Hội nghị quốc tế lần thứ 12 về AIDS khu vực Châu Á và Thái Bình Dương
Báo Tiếng chuông - 23/03/2016
Hội nghị quốc tế lần thứ 12 về AIDS khu vực Châu Á và Thái Bình Dương (ICAAP12) vừa diễn ra ở Dhaka, Bangladesh.

Mục tiêu của hội nghị là tạo ra cơ hội để các nhà lãnh đạo đến từ các cơ quan khác nhau, bao gồm các tổ chức cộng đồng, chính phủ, viện nghiên cứu và khu vực tư nhân… được thảo luận, xác định và chia sẻ những ý tưởng sáng tạo về HIV/AIDS để có thể triển khai các giai đoạn sau 2015. Trọng tâm của các cố gắng là bảo đảm không một ai bị bỏ rơi lại sau và thúc đẩy các đáp ứng quốc gia nhằm kết thúc AIDS vào năm 2030.

 

Các đại biểu tham gia hội nghị - Ảnh: Kim Thoa

 

Chủ đề của hội nghị là “Hãy là nhân tố thay đổi vì một thế hệ không có AIDS -Quyền của chúng ta tiếp cận dịch vụ y tế”.

Ước tính có khoảng 1000 đại biểu đến từ 46 nước, bao gồm đại diện của của QTC, USAID, WHO, UNAIDS, UNFPA, FHI360, Save the Children. Việt Nam có  8 đại biểu từ cơ quan của Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các dự án phòng, chống HIV/AIDS.

Một số phát hiện từ ICAAP12

Tại hội nghị, đại diện của WHO trình bày hướng dẫn mới của WHO (ban hành năm 2015) về điều trị ARV, trong đó chú ý 2 điểm mới nổi bật: Điều trị không phụ thuôc  CD4 cho mọi người nhiễm HIV; Áp dụng đo tải lượng virus thường quy thay cho CD4. Việt Nam được nêu tên là nước đã triển khai điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV.

Đáng chú ý, báo cáo của một luật sư của tòa án tối cao Ấn Độ nói về tác động của các hiệp định thương mại như TPP liên quan đến việc bảo hộ bản quyền chặt chẽ hơn đối với việc sản xuất và kinh doanh các thuốc ARV và viêm gan virus C. Ấn Độ là một nước sản xuất và xuất khẩu rất nhiều loại thuốc gốc (generic) giá rẻ, bỏ qua bản quyền, nên sẽ bị ảnh hưởng nhiều do các quy định chặt chẽ của các hiệp định.

Qũy Toàn cầu tham gia tổ chức tọa đàm cao cấp về Khung hợp tác giữa các nước đang phát triển Nam-Nam trong việc tăng cường hoạt động xuyên biên giới phòng chống AIDS, lao và sốt rét. Các báo cáo đã chỉ ra: tỷ lệ mắc sốt rét và lao thường gắn chặt chẽ với tỷ lệ mắc HIV; những cộng đồng dân số ở các khu vực biên giới chịu gánh nặng bệnh tật cao về AIDS, lao và sốt rét và thường cách xa các cơ sở y tế, tạo nên các khu vực dịch cho các cộng đồng xung quanh.

Các nước Nam Á như Ấn Độ, Bangladesh dường như lây nhiễm chủ yếu qua đường tình dục nên các tổ chức và mạng lưới của những người mại dâm, MSM và chuyển giới, rất nhiều và phát triển mạnh mẽ.

Tại các Hội thảo, vệ tinh chủ yếu bằng hình thức tọa đàm, vai trò của các nhóm này được thể hiện mạnh mẽ. Các gian trưng bày tại hội nghị chủ yếu là các nhóm này. Ước tính Bangladesh có 23,000-25,000 người tiêm chích ma túy. Các nước như Indonesia, Cambodia, Phillipines, Việt Nam thì có nhiều báo cáo về các nhóm tiêm chích ma túy.

Tổng số người nhiễm HIV ở khu vực Châu Á-TBD khoảng 2.57 triệu người và Ấn Độ có 2.1 triệu người nhiễm HIV, Pakistan có 98,000, Nepal có 64,000 người. Bangladesh có số người nhiềm HIV dưới 0.1% dân số, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Ấn Độ.  

Một số đề xuất từ ICAAP12

Trong bối cảnh các nhà tài trợ giảm dần cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, các đề xuất cần sáng tạo và chú ý đến những vấn đề tương đối độc đáo như Phòng, chống Lao-Sốt rét-HIV cho các cộng đồng dân cư ở vùng biên giới, giáp nhiều nước (Việt Nam-Lào-Campuchia).

Bên cạnh đó, đề xuất cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm tuổi vị thành niên và các nhóm khó tiếp cận nhất. Các đề xuất cần gắn liền với các Mục tiêu phát triển bền vững đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua năm 2015.

Cần quan tâm đến các tác động của các hiệp định thương mại đa phương như TPP liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các loại thuốc ARV, viêm gan C;  

Lồng ghép các hoạt động HIV với viêm gan C.