Bài 2: Nỗ lực “tự cứu”
Các Website khác - 25/08/2005

Đối với Trung Quốc, việc thiếu các nhà quản lý giỏi có nghĩa là thời điểm thu phục nhân tài đã chín muồi

Thu phục nhân tài

Tìm người quản lý trẻ có khả năng không dễ dàng, căn cứ vào môi trường họ lớn lên. Victor Yuan, nhà sáng lập Horizon Research – một công ty tiếp thị ở Bắc Kinh, nói rằng ông phải chi nhiều tiền hơn bao giờ hết để đào tạo các nhà quản lý trẻ về các thông lệ kinh doanh quốc tế. Chẳng hạn, ông cấm trả tiền hoa hồng cho các khách hàng tiềm năng, ngay cả khi các nhân viên của ông phản đối, cho rằng không có những khoản “lại quả” như thế làm tổn hại việc làm ăn của họ. “Các nhà quản lý Mỹ, châu Âu và ngay cả Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm làm ăn quốc tế hơn, và họ ý thức tốt hơn về đạo đức kinh doanh” - Yuan nói.

Việc thiếu các nhà quản lý giỏi có nghĩa là thời điểm thu phục nhân tài đã chín muồi. Để khuyến khích sự trung thành, hãng mỹ phẩm L’Oréal đã giao gần như toàn bộ 7.000 việc làm ở Trung Quốc (TQ) cho người bản địa. Hãng cũng dời trung tâm đào tạo ở châu Á của mình từ Singapore sang Thượng Hải và bắt đầu một chương trình cố vấn nhằm làm rõ thông điệp rằng các nhà quản lý TQ có một tương lai xán lạn với công ty. “Những người này bị đòi hỏi nhiều ngoài thị trường, vì thế chúng tôi phải đào tạo họ luôn, phải quan tâm và phát triển sự nghiệp của họ” – Chủ tịch L’Oréal TQ Paolo Gasparrini nói - “Đừng quên là các công ty khác đang tăng trưởng ở đây. Không có nước nào có nhiều công ty tham gia thị trường mỗi năm như ở đây”.

Sự hỗ trợ như thế có thể cực kỳ quan trọng đối với các nhà quản lý đang chật vật tìm hướng đi cho mình. Khi Vương Chu lấy được bằng kỹ thuật cơ khí vào năm 1986, chính phủ phân công Vương đến một xí nghiệp ở thành phố Thiên Tân, phía Bắc Bắc Kinh. Năm 1994, khi TQ mở cửa cho đầu tư nước ngoài, Vương quyết định nắm lấy cơ hội trong khu vực tư nhân và kiếm được công việc giám sát viên ở Motorola. Đó quả là một cú sốc. Vương không thể làm việc nhiều giờ và không biết làm thế nào quản lý 30 cộng sự sau nhiều năm làm theo lệnh ở khu vực quốc doanh. Sau thời gian thử việc 6 tháng, Vương nói với người quản lý của mình rằng anh không thể thích nghi với các cách thức ngoại quốc và sẽ rời khỏi công ty. Nhưng người quản lý của Vương đã bỏ 4 giờ đồng hồ giải thích rằng ông đã gặp các khó khăn tương tự như thế nào khi gia nhập Motorola 20 năm trước đó. “Ông đã kể cho tôi nghe toàn bộ đời mình. Quả thật không thể tin được” – Vương nói. Sau đó Vương đã tiếp tục ở lại Motorola trong 7 năm và hiện là giám đốc Công ty Elcoteq của Phần Lan.

