![]() |
Tàu chiến Mỹ USS Howard giám sát bọn cướp biển trên tàu Faina - Ảnh: howard.navy.mil |
Nạn cướp biển đã trở thành một đại dịch lớn đe dọa ngành hàng hải và thương mại quốc tế. Trong khi đó, các quốc gia làm chủ những vùng biển nguy hiểm nhất lại chưa đủ khả năng một mình dẹp bỏ các nhóm cướp biển đang ngày càng hùng mạnh.
Kể từ năm 1991, Somalia đã không còn một chính quyền trung ương đủ mạnh để đảm bảo an ninh vùng ven biển, đặc biệt là khu vực vịnh Aden. Nigeria chỉ có 17 tàu chiến ọp ẹp, bọn hải tặc còn được vũ trang tinh nhuệ hơn hẳn lực lượng hải quân. Indonesia thiếu tàu tuần tiễu và các phương tiện, vũ khí hiện đại. Cách duy nhất là hợp lực của các quốc gia và cộng đồng quốc tế để chống lại bọn cướp biển.
>> Kỳ 1: Cướp biển công nghệ cao
>> Kỳ 2: “Điểm nóng” Nigeria
>> Kỳ 3: Eo biển dậy sóng
Nghị quyết mới
Suốt hai năm qua, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) thuộc Liên Hiệp Quốc đã vận động mạnh mẽ để yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết cho phép tàu chiến nước ngoài được vào vùng biển Somalia truy quét bọn cướp biển. Mãi đến tháng 6-2008, “giấy phép” đó mới được cấp. Tuy nhiên, mới chỉ có Pháp hành động mạnh tay khi tổ chức các cuộc truy quét nhằm cứu con tin Pháp bị cướp biển Somalia bắt giữ. Trong các cuộc truy quét này, một tên cướp biển Somalia đã bị triệt hạ, sáu tên khác bị bắt và bị đưa ra tòa. Dù vậy nhiều tàu nước ngoài vẫn e dè khi vào vùng biển Somalia và bọn cướp biển bị truy đuổi ung dung chạy trốn.
Tuy nhiên, vụ đánh cướp tàu Faina (Ukraine) chở 33 xe tăng và vũ khí mới đây là giọt nước làm tràn ly. Ngày 7-10 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lại thông qua một nghị quyết mới kêu gọi các nước đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến vùng Sừng, châu Phi và sử dụng “các biện pháp cần thiết” để chống lại bọn cướp biển Somalia với thời gian không hạn chế. Nhiều khả năng các nước sẽ triển khai tàu chiến đến cả vùng biển Nigeria. Tuần trước, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết có ít nhất tám nước châu Âu cam kết tham gia chiến dịch chống cướp biển quốc tế.
Trong khi đó, lực lượng hải quân Mỹ hoạt động tại vùng biển Somalia cũng đang chuyển nhiệm vụ chống khủng bố sang chống cướp biển. Hiện Mỹ và một số đồng minh đang có khoảng 10 tàu chiến tại vịnh Aden. Đáng chú ý hơn, mới đây Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Matxcơva sẵn sàng hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ để chống cướp biển Somalia. Hiện một tàu chiến của Nga đang trên đường tới Somalia. Hàn Quốc cũng tuyên bố để ngỏ khả năng gửi tàu chiến tới vịnh Aden. Mới tháng trước, một tàu Hàn Quốc với tám thủy thủ gốc Hàn và 13 Myanmar bị cướp biển Somalia bắt giữ, cho đến nay vẫn chưa thả.
Tuy nhiên, không ai có ảo tưởng rằng chiến dịch này sẽ ngay lập tức dẹp tan nạn đánh cướp trên vịnh Aden, nơi có khoảng 20.000 tàu qua lại mỗi năm. “Đây là một bước tiến đáng khích lệ, tuy nhiên có hiệu quả hay không lại là vấn đề khác”, Hãng tin AP dẫn lời chuyên gia Roger Middleton thuộc Tổ chức nghiên cứu Chatham House (Anh) nhận định. Một quan chức EU cho biết kết quả tốt nhất mà họ hi vọng là ngăn chặn bọn cướp biển và giảm thiểu số lượng vụ tấn công. Cũng sẽ phải mất nhiều năm mới có thể có được kết quả, bởi ngày càng nhiều người dân Somalia trở thành cướp biển do nghèo đói.
