Đối ngoại Mỹ chuyển hướng “sức mạnh mềm”
Các Website khác - 12/01/2009

Tuần này, thượng nghị sĩ Hillary Clinton sẽ ra điều trần trước thượng viện cho việc phê chuẩn vào chức ngoại trưởng trong chính quyền mới của ông Barack Obama. Cùng với sự kiện này, chính sách đối ngoại mới của Mỹ đã lộ diện những tín hiệu thay đổi...


Người dân Philippines biểu tình trước sứ quán Mỹ ở Manila ngày 11-1. Họ cho rằng Mỹ phải chịu phần trách nhiệm trong vụ tấn công của Israel vào Gaza - Ảnh: Reuters

Theo tờ Guardian của Anh, thay đổi lớn nhất của đội hình mới sẽ là sự giã từ với chính sách diều hâu, đối đầu của chính quyền George Bush. Thay thế vào đó sẽ là xu hướng đối thoại với một loạt nhân vật được coi là “bồ câu”, có chủ trương hòa bình.

Chính sách đối ngoại đơn phương suốt tám năm qua của ông Bush cũng sẽ bị thay đổi. Chính quyền mới đã ra dấu cho thấy sẵn sàng đối thoại trực tiếp với các quốc gia được coi là đối địch lâu nay như Syria, Cuba, Venezuela, CHDCND Triều Tiên và thậm chí là Iran hay nhóm Hồi giáo Hamas của Palestine.

Đội ngũ chính sách đối ngoại mới của ông Obama, theo Guardian, sẽ là những người từ thời Clinton, được coi là biết việc và có nhiều kinh nghiệm. Chẳng hạn cựu đại sứ Mỹ tại LHQ Richard Holbrooke, từng làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình tại Balkan, được chỉ định làm cố vấn đặc biệt cho khu vực Afghanistan và Pakistan. Nhà đàm phán Dennis Ross sẽ là cố vấn đặc biệt về vấn đề Iran và các khu vực lân cận - dấu hiệu cho thấy Washington sẽ để mở khả năng đối thoại nhiều hơn với Tehran thay vì từ chối đối thoại hiện nay. Ông Ross từng có quá trình dài tham gia đàm phán hòa bình Trung Đông, đặc biệt là một loạt cuộc đàm phán giữa Palestine, các nước Ả Rập và Israel.

Những quan chức khác dưới thời Clinton là Kurt Campbell sẽ làm trợ lý ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương trong khi Philip Gordon, cựu thành viên hội đồng an ninh quốc gia, sẽ là trợ lý ngoại trưởng phụ trách khu vực châu Âu. Theo giới phân tích, đó là sự chuyển hướng mới của Mỹ theo hướng “sức mạnh mềm”. “Đó là những người có cùng quan điểm với ông Obama về thế giới - không nhìn thế giới theo góc độ phô trương sức mạnh quân sự mà từ góc độ nhìn nhận vấn đề và cách thức giải quyết vấn đề”, Michael Fullilove, nhà nghiên cứu tại Viện Brookings ở Washington, nhận định.

Ngay trong giai đoạn tranh cử, ông Obama từng tuyên bố sẽ tiến hành đối thoại trực tiếp với các quốc gia thù địch. Bất chấp phản ứng dữ dội từ truyền thông, kể cả từ đối thủ chính trong đảng là bà Hillary, ông vẫn giữ quan điểm của mình. Thậm chí sắp tới chính bà Hillary sẽ là người chịu trách nhiệm triển khai những chính sách này cho ông. “Ông cho thấy mình sẽ không bị chi phối bởi bất cứ chính sách đối ngoại cũ nào. Một người sẽ luôn kiên định với lập trường của mình”, ông Fullilove phân tích.

Chiến lược mới dù được dư luận ủng hộ nhưng cũng không phải không gặp những chỉ trích. Tuần trước, cựu bộ trưởng quốc phòng William Perry đã lên tiếng cảnh báo ông Obama có thể đối mặt với khả năng Iran sẽ có vũ khí hạt nhân trong vòng một năm - điều có thể dẫn đến khủng hoảng khi Israel sẽ tìm cách tấn công quân sự Tehran.

Ngoài ra, ông Obama có thể gây chia rẽ lớn với châu Âu trong vấn đề Afghanistan. Ông vẫn liên tục nhấn mạnh việc gửi thêm quân NATO và Mỹ tới Kabul dù cuộc chiến này đang bị phản đối ở châu Âu.

Theo Tuoi Tre Online