10 sự kiện thế giới 2005 1. Tiến trình dân chủ ở Iraq diễn ra chậm chạp và đầy trắc trở, song cũng được đánh dấu bằng các mốc: Thành lập chính phủ và thông qua hiến pháp mới, tổ chức bầu cử quốc hội (ảnh 1)... Tuy số vụ bạo động, đổ máu vẫn gia tăng, hạ tầng cơ sở bị tàn phá, người dân vẫn phải sống trong những điều kiện rất khó khăn, và lực lượng Mỹ bị đánh giá là đang ngày càng sa lầy tại đây, thì con đường phía trước của Iraq dẫu sao cũng được cho là đã "quang quẻ" hơn. Tuy nhiên, nhiều vấn đề lớn đòi hỏi sự thay đổi về cấu trúc cơ bản liên quan tới chính trị, an ninh vẫn chưa được giải quyết. Dịp cuối năm đã xuất hiện thêm một tín hiệu tích cực sau cuộc bầu cử ngày 15.12, khi Mỹ lần đầu tiên thông báo Tổng thống G.Bush đã chấp nhận áp dụng các biện pháp cắt giảm lực lượng chiến đấu Mỹ ở Iraq xuống dưới 138.000 quân và các hoạt động cắt giảm tiếp theo sẽ được xem xét "vào một thời điểm nào đó năm 2006".
2. Giá dầu lửa và giá vàng chao đảo, sau khi liên tục vượt các mức kỷ lục. Cuối tháng 8, giá dầu đã vọt tới mức siêu kỷ lục của mọi thời đại - gần chạm ngưỡng 71USD/thùng sau khi tin về cơn bão Katrina hoành hành ở nước Mỹ làm chao đảo các sàn giao dịch nhiên liệu thế giới. Các sản phẩm khác của dầu và khí tự nhiên cũng tăng cao tới mức kỷ lục, trong đó xăng tăng tới 10%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải đưa ra cảnh báo, giá dầu đứng ở mức cao và lập kỷ lục như vậy sẽ đe doạ đến sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay cũng như cản trở triển vọng phát triển của năm 2006. Tới tháng 12, khi giá dầu đã có phần giảm, thì giá vàng thế giới lại liên tục phá kỷ lục và đạt tới mức 530 USD/ounce - mức tăng cao nhất trong một phần tư thế kỷ qua. Nguyên nhân chính đối với thị trường Châu Á là nhu cầu về vàng vật chất tiếp tục tăng cao vượt quá khả năng cung ứng của thị trường. Tuy nhiên, tác động của giá vàng không quá lớn như giá xăng dầu.
3. Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc nhân 60 năm thành lập tổ chức này. Hơn 150 nhà lãnh đạo các nước đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc (LHQ) diễn ra tại New York (Mỹ) từ 14 - 16.9 để vạch ra những phương pháp tiếp cận mới đối với các vấn đề nóng trong thế kỷ 21, khẳng định vai trò "dẫn đầu" và vị trí "cốt lõi" của LHQ trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, công cuộc cải tổ LHQ và nỗ lực tăng cường nhằm đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ do LHQ đề ra từ năm 2000. Tổng Thư ký Kofi Annan cho rằng "LHQ cần phải thừa nhận rằng thế giới hôm nay khác rất xa" so với khi LHQ mới thành lập và "LHQ cần phải phản ánh thời đại mới cũng như đối phó với những thách thức của nó". Năm qua, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) của LHQ đoạt giải Nobel Hoà bình, nhưng hoạt động của LHQ phần nào bị lu mờ bởi vụ bê bối tham nhũng liên quan đến chương trình "đổi dầu lấy lương thực" ở Iraq.
4. Cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát thành đại dịch có quy mô toàn cầu, khi virus H5N1 lan sang nhiều quốc gia khác ngoài Châu Á, trong đó có Châu Âu. "Du khách sợ cúm gia cầm bùng phát hơn cả tấn công khủng bố", Chủ tịch Hiệp hội khách sạn, nhà hàng Indonesia Y.Sukamdani đã phải thốt lên. Hồi tháng 10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã làm chấn động dư luận thế giới khi khuyến cáo sẽ có từ 5-50 triệu người thiệt mạng nếu cúm gia cầm bùng phát thành đại dịch. Sau Việt Nam và Thái Lan, Trung Quốc và Indonesia là những quốc gia Châu Á khác thông báo có nạn nhân tử vong do virus cúm gà H5N1.
5. Hy vọng về bước đột phá cho tiến trình hoà bình Trung Đông lại được nhen nhóm, sau khi kế hoạch triệt thoái khỏi Dải Gaza và một phần Bờ Tây do Thủ tướng Israel Ariel Sharon đề xuất đã hoàn tất ngày 20.9. Tiếp đó, ngày 25.11, Palestine tiếp quản đường biên giới vừa được mở lại giữa Dải Gaza với Ai Cập. Hàng nghìn người Palestine đã nồng nhiệt ăn mừng (ảnh 2) vì đây là lần đầu tiên người Palestine nắm quyền kiểm soát một cửa ngõ nối với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán hoà bình Palestine - Israel vẫn chưa tìm ra lối thoát thực sự, bởi trong khi Israel đang thiếu một nhà lãnh đạo có ý chí kiên định như cố Thủ tướng đã bị ám sát Yitzhak Rabin, thì Palestine cũng thiếu một nhà lãnh đạo có đủ quyền lực để đem lại hoà bình cho nhân dân như cố Chủ tịch Yasser Arafat.
