Anh, Pháp, Đức từ chối đàm phán với Iran
Các Website khác - 19/01/2006
Anh, Pháp, Đức từ chối đàm phán với Iran

Các nhà kinh doanh chứng khoán
ở thị trường New York đang
chứng kiến giá dầu tăng.

Các giải pháp cho vấn đề hạt nhân ở Iran đang ngày càng trở nên bế tắc, trong khi các nhà kinh tế dự báo nếu nguồn dầu thô của Iran không xuất ra thế giới được do căng thẳng hạt nhân, thì giá dầu trên thị trường quốc tế sẽ tăng vọt. Và hôm 17.1, lần đầu tiên kể từ tháng 9.2005, giá dầu đã vượt mức 66USD/thùng.


Bất đồng quan điểm
Ông Javad Vaeedi, Phó Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Iran hôm 17.1 đã gửi thư kêu gọi 3 nước Liên minh Châu Âu (EU) là Anh, Pháp và Đức quay lại bàn đàm phán vào ngày 18.1. Trong thư, ông Vaeedi nhấn mạnh Iran vẫn muốn hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) để giải quyết vấn đề hạt nhân thông qua đàm phán. EU thẳng thừng bác bỏ yêu cầu này.

Một quan chức Đức cho hay, không có dấu hiệu nào cho thấy Iran sẵn sàng ngừng nghiên cứu hạt nhân. Quan chức Anh thì gọi việc Iran đề nghị nối lại đàm phán là "ngớ ngẩn" vì Iran đã đưa ra những điều kiện không thể thực hiện.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Seam McCormack bình luận đây là "sự hoang mang về ngoại giao" của Tehran. Ông này khẳng định sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán mới nào với Iran.

Mỹ và Châu Âu đang nỗ lực tìm cách đưa vấn đề Iran ra trước Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA), đồng nghĩa với việc Iran sẽ đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc lại thể hiện thái độ rõ ràng rằng họ không ủng hộ việc LHQ trừng phạt Iran. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nêu rõ "các giải pháp khác" cần được xem xét trước.

Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì kêu gọi "các bên liên quan cần phải kiềm chế và tìm kiếm giải pháp đối thoại".

Nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Seam McCormack hôm 17.1 tỏ ra kiên quyết: "Washington sẽ thúc đẩy để khiến Iran phải thay đổi bất chấp suy nghĩ của Nga và Trung Quốc. Chúng tôi sẽ bỏ phiếu để đưa Iran ra HĐBA".

Ông John Bolton, Đại sứ Mỹ tại LHQ nhấn mạnh, theo Hiến chương LHQ thì HĐBA phải có trách nhiệm đối đầu với những mối đe doạ cho hoà bình và an ninh. "Tranh chấp hạt nhân ở Iran chính là liều thuốc thử cho hiến chương này" - ông nói.

Thị trường chao đảo
Bất chấp sức ép của phương Tây, Iran cảnh báo sẽ chấm dứt hợp tác và nối lại toàn bộ các hoạt động nhạy cảm về nhiên liệu hạt nhân nếu bị đưa ra trước HĐBA. Đại sứ Iran tại IAEA tuyên bố nếu vấn đề hạt nhân của Iran bị đưa ra khỏi khuôn khổ của IAEA để chuyển sang HĐBA LHQ, thì Chính phủ Iran, theo đạo luật được quốc hội thông qua, sẽ chấm dứt sự hợp tác tự nguyện. Ông cũng cho biết, bất kỳ biện pháp trừng phạt nào cũng sẽ khiến giá dầu thế giới tăng cao đột biến, và điều này sẽ gây thiệt hại nhiều cho chính phương Tây.

Trong khi đó, ngày 17.1, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới tăng mạnh và lần đầu tiên kể từ tháng 9.2005 đã vượt ngưỡng 66USD/thùng. Giới kinh doanh lo ngại nếu Iran bị HĐBA trừng phạt, đồng nghĩa với việc sản lượng dầu thô xuất khẩu 2,4 triệu thùng/ngày của Iran phải tạm ngừng, thì giá dầu trên thị trường quốc tế sẽ tăng vọt.

Cho dù Mỹ không trực tiếp nhập dầu từ Iran, nhưng Giám đốc Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) của Mỹ Guy Caruso dự đoán, nếu Iran không xuất khẩu nữa thì thị trường Mỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi các nước mua dầu của Tehran sẽ cạnh tranh với Mỹ để tìm nguồn nhập mới. Tr.M (Theo AFP, AP)