![]() |
Nhiều người nghĩ rằng stress là một triệu chứng khó vượt qua, rằng nó là một định mệnh khó tránh khỏi. Thế nhưng, họ không biết rằng có thể biến stress thành một động cơ trong cuộc sống. Vấn đề chỉ là thời gian và cách tổ chức.
Nếu có một chuyện mà người ta thường nhắc đi nhắc lại trong cuộc sống thì đó chính là stress. Ðây là biểu hiện của sự rối loạn hoạt động xuất phát từ việc thay đổi cách sống. Tiến sĩ Philippe Loron, nhà thần kinh học người Pháp giải thích: "Stress là một phần của cuộc sống. Ðó là phản ứng thích nghi của cơ thể chúng ta với những ràng buộc bên ngoài. Nó cho phép tái lập sự cân bằng nội tại hoặc đảm bảo sự sinh tồn. Trong suốt một ngày, chúng ta thường chịu những thay đổi đột ngột và bất ngờ mà chúng ta có khả năng tự nhiên để phản ứng lại, thông qua cơ thể và cảm xúc". Ðịnh nghĩa trên là rất quan trọng, bởi nó cho phép tái lập ý nghĩa của một cách gọi không được thân thiện lắm: bị stress không có nghĩa chỉ có hại!
Báo chí cũng có lý do khi nhắc nhiều đến hiện tượng stress trong thời gian gần đây. Ngày nay, chúng ta không được quyền thất bại trong cuộc sống cá nhân cũng như công việc. Chúng ta thường được đòi hỏi phải vượt quá những khả năng của mình mà không có thời gian để thích nghi. Chúng ta phải chịu một áp lực mà rất nhiều người đã phát triển thành một dạng stress mãn tính để tự bảo vệ trước một môi trường cảm thấy có hại. Trong trường hợp này, những áp lực bên ngoài đã làm cạn nguồn dự kháng trong cơ thể và cuối cùng chúng ta bị stress.
Thật khó giải thích một cách chính xác tại sao có người chế ngự stress dễ dàng, trong khi số khác thì không được như vậy. Theo tiến sĩ Loron, nền giáo dục mà chúng ta thừa hưởng không cho phép phát triển những khả năng đề kháng. Người ta cũng có thể gặp thất bại hoặc thiếu động cơ. Ngay khi stress tăng cường độ và nhất là lặp đi lặp lại, nó trở thành nỗi lo duy nhất của chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng thật khó sống khác đi và quên bù đắp những tác động có hại của nó. Một cách giải thích khác: cơ thể chúng ta hoạt động như một tài khoản ngân hàng, nếu chúng ta không nạp tiền thường xuyên thì nó sẽ cạn. Khi lâm vào tình trạng stress cấp tính này, chúng ta phải nhanh chóng xác định đâu là những yếu tố gây stress.
Khi những áp lực dồn nén
Dù người ta thường nhấn mạnh đến yếu tố công việc, nhưng cũng có rất nhiều sự kiện trong cuộc sống hằng ngày có thể làm phát sinh những tình huống stress: mất khả năng đáp ứng những nhu cầu cơ bản, tang tóc, hục hặc vợ chồng thường xuyên, sự bất an, nỗi lo tiền bạc, bệnh tật, cô đơn, chuyện đi lại, bị đuổi việc… Ðó là chưa kể những điều kiện như tiếng ồn hoặc thời tiết. Tùy theo đặc điểm, cơ thể chúng ta phản ứng ít nhiều trước những sự kiện này, nhất là khi chúng tích tụ. Khi xác định được vấn đề và đánh giá được tầm quan trọng của nó, chúng ta có thể thực hiện được bước đầu tiên tiến tới làm chủ stress.