6. Năm của thiên tai lớn, với ước tính thiệt hại về vật chất do bão lụt, sóng thần, động đất... gây ra khắp nơi trên thế giới là khoảng 305 tỉ USD, với 112.000 người thiệt mạng, trong đó nổi bật là cơn bão Katrina tại Mỹ và động đất tại Pakistan (ảnh 3). Bão Katrina ập vào Louisiana (New Orleans) và Mississippi (Biloxi) hồi tháng 8, làm chết hơn 1.000 người, chủ yếu là người Mỹ da đen, tại thành phố New Orleans hồi tháng 8. Tổn thất quá lớn về người đã làm chao đảo chính trường nước Mỹ, khiến dư luận phẫn nộ về phản ứng cứu hộ quá chậm chạp của chính quyền cũng như nạn phân biệt chủng tộc trong lòng nước Mỹ. Chưa đầy hai tháng sau (8.10), một trận động đất mạnh 7,6 độ richter tại Nam Á đã làm hơn 87.000 người thiệt mạng, chủ yếu tại Pakistan. Ngoài ra có 3 triệu người mất nhà cửa.
7. Giáo hoàng John Paul II từ trần ngày 2.4 tại Vatican, thọ 84 tuổi (ảnh 4). Xuất thân từ thị trấn công nghiệp Wadowice của Ba Lan, chàng thanh niên Karol Wojtyla mồ côi từ nhỏ, song đã tự tạo dựng nên sự nghiệp cho mình để từ một thanh niên có tài hùng biện thu hút lòng người, trở thành linh mục, rồi Hồng y và lên ngôi Giáo hoàng với cái tên John Paul II nổi tiếng. Ngài được đánh giá là "dường như bẩm sinh đã là Đức Thánh cha" và là người con thuỷ chung của xứ Ba Lan, luôn đứng về phía những người nghèo khổ. Ngài thông thạo 8 ngôn ngữ, biết lắng nghe và trả lời, luôn được tôn kính như một tấm gương phấn đấu không mệt mỏi nhằm bảo vệ tự do và hoà bình trên khắp thế giới.
8. Khủng bố ở London. Hôm 7.7, đúng một ngày sau khi London được chọn đăng cai Olympic 2012, tới 6 vụ nổ bom đã xảy ra tại các ga tàu điện ngầm và xe buýt hai tầng ở ngay thủ đô. Hành động tấn công khủng bố này diễn ra đúng giờ cao điểm đi làm buổi sáng, khiến cả thành phố như bị tê liệt. 54 người chết, khoảng 1.000 người bị thương. Hai tuần sau, ngày 21.7, bọn khủng bố lại gây ra 4 vụ đánh bom nữa, cũng nhằm vào các ga tàu điện ngầm, nhưng lần này vào buổi trưa nên không gây thương vong. Những vụ này đã gây ra những biến động xã hội, kinh tế lớn, và gieo rắc tâm lý kinh hoàng cho người dân. Việc nhằm vào London cho thấy, vòi bạch tuộc của các tổ chức khủng bố vẫn tiếp tục lan rộng, kể cả ở nước Anh - nước được coi là có mạng lưới tình báo tốt nhất thế giới.
9. Khủng hoảng Hiến pháp Liên minh Châu Âu, khi cử tri Pháp và Hà Lan - những tiếng nói quan trọng trong EU - đã nói "không" với bản dự thảo hiến pháp trong cuộc trưng cầu hồi tháng 5 (ảnh 5). "Nếu cuộc bỏ phiếu của Pháp giáng đòn mạnh vào hiệp ước, thì người Hà Lan đã đánh phát kết liễu", tờ Guardian của Anh nhận xét. Đó cũng là ý kiến chung của các nhà lãnh đạo Châu Âu, như nhận định của Phó Thủ tướng Italia G.Tremonti: "Hiến pháp Châu Âu đã tiêu tan" hay "Châu Âu không còn khiến người ta mơ mộng" của Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker.
10. Bạo động ở Paris. Bắt đầu là cái chết vì điện giật của hai thiếu niên người Pháp gốc Phi hôm 27.10 do tưởng nhầm là bị cảnh sát truy đuổi. Các vụ tưởng niệm nạn nhân ban ngày đã biến thành bạo loạn ban đêm, từ ngoại ô Paris lan vào trung tâm thành phố, và từ Paris lan sang cả các thành phố khác. Thanh thiếu niên quá khích ném đá vỡ kính các cửa hàng, đánh nhau với cảnh sát, mỗi đêm hàng chục, có đêm hàng trăm chiếc ôtô bị đốt phá. Không ai nghĩ rằng bạo động lại kéo dài tới hơn 10 ngày. Chính phủ Pháp đã phải có những cam kết mới về cải thiện đời sống cho người dân nghèo nhập cư. Các chuyên gia nhận định: Đói nghèo, phân biệt chủng tộc là nguyên nhân, khi người nhập cư cảm thấy bị bỏ rơi thì họ nghĩ rằng, bạo động là cách duy nhất để tiếng nói của họ được lắng nghe. Ban Quốc tế báo Lao Động bình chọn |