạm y tế xã, phường, thị trấn phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành; tiếp tục tăng cường dự phòng và cấp cứu các tai biến sản khoa; thực hiện chuẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tăng cường sự phối hợp giữa chuyên khoa sản và chuyên khoa nhi trong chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, nhất là xử lý cấp cứu, hồi sức sơ sinh tại phòng đẻ. Ðối với các trường hợp đẻ non, đẻ thiếu cân, các bác sĩ nhi khoa phải có mặt để cùng tham gia hồi sức cấp cứu. Tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, phối hợp chặt chẽ hơn để nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ sơ sinh tại các tuyến. Chuyên khoa sản tăng cường quản lý thai phụ có nguy cơ đẻ non, chẩn đoán phát hiện sớm thai nhi có nguy cơ, dị tật, vàng da để xử lý kịp thời; cấp cứu sớm trẻ sơ sinh bệnh, suy hô hấp, nhiễm khuẩn... Chuyên khoa nhi cần nâng cao chất lượng hồi sức sơ sinh; sơ cứu và chuyển tuyến kịp thời và an toàn đối với trẻ sơ sinh bị bệnh. Mới đây, Bộ Y tế thành lập Ban điều hành quốc gia về chăm sóc sức khỏe trẻ em và trẻ sơ sinh. Ngoài ra, Bộ cũng đang xây dựng kế hoạch hành động chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong sơ sinh tại Việt Nam. Kế hoạch hành động tập trung thực hiện là nâng cao chất lượng chăm sóc; cải thiện hệ thống dịch vụ xây dựng các cơ chế chính sách trong việc bảo vệ, chăm sóc sơ sinh...

TRUNG HIẾU