Thế nhưng, thay vì xác định các nguyên nhân của nó, chúng ta thường thích tấn công vào những hậu quả. Nó giống như trong tình huống sau đây: chúng ta đang ở trong một hành lang có rất nhiều cửa. Ðằng sau một cánh cửa, chúng ta nghe có tiếng động lạ. Có hai chuyện xảy ra: mở cửa và phát hiện một con mèo đang đùa với cuộn len và chúng ta cảm thấy an tâm; hoặc chúng ta phát hiện một con quái vật và dù rất sợ hãi, nó cho phép cơ thể chúng ta tận dụng hết nguồn dự trữ sẵn có để thích nghi với tình huống. Nhưng chúng ta cũng có thể quyết định không mở cửa và tiếp tục sợ hãi bằng cách nghĩ ra những chuyện kinh khủng. Ðó chính là tâm lý sợ đối đầu với những xung đột.
Hãy đặt những mục tiêu thực tế • Khi cảm thấy khỏe khoắn, bạn hãy tranh thủ suy nghĩ đến những gì làm bạn hài lòng và những gì có thể làm bạn rơi vào tình trạng stress. Một vấn đề được xác định đúng coi như đã giải quyết được phân nửa. • Mỗi buổi sáng, hãy đặt ít nhất một mục tiêu có thể thực hiện được và tìm cách thực hiện cho bằng được. Nếu không đạt được mục tiêu, bạn đừng xem rằng mình đã thất bại mà hãy dời mục tiêu sang ngày hôm sau. • Việc nào thời gian nấy: thay vì nhìn thấy cả núi công việc phải làm, bạn hãy thực hiện lần lượt từng việc. Chọn những việc quan trọng vào lúc bạn cảm thấy khỏe nhất. • Ðừng quá nghiêm khắc với chính mình: nếu dự án thất bại, không nhất thiết bạn buộc phải tự đặt lại vấn đề. • Hãy thở mạnh ngay khi bạn cảm thấy phật ý vì một sự kiện bên ngoài. • Ðừng dựa vào thời gian biểu quá chặt chẽ. Nếu bạn thuộc dạng người phải đặt công việc cho mỗi giờ thì hãy làm giãn ra (bạn chạy theo ai, theo cái gì?). Hãy nới lỏng lịch làm việc và phân bố giờ rảnh trong ngày (nửa tiếng lúc này, 15 phút lúc khác). Ðiều đó cho phép bạn xoay sở với những chuyện ngoài dự kiến một cách bình thản, chẳng hạn con bị bệnh hoặc họp hành vào giờ chót. • Cố gắng tập đều đặn một môn thể thao, dù chỉ là đi bộ mỗi ngày một ít. Hoạt động thể chất làm tăng nhịp tim, kích thích máu tuần hoàn, tiết ra các kích thích tố và giải phóng áp lực. Chạy bộ là hoạt động dễ thực hiện nhất. Lúc đầu, bạn có thể chạy 5 phút mỗi ngày, chạy chậm như bước đi. Kế đó tăng dần bước chạy và thời gian chạy cho đến 25 phút mỗi ngày. Bạn phải tự ấn định các nguyên tắc tùy theo khả năng của mình, cách sống, những ao ước và cá tính. Nhưng cần phải hiểu rằng không phải nhờ những bài tập này mà bạn sẽ giải quyết hoàn toàn vấn đề stress. Ngược lại, nó làm tăng khả năng phản ứng về mặt tinh thần của bạn và cho phép bạn nuôi dưỡng những ý nghĩ tích cực, để làm sao stress không còn là nỗi ám ảnh và trở thành động cơ của bạn trong cuộc sống. |
(Theo CNTD)
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Yếu tố nào thuận lợi cho bệnh ung thư vú phát triển? (09/11/2004)
▪ Làm thế nào khắc phục chứng giật chân? (09/11/2004)
▪ Túi lưới giúp bệnh nhân lớn tim (09/11/2004)
▪ Chữa táo bón mạn tính trong 4 tuần (09/11/2004)
▪ Sử dụng những ngày bị bệnh một cách thông minh! (09/11/2004)
▪ Thịt bò, thịt cừu, hot dogs làm tăng nguy cơ bị tiểu đường (09/11/2004)
▪ Thịt đỏ tăng nguy cơ tiểu đường (10/11/2004)