Nguyên nhân làm ruột bị tắc có nhiều, ngoài những trường hợp tắc ruột cơ năng do phản ứng bệnh lý của màng bụng bị kích thích làm giảm nhu động ruột và liệt ruột người ta thường gặp những trường hợp tắc ruột cơ giới do ruột bị nút, bị bít lại vì sự chèn ép của một khối u, một búi giun đũa, một khối bã thức ăn, v.v... hoặc do viêm nhiễm, do dính ruột sau mổ , do ung thư... Về lâm sàng, tắc ruột có bốn triệu chứng chính dễ nhận, nhất là trong tắc ruột cơ giới: đau, nôn, bí trung đại tiện và trướng bụng.
- Đau là dấu hiệu thấy sớm nhất. Bệnh nhân đau từng cơn, đau đột ngột và dữ dội, kéo dài 2 - 3 phút, giảm dần, một lúc sau lại xuất hiện cơn đau khác. Các cơn đau mới đầu còn thưa, sau mau dần và dữ dội hơn. Lúc đầu cơn đau chỉ khu trú ở một vùng bụng, sau đó đau lan tỏa ra toàn bụng.
- Nôn là triệu chứng thường gặp, nhưng cũng có bệnh nhân không nôn mà chỉ buồn nôn. Thường nôn xuất hiện sớm kèm với cơn đau, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau nôn ra nước mật, dịch tiêu hoá, cuối cùng ra phân. Lúc này là tắc ruột đã để quá muộn.
- Bí trung tiện, đại tiện là triệu chứng quan trọng chứng tỏ sự ngừng trệ hoàn toàn các chất trong lòng ruột. Tuy nhiên, dấu hiệu này có thể xảy ra muộn, vì trong những giờ đầu ruột còn co bóp đẩy hơi và phân ở phía dưới chỗ bị tắc ra. Đến khi hết hẳn, hơi và các chất ở trên chỗ bị tắc không xuống được nữa, bệnh nhân mới bí trung, đại tiện.
- Bụng bệnh nhân bị trướng to, căng ra, gõ vang.
Ở những người gầy thành bụng mỏng có thể thấy quai ruột nổi hằn lên thành bụng. Trong cơn đau, chiếu ánh sáng vào bụng bệnh nhân ta có thể nhìn thấy sóng nhu động ở các quai ruột nổi cộm lên và di chuyển như rắn bò bên dưới đa bụng. Dấu hiệu này được y học gọi là "hiện tượng rắn bò" thường gặp trong tắc ruột cơ giới.
Trên đây là những dấu hiệu chính, người nhà bệnh nhân nếu chú ý theo dõi có thể thấy được. Để chẩn đoán sớm và chính xác vị trí tắc, nguyên nhân và cơ chế tắc, các thầy thuốc còn phải thăm khám và chụp X-quang, vì các dấu hiệu X-quang thường xuất hiện sớm giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán.
Tắc ruột là một cấp cứu hết sức khẩn trương, phải mổ thật sớm. Nếu bệnh được chẩn đoán sớm, mổ kịp thời trong 24 giờ đầu, tiên lượng sẽ tốt, còn nếu để chậm mấy ngày sau mới xử trí tỷ lệ tử vong thường rất cao, vì càng đế chậm khả năng phục hồi của ruột càng ít và sốc càng nặng do mất máu, do hấp thụ độc tố qua thành ruột bị hoại tử và viêm màng bụng.
|