Sự thích nghi

Nhiều nhà quản lý đang nỗ lực thích nghi bằng cách quay trở lại trường. Nhu cầu bằng MBA tăng đột biến. Năm 1991, khi Chính phủ TQ bắt đầu cấp phép cho các chương trình đào tạo MBA, chỉ có 9 trường. Ngày nay, có đến 95 trường có chương trình đào tạo này, và nhiều trường đang cố gắng hiện đại hóa. Nhiều trường liên kết với các đại học phương Tây, vời các giáo sư đến TQ hay cử các giáo sư của họ ra nước ngoài để đào tạo lại. Đại học Thanh Hoa và các trường khác hiện đang đưa ra một chương trình đào tạo MBA chuyên ngành quản lý dành cho các nhà quản lý muốn đi học bán thời gian. Đại học Bắc Kinh danh giá hiện đang thực hiện chương trình MBA Quốc tế Bắc Kinh, tiếp nhận khoảng 250 sinh viên mỗi năm và cung cấp các môn học tương tự như những môn được giảng dạy ở Mỹ.

Trường Kinh doanh Harvard tuần qua đón tiếp 70 giáo sư trường kinh doanh TQ, truyền đạt cho họ cách viết các case study (tạm dịch là “điều tra mẫu”) tốt hơn, phát triển những tài liệu giảng dạy tương tác và khuyến khích thảo luận trong lớp. “Mọi thứ đang trong quá trình thay đổi lớn, và những trường này trông rất giống các trường Mỹ năm 1975” – F. Warren McFarlan, giáo sư Harvard, người làm việc nhiều với các giáo sư tại những trường kinh doanh hàng đầu của TQ nói- “Tôi cảm thấy ấn tượng trước sự tiến bộ phi thường diễn ra trong 20 năm qua”.

Các sinh viên cũng thế. Năm 2001, TQ gần như không có nhà đầu tư mạo hiểm nào, và Lưu Nhi Hải không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Vì thế Lưu đăng ký tham gia chương trình MBA Quốc tế của Đại học Bắc Kinh để học từ các giáo sư được đào tạo quốc tế. Lưu chưa bao giờ tham gia các buổi học như thế này: “Bạn phải làm các điều tra mẫu, thảo luận với các bạn cùng lớp, chia sẻ quan điểm của bạn, thậm chí có thể thách thức cả giáo sư” – Lưu, hiện 37 tuổi và là phó chủ tịch hãng Legend Capital ở Bắc Kinh.

Kinh nghiệm Lenovo

Những người khác cho rằng các trường kinh doanh TQ vẫn chưa theo kịp thời đại. Dư Bình bắt đầu tìm trường học vào năm 1999 sau 12 năm làm việc tại Lenovo – hãng máy tính nơi ông hiện là phó chủ tịch. Lúc đó, việc tiếp cận ngày càng nhiều với các công ty phương Tây giúp ông nhận thấy họ đã vận dụng bao nhiêu nghiên cứu và tư duy vào các vấn đề như định giá sản phẩm và thấy quá trình ra quyết định của Lenovo tùy hứng như thế nào. “Chúng tôi không biết nhiều cái chúng tôi nên biết về thế giới phương Tây, đặc biệt là việc quản trị các công ty lớn” – Dư nói. Ông đăng ký vào Trường Quản lý Quang Hoa của Đại học Bắc Kinh, nhưng bỏ học sau 3 tháng vì cảm thấy khó chịu với việc các giáo sư “chẳng biết gì về quản lý và chỉ dạy những điều có trong sách vở”.

Mặc dù vậy, các nhà quản lý của Lenovo không từ bỏ sứ mệnh khám phá tài năng bằng bất cứ cách nào có thể. Sau đó Dư đăng ký vào Trường Kinh doanh Cheung Kong, một cơ sở đào tạo tại Bắc Kinh do tỉ phú Hồng Kông Lý Gia Thành tài trợ. Dư nghĩ rằng một trường có liên quan đến Lý sẽ hiểu biết về kinh doanh, và thực sự là như vậy. Hồi tháng 5, Lenovo mua lại bộ phận sản xuất máy tính của IBM, tuyên bố khá “hồn nhiên” rằng sức hút chủ yếu không nằm ở chuyện kinh doanh mà là sự tiếp cận bí quyết quản lý của IBM.

Trùng Quang (Theo Newsweek)