Số người trầm cảm hiện chiếm 3-5% dân số thế giới. Phần lớn bệnh nhân chỉ đi khám khi các triệu chứng đã biểu hiện rõ và nặng nề. Trong điều trị trầm cảm, việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất quan trọng.
Trầm cảm được các nhà chuyên môn chia làm 2 thể: điển hình và không điển hình. Trầm cảm điển hình thể hiện tình trạng ức chế toàn bộ các mặt hoạt động tâm thần như cảm xúc, tư duy, hoạt động. Bệnh nhân buồn rầu, ủ rũ, vẻ mặt chậm chạp, mất mọi sự quan tâm thích thú, bi quan chán nản, có cảm giác mệt mỏi, uể oải, không thể làm được việc gì. Họ suy nghĩ chậm chạp, liên tưởng khó khăn, khó tập trung chú ý khi giao tiếp, thường có những ý tưởng sám hối (xem quá khứ của bản thân đầy lỗi lầm, khuyết điểm, đáng xấu hổ và lên án, trường hợp nặng có thể trở thành hoang tưởng, tự buộc tội mình, đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân trầm cảm dễ có hành vi tự sát). Một số bệnh nhân kèm theo lo âu, nghi ngờ bản thân mắc một bệnh nặng nề, khó chữa…
Bệnh nhân trầm cảm điển hình thường giảm hoạt động, nằm, ngồi một chỗ, duy trì lâu một tư thế, hay nằm trong bóng tối, không muốn tham gia bất cứ hoạt động gì, chất lượng công việc giảm sút, ít tham gia các hoạt động xã hội. Các biểu hiện khác là rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, thức dậy sớm hoặc ngủ nhiều hơn), chán ăn, đôi khi từ chối ăn vì cho rằng bản thân có lỗi, dẫn đến suy kiệt; giảm nhu cầu tình dục.
Ở thể trầm cảm không điển hình, các triệu chứng không đầy đủ như trên mà có thể biểu hiện kín đáo, dai dẳng và ít rầm rộ hơn. Bệnh nhân có thể mệt mỏi, uể oải, đau dai dẳng; hoặc bồn chồn bất an, bứt rứt, thậm chí có thể kích thích vật vã.
Khi phát hiện bệnh nhân trầm cảm, cần xác định mức độ bệnh và tìm hiểu nguyên nhân (do bệnh lý thực thể hay căn nguyên tâm lý) để chỉ định có cho nhập viện không. Người bệnh cần được theo dõi sát sao nhằm phát hiện sớm ý tưởng, hành vi tự sát; điều trị sớm bằng các thuốc chống trầm cảm, giải lo âu (nếu cần), bằng liệu pháp tâm lý và khắc phục căn nguyên gây bệnh. Đặc biệt, cần đảm bảo cân bằng nước, điện giải, sinh tố cho bệnh nhân.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
▪ Tại sao bệnh tiểu đường lại gây liệt dương? (13/06/2005)
▪ Mẹ lười ăn, con dễ bị béo phì (13/06/2005)
▪ Động kinh lành tính ở trẻ nhỏ (14/06/2005)
▪ Ngoại hình trái lê tốt hơn ngoại hình trái táo (13/06/2005)
▪ Trẻ thấp bé (13/06/2005)
▪ Bệnh sốt định kỳ (13/06/2005)
▪ Tư vấn sức khỏe (13/06/2005)
▪ Phẫu thuật có thể giúp trẻ hết khó thở khi ngủ (13/06/2005)
▪ Đàn ông tiểu đường bị giảm testosterone (13/06/2005)
▪ Cảnh giác với tai nạn mùa hè ở trẻ em (13/06/2005)