![]() |
''Nhựa cóc'' là hỗn hợp độc tố có khả năng gây ảo giác, nghẽn mạch và tăng áp suất máu |
Thanhnien Online vừa qua có đưa tin: tại Tiền Giang xảy ra một vụ ngộ độc do ăn thịt cóc, một em bé 6 tháng tuổi chết trên đường đưa đi cấp cứu, 2 người ngộ độc nặng. Bài viết dưới đây nhằm góp phần cảnh báo cộng đồng trước nguy cơ tử vong từ loài sinh vật này.
Cóc là một trong những loài động vật thuộc lớp ếch nhái (Amphibia), bộ Anura, họ Bufonidae. Ở loài cóc, các tuyến trên da bài tiết ra chất nhầy màu trắng, dính keo, dân gian còn gọi là "nhựa cóc" - đây là hỗn hợp độc tố có khả năng gây ảo giác, nghẽn mạch và tăng áp suất máu. Ngoài ra, một số loài cóc còn chứa cả độc tố tetrodotoxin (độc tố có ở cá nóc) thông qua cơ chế cộng sinh với một số vi khuẩn.
Ở người, hiếm khi xảy ra trường hợp ngộ độc do đụng chạm, sờ mó phải cóc. Tuy nhiên, khi chất nhầy bài tiết của chúng dính vào một số vùng nhạy cảm như mắt, miệng... có thể gây ra hiện tượng rát bỏng, sưng phồng; nhưng chỉ khi chất nhầy này được hấp thụ qua đường tiêu hóa (ăn phải) thì mới gây ra các triệu chứng ngộ độc mang tính hệ thống. Triệu chứng thường xảy ra sau khi ăn khoảng 1 giờ hoặc có thể sớm hơn nếu nạn nhân có uống rượu, bia, và bắt đầu bằng cảm giác chóng mặt, quay cuồng, đau như bị châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân; tiếp theo là ói mửa dữ dội kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, giảm huyết áp. Tiếp theo đó, các triệu chứng giống như bệnh suy tim có thể xuất hiện như loạn nhịp tim, co thắt cơ tim... và cuối cùng là tử vong có thể xảy ra trong vòng vài giờ.
Đối tượng sử dụng thịt hay bột cóc phần lớn là trẻ em chậm lớn, suy dinh dưỡng hoặc người bệnh suy nhược. Và chắc chắn là ở những đối tượng này, sức chống chọi với chất độc của cóc sẽ kém hơn nhiều so với người khỏe mạnh, trong khi chất độc của một con cóc có thể giết chết 4 - 5 người khỏe mạnh. |
Khi chất nhầy bài tiết của cóc lỡ dính vào tay, mắt, miệng..., nên nhanh chóng rửa vùng tiếp xúc nhiều lần bằng nước sạch. Trong trường hợp ngộ độc qua đường tiêu hóa, sau khi đã kích thích cho nạn nhân ói mửa, nên súc rửa dạ dày, dùng carbon hoạt tính hấp thụ bớt chất độc còn sót lại. Trong trường hợp ngộ độc nặng, có thể tiêm tĩnh mạch một liều cao thuốc chống suy tim (Digoxin - Fab - fragments: Digibind®) - đây chính là chất đặc trị cho các trường hợp ngộ độc cóc nói chung.
Thạc sĩ Đào Việt Hà
(Viện Hải dương học - TP Nha Trang)
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Thuốc lắc... đằng sau những cơn hưng phấn (13/12/2004)
▪ Hỏi - đáp sức khỏe (12/12/2004)
▪ Phòng tránh say tàu, xe khi đi như thế nào? (12/12/2004)
▪ Nguy cơ viêm màng não mủ ở trẻ em rất cao (12/12/2004)
▪ Xem Tivi quá nhiều khiến trẻ dậy thì sớm (12/12/2004)
▪ Tiện lợi của mổ nội soi trong niệu khoa (13/12/2004)
▪ Trò chơi video thay thế thuốc an thần (13/12/2004)