Mách nhỏ
Các Website khác - 10/11/2004

Điều trị móng tay bị nấm. Bệnh nấm móng cần được điều trị kiên trì với bác sĩ chuyên khoa. Nhiều trường hợp những móng đã bị nấm "ăn" mềm mủn phải lột bỏ, sau đó sẽ điều trị với thuốc chống nấm (kết hợp uống và thoa trực tiếp lên vị trí thương tổn) mới hy vọng khỏi hẳn. Người bệnh nấm móng phải tránh tiếp xúc thường xuyên với nước, bùn đất dơ để tránh bội nhiễm. Hiện nay có nhiều biệt dược chống nấm nên bệnh điều trị khá dễ dàng, nhất là với sự tích cực điều trị của bệnh nhân.


Sẩy thai do hở eo tử cung

Hở eo tử cung là một trong những nguyên nhân gây sẩy thai liên tục. Bình thường, khi phụ nữ có thai cổ tử cung đóng lại và chỉ mở ra vào lúc sinh nở, nhưng do hở eo tử cung khiến cổ tử cung mở dần ra vì không chịu nổi áp lực của thai nhi đè lên, gây sẩy thai (vào khoảng tháng thứ 4, thứ 5 của thai kỳ). Nguyên nhân hở eo tử cung thường do nạo thai nhiều lần, hoặc từ những chấn thương ở những lần sinh nở trước, và cũng có khi là tật bẩm sinh. Để tránh sẩy thai trong trường hợp này phải khâu chặt cổ tử cung với chỉ không tan sau khi mang thai khoảng 2 - 3 tháng, nhờ vậy thai nhi sẽ phát triển bình thường trong lòng tử cung. Khi bác sĩ thực hiện khâu cổ tử cung sẽ không đau vì sản phụ sẽ được gây tê hoặc gây mê, và chỉ nằm lại bệnh viện vài ngày, sau đó về nhà cần nghỉ ngơi nhiều trong thời gian chờ đến ngày sinh nở. Khi gần đến ngày sinh, bác sĩ sẽ cắt chỉ khâu sau khi đã kiểm tra sản phụ và thai nhi có thể sinh bình thường. Ngoài việc thực hiện khâu chặt cổ tử cung, không còn phương cách nào khác để tránh sẩy thai cho người hở eo tử cung cả. Hãy đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa khám và theo dõi thai kịp thời.

BS Khánh Vân - BS Kim Quang