Đan Mạch đã đẩy lùi đại dịch HIV như thế nào?
Báo Tiếng chuông - 13/05/2016
Một nghiên cứu được tiến hành trong gần 20 năm bởi các nhà nghiên cứu từ đại học California (UCLA) và Đan Mạch cho thấy, các bằng chứng đầu tiên chứng minh rằng phương pháp điều trị phòng ngừa đối với người nhiễm HIV có thể đạt hiệu quả cao.

Yếu tố tạo nên sự thành công của Đan Mạch chính là hệ thống chăm sóc y tế toàn dân đã cung cấp điều trị miễn phí đối với tất cả những người nhiễm HIV

 

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng định lý Bayes nhằm xác định số lượng nam giới Đan Mạch nhiễm HIV và có quan hệ tình dục đồng tính từ năm 1995 đến năm 2013. Sau đó, các nhà khoa học đã tính toán tương quan giữa số ca lây nhiễm HIV và số bệnh nhân được điều trị HIV. Họ nhận thấy, số lượng các người nhiễm HIV đã giảm từ năm 1996, thời điểm mà các phương pháp điều trị HIV được chính thức phổ biến tại quốc gia Bắc Âu này.

Nghiên cứu trên nhóm nam giới có quan hệ đồng tính cho thấy, trong năm 2013, Đan Mạch chỉ có 1,4 trên 1.000 ca nhiễm HIV mới. Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhất tại Đan Mạch. 

GS. Sally Blower, Giám đốc Trung tâm Y sinh tại Đại học California, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu nhận định: “Người Đan Mạch gần như đẩy lùi dịch HIV chỉ bằng cách đơn giản là cung cấp điều trị cho các bệnh nhân”.

Trong khi đó, TS. Laurence Palk, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Kết quả cho thấy, việc triển khai điều trị phòng ngừa tại Đan Mạch đã tiến những bước chắc chắn”.

Trước đó, các nhà khoa học đã dự kiến, vào năm 2013, khi đại dịch gần như bị loại bỏ, thì chỉ có khoảng 600 đàn ông Đan Mạch quan hệ đồng giới bị lây nhiễm HIV.

Không phải quốc gia nào cũng có thể triển khai các biện pháp điều trị có hiệu quả như Đan Mạch. Chuyên gia nghiên cứu Justin Okano nhận định, chính các liệu pháp điều trị đã làm giảm nguy cơ lây nhiễm của người bệnh. Có đến 98% số người bệnh đã trải qua tất cả các liệu pháp điều trị HIV ở Đan Mạch.

Một số các nhà khoa học cho rằng, yếu tố tạo nên sự thành công của Đan Mạch chính là hệ thống chăm sóc y tế toàn dân đã cung cấp điều trị miễn phí đối với tất cả những người nhiễm HIV.

Tuy nhiên, đại dịch HIV lại tập trung ở châu Phi, với 25 triệu người nhiễm bệnh nhưng lại thiếu thốn cơ sở hạ tầng và hệ thống y tế để phục vụ cho việc điều trị.

GS Blower cho rằng, tất cả các quốc gia  nên học tập theo phương pháp điều trị phòng ngừa của Đan Mạch. “Ngay cả những nước phát triển, sẽ mất rất nhiều tiền bạc và công sức để theo đuổi”.