Máy chiếu xạ cobalt 60 khá thông dụng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm. |
Nhiều người cảm thấy sợ hãi khi nghe nói đến thực phẩm chiếu xạ. Thực ra, đây là một công nghệ bảo quản thực phẩm an toàn về mặt vệ sinh và vẫn không làm mất đi các thành phần dinh dưỡng. Công nghệ này góp phần tạo ra nguồn thực phẩm sạch, làm giảm các vụ ngộ độc.
Hiện thế giới có trên 30 nước sử dụng công nghệ chiếu xạ để xử lý và bảo quản hơn 40 loại thực phẩm khác nhau, bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc, thịt, gia cầm... Thực phẩm chiếu xạ chưa được sử dụng rộng rãi vì ở Việt Nam do chưa có đủ thiết bị và người tiêu dùng cũng chưa có đủ thông tin về tính an toàn của nó nên có cảm giác e ngại. Đa số người dân khi nghe đến những từ như chiếu xạ, phóng xạ... thường có cảm giác sợ và liên tưởng ngay đến bệnh ung thư và vô sinh.
Thực ra, tính an toàn về mặt sức khỏe cũng như lợi ích về kinh tế của thực phẩm chiếu xạ đã được các tổ chức có uy tín của Liên Hợp Quốc như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO), Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nghiên cứu đầy đủ và công nhận.
Chiếu xạ thực phẩm là sử dụng các tia bức xạ (thường là tia gamma) làm "viên đạn" để bắn vào ADN của các tế bào vi khuẩn hay vi sinh vật gây bệnh có trong thực phẩm, làm chúng bị chết. Ảnh hưởng của việc chiếu xạ lên thực phẩm và lên người ăn nó đã được nghiên cứu rộng rãi và lâu dài tại Mỹ cũng như các nước tiên tiến khác. Những nghiên cứu này cho thấy thực phẩm chiếu xạ an toàn và có nhiều lợi ích:
Chiếu xạ với liều thích hợp sẽ tiêu diệt được các vi khuẩn và vi sinh vật gây bệnh như E. coli, Trichina, Salmonella (vi khuẩn làm thực phẩm có tính độc)... trong thịt và gia cầm hay những loại thực phẩm khác. Nó cũng ngăn chặn sự nảy mầm của khoai tây và tỏi, làm chậm quá trình chín của trái cây...
Thực phẩm chiếu xạ không tiếp xúc với chất phóng xạ mà chỉ bị chiếu bởi tia gamma từ nguồn phóng xạ, do đó không thể trở thành thực phẩm phóng xạ” được.
Sau khi chiếu xạ, thực phẩm không xuất hiện bất kỳ độc tố nào và không có sự thay đổi các thành phần hóa học, gây ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe con người.
Chiếu xạ không làm giảm giá trị dinh dưỡng cũng như các vitamin trong thực phẩm; ngoài ra cũng không có thay đổi nào của acid amin và acid béo...
Các nhà máy sử dụng công nghệ chiếu xạ thực phẩm vận hành theo đúng qui trình an toàn sẽ không gây hại gì đến môi trường xung quanh, cũng không gây ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe của công nhân.
Thực phẩm chiếu xạ cần được trữ và chế biến bình thường như thực phẩm không chiếu xạ. Sau khi chiếu xạ, thực phẩm vẫn có thể bị nhiễm các mầm mống gây bệnh nếu các qui tắc an toàn vệ sinh không được tuân thủ (do vậy chúng thường được đóng gói trước khi chiếu).
Tuy nhiên, chiếu xạ không giết chết được các virus, chẳng hạn virus gây bệnh bò điên. Nó chỉ là một khâu trong một mắt xích từ sản xuất đến tiêu dùng thực phẩm. Muốn có thực phẩm sạch thì trước hết nguồn thực phẩm (tức là từ người nông dân) phải sạch.
Ở Việt Nam, công nghệ chiếu xạ thực phẩm đã được nghiên cứu và ứng dụng từ năm 1985 tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Hiện nay cả nước chỉ có vài ba trung tâm chiếu xạ thực phẩm với qui mô bán công nghiệp.
Đồng thời thực phẩm chiếu xạ cũng góp phần tạo ra nguồn thực phẩm sạch và do đó sẽ làm giảm những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể đang rất hay xảy ra ở nước ta.
(Theo Tuổi Trẻ)
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Bệnh nhân H5N1 ở Tây Ninh đã tử vong (10/01/2005)
▪ Cứu sống một ca viêm tắc xoang tĩnh mạch não (10/01/2005)
▪ Tử cung gập sau (09/01/2005)
▪ Dùng thuốc trị ho (09/01/2005)
▪ Bài khí công 'Hạc trắng gọi mặt trời' (09/01/2005)
▪ Biến tế bào gốc thành máy điều hoà nhịp tim sinh học (08/01/2005)
▪ Tật khúc xạ ở trẻ (08/01/2005)