Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu hôm qua thống nhất hình thức đáp trả Nga bằng cách đình chỉ các cuộc đàm phán về hiệp ước đối tác và hợp tác với Matxcơva, cho đến khi toàn bộ binh sĩ Nga rút khỏi Gruzia.
> Nga 'dằn mặt' EU / Nga đòi thế giới đa cực
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thông báo đình chỉ đàm phán với Nga. Ảnh: AFP. |
Sau cuộc họp thượng đỉnh EU bất thường tại Brussels bàn về tình hình Nga - Gruzia, Chủ tịch ủy ban EU Jose Manuel Barroso bày tỏ rằng, họ không thể "tiếp tục các cuộc đàm phán như chưa hề có chuyện gì xảy ra". Liên minh châu Âu cũng lên án quyết định của Nga hôm 26/8 công nhận độc lập hai vùng ly khai tại Gruzia là Nam Ossetia và Abkhazia.
Theo thông báo của ông Barosso và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, thời gian đàm phán EU - Nga dự kiến diễn ra vào giữa tháng này sẽ bị hoãn lại. Thời gian đình trệ sẽ phụ thuộc vào việc quân đội Nga quay trở lại các vị trí như trước khi chiến tranh nổ ra với Gruzia, đêm 7/8.
Tổng thống Pháp, nước đang giữ ghế chủ tịch luân phiên EU cho biết thêm, cuộc khủng hoảng tại Gruzia khiến khối phải xem lại quan hệ với Nga. Ông Sarkozy thông báo sẽ cùng Chủ tịch ủy ban EU Barroso và ông Javier Solana tới Matxcơva thứ hai tới, để tiến hành cuộc gặp "mang tính quyết định" với chính phủ Nga.
Ông Sarkozy cũng nói thêm rằng, dù EU lên án hành động của Nga tại Gruzia nhưng không muốn đoạn tuyệt mối quan hệ đối tác với Matxcơva. "Chúng tôi lên án sự đáp trả thái quá của Nga trong một thời hạn không rõ ràng tại Gruzia, nhưng châu Âu chúng tôi nhận biết rằng cần phải tiếp tục các cuộc đối thoại với láng giềng Nga của mình", nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh.
5 điểm chính trong chính sách đối ngoại của Nga |
1. Các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế luôn được đặt lên hàng đầu. 2. Thế giới phải đa cực vì đơn cực là không thể chấp nhận 3. Nga không tìm cách đối đầu với các nước khác 4. Nga sẽ bảo vệ sinh mạng các công dân nước mình cho dù họ ở bất cứ đâu 5. Nga sẽ phát triển mối quan hệ với các khu vực thân thiện |
Trong tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh EU hôm qua, khối bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về "phản ứng không cân xứng" của Nga tại Gruzia, đồng thời kêu gọi các nước khác không theo Nga công nhận độc lập của hai vùng đất Nam Ossetia và Abkhazia.
EU cũng bày tỏ tín hiệu mạnh mẽ về việc ủng hộ Gruzia, bằng việc hậu thuẫn cho một hội nghị các nhà tài trợ tái thiết nước này sau chiến tranh. EU cũng cam kết thực hiện một khu vực mậu dịch tự do và giảm sự hạn chế đi lại trong khối đối với công dân Gruzia.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói rõ thêm: "Chúng tôi hiểu rằng Gruzia đang mong đợi viện trợ từ châu Âu và chúng tôi sẽ trao viện trợ đó, bao gồm cả hỗ trợ về tài chính". Tuy nhiên ông không cho biết rõ khi nào EU sẽ bắt đầu chương trình viện trợ cho Tbilisi.
Nga tuyên bố việc đình chỉ các cuộc đàm phán về hiệp ước đối tác và hợp tác sẽ hủy hoại lòng tin của khối EU. Đại sứ Nga tại EU Vladimir Chizhov bình luận: "Đây có vẻ như Liên minh châu Âu đang tự trừng phạt mình hơn là trừng phạt Nga, vì điều này sẽ không cải thiện lòng tin về EU như một đối tác".
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo EU và Mỹ rằng, nếu họ tiếp tục gia tăng sự ủng hộ đối với chính quyền Tổng thống Mikhail Saakashvili ở Gruzia sẽ là "một sai lầm mang tính lịch sử thực sự". Ông Lavrov cũng kêu gọi cấm vận vũ khí đối với Tbilisi cho đến khi chính quyền mới lên cầm quyền tại đây.