“Mắt trên bầu trời”
Lực lượng Indonesia tuần tra ở eo biển Malacca - Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế có thể nhìn vào bài học chống cướp biển ở eo biển Malacca để hi vọng. Năm 2004, khi nạn hải tặc ở eo biển Malacca bùng phát dữ dội, ba quốc gia dọc Malacca là Malaysia, Indonesia và Singapore đã đạt thỏa thuận cùng tổ chức chiến dịch phòng vệ chung. Ban đầu mỗi nước đóng góp bảy tàu chiến do hải quân quốc gia mình chỉ huy, có nhiệm vụ tuần tra dọc theo eo biển Malacca. Indonesia đề xuất chia eo biển Malacca thành từng khu vực riêng, các tàu đi vào mỗi khu vực đều bị giám sát và xác nhận.
Đến năm 2005, bộ quốc phòng ba nước mở chiến dịch “Mắt trên bầu trời”, tung ra các máy bay tuần tiễu trên bầu trời Malacca để phát hiện và theo dõi tàu cướp biển. Phía Malaysia kêu gọi các quốc gia khác đóng góp máy bay và các thiết bị cho chiến dịch “Mắt trên bầu trời” bởi cả Malaysia, Indonesia và Singapore đều không có đủ số lượng máy bay phục vụ chiến dịch. Hoạt động tuần tra còn được tăng cường với dự án Surpic - một hệ thống theo dõi trên biển. Theo đó, hải quân ba nước chia sẻ các bức ảnh chụp tình hình trên eo biển Malacca. Năm 2006, khi Indonesia tuyên bố không đủ khả năng và thiết bị để tuần tra eo biển Malacca, hải quân và lực lượng phòng vệ biển Ấn Độ đã đồng ý tham gia lực lượng đa quốc gia.
Ấn Độ cũng xây dựng một căn cứ cho máy bay do thám không người lái tại biển Andaman nhằm giám sát khu vực biển này, vốn kết nối với eo biển Malacca. Ngoài ra, năm 2006 Singapore còn thiết lập một trung tâm chia sẻ thông tin trị giá 1,5 triệu USD để thu thập dữ liệu về các vụ tấn công trên eo biển Malacca, và chia sẻ với các nước châu Á thông qua một hệ thống riêng. Đến tháng 9-2008, đến lượt Thái Lan đồng ý tham gia lực lượng tuần tiễu eo biển Malacca.
Ban đầu chiến dịch tuần tra chung chưa hoạt động theo đúng nghĩa chung bởi lực lượng mỗi nước vẫn chủ yếu hoạt động trên lãnh hải quốc gia mình, do đó để lại nhiều khoảng trống lớn trên biển cho bọn cướp đột nhập và hoành hành. Sau ít nhất tám vụ tấn công đầy bạo lực hồi tháng 2-2005, các nước đã cam kết cử thêm nhiều tàu chiến làm nhiệm vụ tuần tiễu. Do đó hoạt động tuần tra chung đã đạt hiệu quả cao hơn.
Sự hợp tác quốc tế đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. Từ con số hàng trăm vụ năm 2004, số lượng vụ tấn công của bọn cướp biển tại eo biển Malacca đã giảm mạnh xuống còn 79 vụ năm 2005 và chỉ còn 50 năm 2006. Sang đến năm 2007, con số này tiếp tục giảm xuống còn gần 40. Và mới đây, lãnh đạo hải quân Malaysia cho biết trong những tháng vừa qua, số lượng vụ tấn công đã giảm xuống tới mức gần như bằng không. Đầu năm nay, Cục Hàng hải quốc tế (IMB) cũng đã khen ngợi chiến tích của Indonesia và các nước đối tác trong nỗ lực chống cướp biển.
HIẾU TRUNG tổng hợp
▪ Nữ sinh tự chụp ảnh “nuy” bằng ĐTDĐ và phát tán khắp nơi (09/10/2008)
▪ FED sẽ cắt giảm lãi suất (08/10/2008)
▪ 27 nước châu Âu hợp tác toàn lực ngăn khủng hoảng tài chính (08/10/2008)
▪ Hơn 400 người bị thương vì đụng độ tại Bangkok (08/10/2008)
▪ Taliban muốn bỏ Al-Qaeda để tìm kiếm hoà bình (07/10/2008)
▪ Hàn Quốc sốt đôla trầm trọng nhất kể từ khủng hoảng 1997 (07/10/2008)
▪ Người phát hiện virus HIV và HPV đoạt Nobel Y học 2008 (07/10/2008)
▪ Nga bắt đầu cuộc “đại tập trận” trên không (07/10/2008)
▪ Kyrgystan: 70 người chết vì động đất (07/10/2008)
▪ Nga nghi ngờ Gruzia đứng sau vụ bom xe (07/10/2008)