Hành trình xoá nghèo của lao động Việt Nam tại Malaysia: Những công nhân Tày, Nùng ở Shah Alam Xuân Quang (từ Kuala Lumpur)
 | Những công nhân Tày, Nùng ở Shah Alam. | Gặp, trò chuyện với những công nhân VN ở Malaysia, tôi đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đúng như ông Mai Viết Khai đã nhận xét: "Lao động bây giờ đã xác định tư tưởng rõ ràng là ra nước ngoài để đi làm, chứ không phải đi du lịch"... Ấn tượng Hualon Tôi đã đi qua nhiều nhà máy, công trường ở Malaysia. Đâu đâu cũng thấy công nhân VN. 100.000 người rải rác ở một đất nước 24 triệu dân, hẳn cũng không thưa thớt cho lắm. Còn nếu bạn đến Nilai, bạn sẽ gặp người Việt ở bất cứ đâu, trên tàu, trong siêu thị... Nilai có Nhà máy Hualon - một trong những nhà máy dệt tiếp nhận lao động VN đông nhất, trên 2.000 người. Và trong một chiều, tôi đã gặp 3 công nhân dệt đến từ Nam Định - Quý, Thuyên và Thuỷ. Một người ở huyện Xuân Trường, hai người cùng Hải Hậu. Mấy em ăn mặc cực mốt, mặt mũi trắng trẻo, đầy đặn, đang dạo siêu thị để mua quà về cho gia đình. Hỏi mới biết, cả ba đều sắp hết hợp đồng 3 năm, chuẩn bị về nước. Quý khoe mỗi người dành dụm được khoảng 23.000 - 25.000RM, đang đổi sang "đô" để cầm về. Quý kể, anh Tiên - người cùng xưởng - để ra được đến 36.000 RM (150 triệu đồng). Tiên chăm lắm, ốm bác sĩ bảo nghỉ vẫn trốn đi làm. Quý từng rủ cán bộ đại diện về nước mở công ty cùng. Tuy nhiên, em đổi ý: "Vốn nhỏ em sẽ chỉ mở một cửa hàng bán quần áo tại Nam Định". Còn Thuyên: "Em sẽ mua một chiếc Hyundai 3 tấn chạy thuê"... LOD chính là doanh nghiệp đầu tiên đưa lao động vào Hualon, hiện vẫn đang quản lý hơn 1.000 công nhân ở đây.
Lời cảm ơn của một ông chủ Ở Johor, tôi có dịp gặp một chủ nhà máy - ông Fukumoto, Giám đốc nhân sự Cty Sanyo PT (M) SDN BHD - nơi đang có 25 lao động nữ do Cty CPTM Châu Hưng cung ứng. Fukumoto rất hài lòng về 25 công nhân nữ VN. Ngày 17.8, ông đã viết thư gửi đến Châu Hưng bày tỏ lòng cảm ơn, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận thêm 100 công nhân VN... Châu Hưng là một doanh nghiệp khá non trẻ trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, cũng là Cty cổ phần đầu tiên được phép tham gia đưa lao động đi Malaysia, song mỗi năm Cty đã đưa được hàng nghìn lao động. Tôi được ông Tống Thanh Tùng - đại diện Châu Hưng - dẫn đi thăm một số nhà máy như: Shorubber, Elna Sonic, Canon Electronics, Kamaya Electric, Cheewah, MMC (nơi tập trung hơn 200 lao động do Cty đưa đi). Cuối tháng 8 này, Châu Hưng sẽ tiếp tục đưa tiếp 68 lao động nữa sang Shorubber và Elna Sonic. Ông Trịnh Vĩnh Hội - Giám đốc Châu Hưng - nói với tôi: "Thành hay bại ở thị trường này phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng lao động và chữ tín đối với đối tác".
Người vùng cao xuất ngoại Tôi có một buổi chiều thú vị tại nhà máy sản xuất đồ mộc nội thất Jukraf ở Shah Alam - nơi đang có hơn một trăm lao động đến từ Nepal, Myanmar, Indonesia, Việt Nam (13 người do Vinamex cung ứng) làm việc. Đầu giờ chiều, các công nhân đến từ nhiều quốc gia vẫn mải miết bên những chiếc máy khổng lồ. Tôi tỏ ý muốn gặp công nhân Việt Nam, ông chủ người Mã đồng ý cho 6 công nhân Việt Nam mới đến ra văn phòng tiếp chuyện. Số còn lại đã sang được hơn 2 năm, hiện đứng máy chính nên không được nghỉ, chỉ kịp vẫy vẫy tay chào đồng hương.
