![]() |
Bác sĩ Hiếu đang thăm khám cho hai bé, một ngày sau khi được mổ ruột thừa bằng phương pháp nội soi. |
Sau 6 tháng áp dụng phương pháp nội soi để chẩn đoán và phẫu thuật cho bệnh nhi, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng I (TP Hồ Chí Minh) đánh giá: Kết quả rất tốt!
Trưởng khoa Ngoại BV Nhi Đồng I - bác sĩ Đào Trung Hiếu cho biết, sau 6 tháng đưa phương pháp nội soi chẩn đoán và phẫu thuật cho trẻ vào áp dụng, BV đã phẫu thuật cho hơn 160 trẻ mắc nhiều loại bệnh như ruột thừa, lồng ruột, túi mật, u nang buồng trứng, tinh hoàn thể ẩn... và kết quả thành công mỹ mãn. Ưu điểm của việc chẩn đoán và mổ bằng nội soi: sau mổ, các bệnh nhi được xuất viện rất sớm (sau khoảng 24 - 48 giờ) so với phải mổ hở như trước đây (thường cả tuần lễ); vết mổ rất nhỏ, ngoài yếu tố thẩm mỹ thì sau khi mổ ít có nguy cơ bị nhiễm trùng như mổ hở (đường mổ dài, rộng), vì vậy trẻ không phải dùng nhiều thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau... Do vậy, nếu tính tổng chi phí thì mổ nội soi và mổ hở tương đương nhau.
Một ưu điểm nữa, theo bác sĩ Hiếu là có rất nhiều trường hợp bệnh mà kỹ thuật mổ hở thông thường trước đây không thể làm được, hoặc nếu làm được thì bệnh nhi phải chịu nhiều lần mổ đau đớn. Chẳng hạn như trường hợp bé Nguyễn Phi Long, 11 tuổi, nhập viện ngày 5/8, chẩn đoán ban đầu là viêm ruột thừa bị biến chứng thủng, nhưng qua thám sát toàn bụng bằng đầu dò nội soi, bác sĩ phát hiện bé Long bị thủng thành tá tràng do loét chứ không phải thủng ruột thừa và xử trí luôn, trường hợp này nếu mổ hở thì phải rạch thêm một đường khác mới xử lý được. Trường hợp thứ hai là bé Trần Thanh T., 2 tuổi, nhập viện ngày 5/7. Nếu không nhờ kỹ thuật nội soi thì không thể phát hiện được ngay T. bị "thiếu" một tinh hoàn, trường hợp này trước đây phải mổ thăm dò thì bác sĩ mới biết xử lý (bởi tinh hoàn có thể nằm ẩn ở bẹn hay ổ bụng)... Nội soi chẩn đoán cũng rất nhanh và chính xác, giúp bác sĩ xử lý kịp thời những trường hợp nguy cấp như của bé Nguyễn Anh Thư, 9 tuổi được chuyển đến từ Bến Tre trong tình trạng xuất huyết ồ ạt. Nhờ phương pháp này, bệnh nhân được chẩn đoán và xử lý kịp thời trong 1 giờ đồng hồ...
Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Giám đốc BV cho biết, nội soi trong chẩn đoán và phẫu thuật ở bệnh nhi là một kỹ thuật cao, do vậy để đưa vào áp dụng, BV đã chuẩn bị từ đầu năm 2003 cả về cơ sở vật chất lẫn việc đào tạo đội ngũ, ê-kíp phẫu thuật, gây mê... Ban đầu chỉ mổ trên trẻ lớn (10 - 15 tuổi), dần dần chuyển qua thực hiện ở trẻ nhỏ tuổi hơn, và đến nay ê-kíp phẫu thuật nội soi đã thực hiện rất tốt, không có biến chứng nào.
Thấy được lợi ích của việc mổ nội soi cho trẻ, UBND TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ toàn bộ kinh phí để BV đầu tư thêm máy móc, phương tiện phẫu thuật và BV đã đặt mua thêm máy. Dự kiến cuối năm nay, BV sẽ áp dụng mổ nội soi cho trẻ dưới 10 kg (hiện chỉ áp dụng cho trẻ có cân nặng trên 10 kg, do còn thiếu một số máy móc). BV sẽ áp dụng nội soi vào chẩn đoán và phẫu thuật thêm ở một số bệnh lồng ngực như u nang, kén ở phổi, thoát vị hoành, tràn mũ màng ngoài tim...
Thanh Tùng
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Mẹo nhỏ với bia (03/11/2004)
▪ Bạn có nên tiếp tục làm việc khi mang thai? (04/11/2004)
▪ Các rối loạn do thiếu iốt sẽ được loại trừ vào 2005 (04/11/2004)
▪ Siêu chuột có khả năng kháng lại bệnh ung thư (03/11/2004)
▪ Một khám phá có thể giúp chữa chứng béo phì (03/11/2004)
▪ Cà phê, thuốc lá: chỉ được chọn một (03/11/2004)
▪ TP Hồ Chí Minh: Chiến dịch diệt chuột bằng... vi khuẩn (04/11/2004)