Ông Javier Solana, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU, trong khi đó cho biết họ chuẩn bị cử hàng trăm quan sát viên dân sự tới Gruzia để thanh tra việc Nga có tôn trọng thỏa thuận ngưng bắn với Tbilisi do EU làm trung gian hay không.
Người Gruzia tuần hành phản đối Nga tại Tbilisi mang theo quốc kỳ Gruzia và cả cờ của EU lẫn NATO. Ảnh: AP. |
Bất chấp sức ép của phương Tây, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm chủ nhật nhắc lại rằng, quyết định công nhận độc lập đối với Abkhazia và Nam Ossetia là không thể thay đổi. Ông cũng nhấn mạnh đến 5 điểm của chính sách đối ngoại của nước Nga trong tương lai, gồm tuyên bố thế giới phải đa cực và cam kết sẽ bảo vệ mạng sống cũng như phẩm giá công dân Nga dù họ sống ở bất cứ đâu.
Cùng thời điểm với hội nghị thượng đỉnh EU, người Gruzia đã xuống đường ở Tbilisi và một số thành phố tại châu Âu để phản đối Nga, kêu gọi phương Tây ủng hộ nước họ. Tổng thống Mikhail Saakashvili tuyên bố trước đám đông hàng nghìn người tuần hành ở thủ đô Tbilisi rằng, Gruzia đang "đoàn kết hơn lúc nào hết" và hối thúc các nhà lãnh đạo EU không bỏ qua "bộ mặt xâm lược của Nga".
Cuộc chiến tranh giữa Nga và Gruzia kéo dài trong 4 ngày, mở màn hôm 7/8 khi quân đội Gruzia bất ngờ đánh úp nhằm giành lại quyền kiểm soát Nam Ossetia. Nga lập tức phản công và nhanh chóng đánh bật quân Gruzia ra khỏi Tskhinvali, thủ phủ Nam Ossetia. Sau đó Nga đưa quân tiến sâu vào lãnh thổ Gruzia, kiểm soát các thành phố và bến cảng chiến lược của nước này như Gori và Poti.
Cuộc chiến Nga - Gruzia |
Đêm 7/8: Gruzia khai mào cuộc chiến khi bất ngờ tấn công tổng lực nhằm tái chiếm Nam Ossetia. Ngày 8/8: Matxcơva động binh vì có các binh sĩ hòa bình Nga và thường dân mang quốc tịch Nga thiệt mạng ở Nam Ossetia. Ngày 9/8: Nga giành lại quyền kiểm soát thủ phủ Tskhinvali, oanh kích thành phố Gori của Gruzia. Tbilisi ban bố tình trạng chiến tranh trên cả nước. Ngày 10/8: Gruzia rút toàn bộ quân khỏi Nam Ossetia và kêu gọi ngừng bắn. Nga triển khai tàu chiến áp sát Gruzia. Ngày 11/8: Cuộc chiến lan rộng sang Abkhazia. Nga cho bộ binh xâm nhập lãnh thổ phía tây Gruzia. Ngày 12/8: Nga ngừng chiến dịch vì cho rằng Gruzia "đã bị trừng phạt đích đáng". Ngày 13/8: Nga và Gruzia đồng ý với kế hoạch ngừng bắn do Pháp đề xuất. Ngày 26/8: Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của hai vùng ly khai Abkhazia và Nam Ossetia. |
Đình Chính (theo BBC, AP)
|
▪ Phát hiện loài trai khổng lồ ở biển Đỏ (03/09/2008)
▪ Cụ ông bị ép ly dị 82 bà vợ (03/09/2008)
▪ Bão mạnh tấn công nước Mỹ (03/09/2008)
▪ Sĩ quan Hàn Quốc chết vì mỹ nhân kế (30/08/2008)
▪ Biểu tình làm tê liệt các sân bay Thái Lan (30/08/2008)
▪ 'Nga có thể diệt tàu NATO trong 20 phút' (30/08/2008)
▪ Xe hơi chạy bằng vi khuẩn (30/08/2008)
▪ Mèo tự mọc... cánh (29/08/2008)
▪ Máy bay chạy pin mặt trời cất cánh (29/08/2008)
▪ Phát hiện hóa thạch rùa tiền sử mang thai (29/08/2008)