Báo Người Lao Động số ra ngày 23-8 có bài đề cập sự bùng nổ đào tạo quản lý ở châu Á, trong đó có Trung Quốc. Thực tế, Trung Quốc đang rất thiếu các nhà quản lý doanh nghiệp, một vấn nạn có thể cản trở đà đi lên của nền kinh tế nước này
75.000 và 5.000
TQ đang phải đối diện một sự thiếu hụt ngặt nghèo: các nhà quản lý có khả năng và kinh nghiệm. Các con số liên quan đáng kinh ngạc. TQ có khoảng 25.000 công ty quốc doanh, 4,3 triệu doanh nghiệp tư nhân và năng lực sản xuất công nghiệp dư thừa. Nhưng thậm chí các công ty ưu tú của nước này cũng có quá ít nhà quản lý có kinh nghiệm. Hãng tư vấn McKinsey ước tính ngay cả một số lượng tương đối nhỏ công ty TQ nỗ lực vươn ra nước ngoài sẽ cần đến 75.000 nhà lãnh đạo có kinh nghiệm quốc tế nếu họ muốn tiếp tục tăng trưởng trong 10-15 năm tới. Hiện tại, theo McKinsey, chỉ có khoảng 3.000-5.000 người như thế ở xứ sở Vạn Lý Trường Thành. “Trong bất kỳ loại hình công ty nào (của TQ), các nhà quản lý cao cấp không thực sự mạnh nếu xét về khả năng lãnh đạo” – La Quần, chuyên gia TQ làm việc tại văn phòng Thượng Hải của hãng nghiên cứu nhân lực Heidrick & Struggles, phát biểu - “Sự thay đổi của thị trường, cả trong nước lẫn nước ngoài, đang trở nên phức tạp hơn nhiều so với cách đây vài năm. Những người đang hiện hữu chưa từng kinh qua những sự phức tạp như thế”.
Lỗ hổng về khả năng lãnh đạo có thể trở thành rào cản cho nền kinh tế TQ. Phần lớn các công ty nước ngoài cần tuyển dụng tài năng địa phương để giúp họ đi vào thị trường nội địa. Các công ty TQ có thể lâm vào tình trạng “thắt nút cổ chai” về nhân lực để có thể cạnh tranh với các đối thủ châu Á như Ấn Độ- nơi có một lớp quản lý có kinh nghiệm và thành thạo hơn TQ.
Sự thay đổi nhanh không phải là lý do duy nhất gây ra lỗ hổng nhân tài. Dù khu vực tư nhân hiện chiếm 1/3 nền kinh tế TQ, nhiều nhà quản lý TQ tiếp tục điều hành công ty của họ theo những quy định và lề thói của nền kinh tế kế hoạch – trong đó các công ty sản xuất để đạt chỉ tiêu, chứ không để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và duy trì loại sổ sách không làm rõ vấn đề lợi nhuận. Trong một cuộc khảo sát trên 4.500 tổng giám đốc và chủ tịch, chỉ 40% cho biết họ từng học đại học. Trong số đó, chỉ 20% có bằng cấp quản trị. “Ở TQ, chúng ta tụt hậu so với thế giới về khoa học và công nghệ và càng thua xa về quản lý” – Triệu Sơ Quân, Hiệu trưởng Trường Kinh tế và Quản lý Quang Hoa ở Bắc Kinh, phát biểu.
Ra quyết định dựa vào... bản năng
Ngay cả các công ty tốt nhất của TQ cũng gặp khó khăn trong hàng ngũ lãnh đạo. Trương Thụy Dân, Chủ tịch tập đoàn Haier (Hải Nhĩ) – vốn đang nỗ lực thiết lập một thương hiệu toàn cầu về thiết bị tiêu dùng, vào những năm 1980 đã đạp xe hàng giờ mỗi ngày từ xí nghiệp nơi Trương làm việc đến một số lớp học về quản lý chật kín học viên. Nay dù đã qua tuổi 60, ông vẫn đang phải học; các nhân viên của ông Trương kinh ngạc về sự bền bỉ của ông cốt để thành thạo tiếng Anh. Georges Desvaux, một chuyên gia tư vấn của hãng McKinsey làm việc tại Bắc Kinh đã làm việc với nhiều công ty TQ, cho biết nhiều tổng giám đốc gặp tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi ra nước ngoài: Do họ chỉ nói được tiếng TQ, lắm khi họ cử các nhà quản lý trẻ hơn có khả năng ngoại ngữ nhưng thiếu khả năng xử lý các vấn đề liên quan đến các thông lệ kinh doanh quốc tế.
Nhiều nhà quản lý TQ dựa vào bản năng và những chuyện tầm phào để đưa ra các quyết định hơn là dựa trên việc thu thập và phân tích dữ liệu chính quy. “Người TQ đặc biệt dựa vào những mạng lưới không chính thức để thẩm định thông tin” – Desvaux nói. Khi các nhà quản lý TQ ra nước ngoài, bất thình lình họ phải làm việc với những người không quen biết nên phải ứng xử “khác người” và điều này tạo ra căng thẳng khi các công ty TQ mua lại các hãng nước ngoài... Về nhiều mặt, các nhà quản lý thường ít kinh nghiệm hành xử hơn các nhân viên mới của họ và cần phải học từ họ.
Lý Đông Thắng, Chủ tịch tập đoàn điện tử TCL Electronics, là một trong những lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng nhất TQ. Ông cho biết có những kinh nghiệm “lạ lùng” ở Mỹ và châu Âu, nơi TCL đã mua lại các công ty. Ngay cả ông Lý cảm thấy không thoải mái khi các nhà quản lý người nước ngoài của mình trình bày các biểu đồ và nói về những vấn đề các bộ phận của họ gặp phải theo những cách thức có vẻ khô khan rồi đưa ra những giải pháp cứ như thể không phải xin ý kiến cấp trên. “Toàn cầu hóa là thú vị đối với TCL. Nhưng dĩ nhiên, có nhiều áp lực và nhiều điều chúng tôi phải học từ đầu” – ông Lý nói. “Khi chúng tôi họp với các nhà quản lý TQ, họ nói chuyện này tốt và chuyện kia xấu và tôi biết cái gì đang xảy ra. Nhưng với các nhà quản lý người nước ngoài, họ nói: “Chúng ta đang lỗ 10 triệu USD và đây là lời giải đáp” và tôi không thể nói họ đúng hay sai”.
Trùng Quang (Theo Newsweek)
▪ Mỹ sẽ duy trì quân tại Iraq đến năm 2009 (22/08/2005)
▪ Israel hoàn thành sớm kế hoạch triệt thoái khỏi Gaza (22/08/2005)
▪ Những công nhân Tày, Nùng ở Shah Alam (22/08/2005)
▪ Tiếng Anh tại đông London bị "Bangladesh hoá" (23/08/2005)
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (11/08/2005)
▪ Ecuador: Tạm thời ngừng bãi công trong ngành dầu lửa (23/08/2005)
▪ Dự thảo Hiến pháp Iraq tiếp tục bị trì hoãn (24/08/2005)
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (22/08/2005)
▪ Kenya di dời 400 con voi (24/08/2005)
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (23/08/2005)