Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới, tử vong chu sinh (TVCS) là hiện tượng tử vong thai nhi và sơ sinh từ trước, trong và sau đẻ bảy ngày có tuổi thai từ tuần 22, chiều dài từ 25cm và cân nặng từ 500g khi đẻ trở lên.
Qua theo dõi số trẻ TVCS tại Bệnh viện Phụ sản TƯ từ năm 2002 cho thấy, tỷ lệ trẻ TVCS trên tổng số trẻ được sinh ra có chiều hướng giảm. Nếu như năm 2002, số trẻ TVCS là 435 thì đến năm 2003 chỉ còn 420 và 6 tháng đầu năm 2004 là 208 trường hợp. Qua phân tích sự phân bố TVCS trước, trong và sau khi đẻ cho thấy tỷ lệ trẻ tử vong trong chuyển dạ và sau đẻ 7 ngày giảm hơn so với thập niên trước và những năm gần đây (năm 2002 tỷ lệ tử vong trong đẻ là 8,21%o so với tổng số ca đẻ, sau đẻ là 17,61%o năm 2003 là 5,71%o và 13,46%o).
Do cơ sở vật chất của bệnh viện được nâng cấp, trình độ của bác sĩ nâng cao nên đã chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học (siêu âm mầu, máy thở...) vào chẩn đoán và điều trị nên đã xử lý kịp thời. Trong khi đó việc chẩn đoán nguyên nhân gây tử vong trước sinh (thai chết lưu) rất khó, mà có chẩn đoán được thì độ chính xác cũng không cao là nguyên nhân làm cho tỷ lệ tử vong trước đẻ giảm ít (14,2%o năm 2002 và 12,28%o năm 2003).
Nguyên nhân dẫn tới TVCS ở trẻ dễ nhận thấy nhất là tình trạng thấp cân do non tháng chiếm tỷ lệ rất cao, đặc biệt thai nhi chưa được 28 tuần và trong khoảng từ 28-34 tuần. Với thai nhi được 35-37 tuần, hoặc là trên 42 tuần thì tỷ lệ này giảm rõ rệt. Điều này cho thấy công tác quản lý thai nghén, điều trị giữ thai cho sản phụ ở giai đoạn non tháng thêm được một tuần hoặc nhiều hơn là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa với sự sống cũng như quá trình phát triển của đứa trẻ sau này.
Còn với trường hợp tử vong trước đẻ chủ yếu không rõ nguyên nhân(trên 70%), tiếp đó là do các bệnh lý về dây rau và rau như dây rau thắt nút, dây rau xoắn, rau bong non và thai dị dạng. Còn các trường hợp tử vong trong khi đẻ thì nguyên nhân hàng đầu được xác định là do dị tật bẩm sinh như vô sọ, bụng cóc (chiếm 66%), sau đó đến bệnh lý về dây rau và rau. Nguyên nhân tử vong sau đẻ 7 ngày theo kết quả nghiên cứu chủ yếu do trẻ mắc bệnh lý hô hấp liên quan đến trẻ non tháng nên khả năng miễn dịch kém: Phổi chưa trưởng thành, màng trong, dị tật bẩm sinh, nhiễm khuẩn sơ sinh các loại. Theo các bác sĩ sản khoa hiện nay việc phát hiện thai nhi bị các dị tật bẩm sinh có thể thực hiện từ rất sớm để có thể đình chỉ thai nghén sớm sẽ phần nào giảm được nguy cơ cho các bà mẹ mang thai lại vừa hạ thấp được tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.
Với trường hợp tử vong do ngạt trước đây chiếm tỷ lệ cao thì hiện nay đã hạn chế nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa chuyên ngành sản và sơ sinh, đồng thời công tác tiên lượng những ca đẻ khó được tiến hành thường xuyên trong suốt thời kỳ mang thai cho tới lúc đẻ nên việc chuẩn bị các biện pháp can thiệp luôn sẵn sàng đã giúp cho bà mẹ vượt cạn an toàn cũng như trẻ có nguy cơ cao được điều trị dự phòng bệnh trước và ngay sau khi sinh nên biến chứng có thể dẫn tới TVCS ở trẻ đã giảm đáng kể.
Với các bà mẹ, lời khuyên tốt nhất là kiểm tra sức khỏe trước khi có thai. Trong thời gian mang bầu nên kiểm tra thai định kỳ, ăn uống cũng như bổ sung các chất cần thiết khác theo hướng dẫn của thầy thuốc, khi phát hiện thấy dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đi khám tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và có biện pháp dự phòng.
|