Thật ngạc nhiên, cả 6 công nhân đều cùng quê Cao Bằng, 5 người cùng huyện Hoà An. Nông Văn Danh và Hoàng Văn Nghĩa vừa chân ướt chân ráo sang Malaysia được 3 ngày, theo giới thiệu của những đồng hương sang trước là Tuân, Tiu, Trường và Tiến. Nhóm này đã sang được hơn 1 tháng. Cả 6 đều là người dân tộc thiểu số, Danh và Tuân là người Nùng, còn lại là người Tày. Nghĩa cho biết, ở huyện Hoà An - quê Nghĩa, phong trào đi Malaysia làm việc đang rất rộ. Các xã như Đề Thám, Nam Tuấn, Đức Long có hàng chục người đã đi trước, có người đi 2 năm gửi về 40 triệu đồng. Nghĩa còn có một anh trai đã đi Malaysia được 8 tháng, viết thư về rủ Nghĩa cùng đi. Ông Lê Văn Thụ - đại diện Vinamex - bảo: "Bà con dân tộc thiểu số có nhu cầu đi xuất khẩu lao động xoá đói nghèo rất cao. Những người dân tộc thiểu số Việt Nam ở riêng Shah Alam đã đủ lập thành một bản".
Sáu anh em Tày, Nùng được chủ xếp cho ở chung một phòng rộng rãi ngay phía sau nhà máy. Tháng lương đầu tiên các anh em góp nhau mua một cái tủ lạnh để đựng thức ăn trong 2-3 ngày, đỡ công đi chợ. Trường tâm sự: "Bọn em ở nhà nghèo lắm. Ngay cả chi phí khoảng 20 triệu để đi Malaysia, gia đình chạy mãi cũng không có. May mà ngân hàng nông nghiệp đồng ý cho vay đến 80%. Bọn em sẽ cố dành dụm trả nợ, rồi còn giúp bố mẹ sửa cái nhà, mua cái xe nữa. Quê em, nhờ tiền gửi từ Mã về, nhiều nhà đã có xe máy rồi đấy"...
Bài cuối: Nghịch lý thấp - cao Các đơn hàng tốt nhất trong tháng 8 và 9.2005
Để giúp bạn đọc và người lao động trong nước có nhu cầu đi lao động Malaysia biết và lựa chọn, chúng tôi xin đưa danh sách một số đơn hàng cần tuyển lao động VN do phóng viên Báo Lao Động tìm hiểu từ Malaysia.
* Nhà máy Sufa và Nhà máy Pro Tap Engineering SDN BHD cần tuyển 8 và 20 công nhân nữ, tuổi 21-35, làm việc trong nhà máy, lương 704RM/tháng. Hai nhà máy này hiện cũng có lao động VN làm việc (do LOD cung ứng). Bảng lương tháng 7 thể hiện: Công nhân Đỗ Văn Thuỷ (818 RM), Vũ Văn Định (804RM).
* Nhà máy Metech (Penang) cần tuyển 20 công nhân nam làm công việc sản xuất cửa cuốn, cửa khung kim loại. Lương cơ bản 550RM (chỉ làm 22 ngày/tháng) cộng 385RM làm thêm. (Liên hệ: Cty hợp tác lao động nước ngoài LOD - 99 Lê Duẩn, Hà Nội).
* Nhà máy Cheewah Coporation Berhad (Penang) cần 50 nam làm văn phòng phẩm, lương 750 - 1.200RM. Nhà máy này hiện có 43 lao động VN do Cty Châu Hưng đưa đi làm việc, lương trung bình 1.000RM/tháng. (Liên hệ: Cty CPTM Châu Hưng - B3 Hoàng Cầu, Hà Nội).
* Nhà máy Choy Wai cần tuyển 20 lao động sản xuất vật liệu xây dựng. Bảng lương trung bình của 24 lao động VN do Cty TLC (Vinamotor) cung ứng trung bình đạt 1.140 - 1.200RM/tháng.
* Nhà máy Bright Rims chuyên sản xuất phụ tùng ôtô, xe máy cần tuyển 100 lao động, lương trên 1.000RM/tháng. Số lao động VN đang làm việc tại nhà máy hiện có 30 người (do Vinamotor cung ứng) có lương trung bình 1.205RM/tháng (theo bảng lương nhà máy cung cấp). (Liên hệ Cty TLC - Vinamotor). (Còn tiếp) |
|