Mẹ lười ăn, con dễ bị béo phì
Các Website khác - 13/06/2005
Chế độ dinh dưỡng tốt cực kỳ quan trọng khi mang thai.

Ngay sau khi chào đời, những bé có mẹ ăn uống thiếu chất trong thời kỳ mang thai sẽ bị dâng trào quá sớm hoóc môn leptin chuyên kiểm soát cảm giác thèm ăn, gây rối loạn chức năng điều tiết năng lượng và dẫn đến bệnh béo phì.

Leptin là một nội tiết tố do mỡ sinh ra, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cân bằng lượng thức ăn đưa vào và năng lượng tiêu hao của cơ thể, giúp duy trì trọng lượng ở mức ổn định.

Leptin được giải phóng khi người ta nạp đủ thức ăn cho nhu cầu cơ thể, ngăn chặn sự thèm ăn và kích thích tạo ra cảm giác "no nê". Quá trình này diễn ra nhờ sự phối hợp của các cảm thụ thể trong vùng não có tên là hypothalamus - phần não kiểm soát thân nhiệt và cảm giác đói, khát.

Nghiên cứu của Đại học Tổng hợp Kyoto, Nhật Bản, cho thấy sự dâng trào leptin ngay sau khi chào đời có thể ảnh hưởng tới sự hình thành các mạch não chuyên kiểm soát năng lượng trong vùng hypothalamus. Trong thí nghiệm, những con chuột mới sinh có mẹ ăn ít hơn mức bình thường 30% khi mang thai thường nhỏ bé và ít mỡ. Tuy nhiên, chỉ sau 10 ngày được nuôi bằng chế độ giàu chất béo, những con chuột "còi" này tăng cân nhanh và bắt kịp những con bình thường về trọng lượng. Đáng chú ý là với cùng một chế độ dinh dưỡng, lượng leptin ở số chuột “còi” tăng nhiều hơn và sự dâng trào nội tiết tố này xảy ra sớm hơn 6-8 ngày so với những con bình thường. Tuy nhiên, thân nhiệt của chuột gầy lại thấp hơn, chứng tỏ chúng được “lập trình” không thoát năng lượng.

Nhóm nghiên cứu đã bắt chước sự dâng trào leptin sớm trên những con chuột bình thường và kết quả là chúng cũng trở nên dễ bị béo phì hơn. Người ta cho rằng sự dâng trào leptin quá sớm đã gây suy thoái khả năng di chuyển hoóc môn này tới não. Vùng hypothalamus ở những con chuột còi cũng có nhiều dấu hiệu bất thường.

"Sự dâng trào nội tiết tố leptin quá sớm - hậu quả của việc ăn uống thiếu chất khi còn là bào thai - có thể làm thay đổi chức năng điều tiết năng lượng của bộ não và đây là nguồn gốc bệnh tật", tiến sĩ Shingo Fujii, thành viên nhóm nghiên cứu nhận định.

Nghiên cứu đã cho thấy tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng thai kỳ. Theo một số nghiên cứu trước đây, những con được nuôi bằng chế độ nghèo protein khi còn là bào thai hay thèm ăn mỡ. Chế độ dĩnh dưỡng ít protein còn dẫn đến những thay đổi về mật độ và loại tế bào ở vùng não hypothalamus.

Mỹ Linh (theo BBC)