Hợp tác phòng, chống ma túy giữa các nước Đông Á và Mỹ La tinh
Báo Tiếng chuông - 08/12/2016
Năm 2004, Diễn đàn hợp tác giữa các nước Đông Á và khu vực Mỹ la tinh (Diễn đàn FEALAC) được tổ chức tại thành phố Manila, Thủ đô của Philippines. Tại diễn đàn này, Bộ trưởng Ngoại giao của 32 nước tham gia diễn đàn đã nhất trí thông qua Kế hoạch hành động mang tên “Kế hoạch hành động Manila” nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác về chính trị, kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, văn hóa, giáo dục,… giữa hai khu vực cả về chiều rộng và chiều sâu.

Các đại biểu tham dự Hội thảo FEALAC lần thứ 4 tại Bangkok, Thái Lan

 

Hội thảo FEALAC lần này về tăng cường phối hợp thi hành pháp luật phòng, chống ma túy giữa các nước Đông Á và khu vực Mỹ la tinh được tổ chức từ ngày 28/11 đến ngày 1/12/2016 tại Bangkok, Thái Lan. Tham dự hội thảo có 25 đại biểu đến từ 16 nước Đông Á, Mỹ La tinh và Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC).

Sau phần khai mạc trọng thể của nước chủ nhà, đại diện của UNODC và các nước đã trình bày các tham luận về thực trạng tình hình tội phạm ma túy ở khu vực Đông Á và Mỹ La tinh, đồng thời làm rõ những giải pháp được các quốc gia thành viên thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.

Nhìn chung, tham luận của UNODC về diễn biến tình hình tội phạm ma túy ở cả hai khu vực và tham luận của đại diện các nước cho thấy, tình hình tệ nạn và tội phạm ma túy ở hầu hết các nước ở cả hai khu vực đang diễn biến rất phức tạp. Tuy là khu vực hiện đang đứng thứ 2 thế giới về sản xuất thuốc phiện, heroin (sau Trung Đông) nhưng hoạt động sản xuất bất hợp pháp các chất ma túy tổng hợp nhóm ATS, đặc biệt là Methamphetamine dạng tinh thể (ma túy “đá”), của khu vực Đông Á đang dẫn đầu thế giới. Số vụ mua bán, vận chuyển trái phép ATS bị phát hiện đang có chiều hướng gia tăng. Tiền chất tiếp tục được vận chuyển vào khu vực “Tam giác vàng” để sản xuất ma túy tổng hợp, heroin với số lượng lớn.

Điều hành các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy xuyên quốc gia chủ yếu là các tổ chức tội phạm ma túy gốc Phi, Trung đông và người Hoa. Phương thức, thủ đoạn hoạt động rất tinh vi và thường xuyên có sự điều chỉnh nhằm đối phó với lực lượng phòng, chống ma túy của các nước.

Qua đường bộ, các loại ma túy, thường là Methamphetamine dạng tinh thể (ma túy đá), chủ yếu được cất giấu kỹ trong lõi các máy gia dụng như máy giặt, điều hòa, động cơ điện… Một số nước đã phát hiện hàng tấn cocaine, Methamphetamine cất giấu trong container. Trên tuyến hàng không quốc tế, hoạt động vận chuyển ma túy chủ yếu do các nhóm tội phạm gốc Phi điều hành. Đối tượng vận chuyển thuê trước  đây chủ yếu là phụ nữ thuộc các nước châu Á thì nay được thay bằng các đối tượng thuộc một số nước Đông Âu. Tại khu vực Nam Mỹ, xu hướng mở rộng địa bàn hoạt động sang khu vực Đông Á thông qua việc cấu kết với các nhóm tội phạm gốc Phi ngày càng rõ nét.

Các nước Australia, New Zealand, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Campuchia… đã chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh với nhiều chuyên án lớn mà các nước thực hiện thành công trong năm qua. Yếu tố góp phần cho sự thành công chính là việc tăng cường chia sẻ thông tin về tội phạm giữa các nước thông qua các kênh thông tin đã được xác lập và phát huy triệt để vai trò của mạng lưới sĩ quan liên lạc phòng, chống ma túy đóng ở các nước.

Để tăng cường công tác phối hợp về phòng, chống ma túy giữa các nước trong thời gian tới, các đại biểu nhất trí việc cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực trao đổi thông tin, tập huấn nâng cao năng lực đấu tranh với tội phạm ma túy và kiểm soát tiền chất.

Bộ Công an với vai trò là Thường trực về phòng, chống ma túy của Ủy ban quốc gia đã cử 2 đại biểu tham dự hội thảo. Trong phần tham luận, Đoàn Việt Nam đã đề cập các kết quả quan trọng mà Việt Nam đạt được trên các lĩnh vực hoàn thiện hệ thống pháp luật, quản lý hoạt động hợp pháp về ma túy, xóa bỏ cây có chất ma túy và triệt xóa các đường dây vận chuyển ma túy lớn...