Indonesia: Người nhiễm HIV tăng nhanh… vì cấm dùng bao cao su
World Crunch - 26/03/2016
Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới đang rất chậm chạp trong việc tìm phương pháp chống lại sự lây truyền của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Trong khi đó, hiện quan hệ tình dục không an toàn là con đường lây lan HIV/AIDS nhiều nhất ở nước này.

Mại dâm giá rẻ…tràn lan

Ca làm việc của Diane Sukagoni bắt đầu từ 9 giờ tối. Mỗi tối, cô gái 24 tuổi này lại ngồi trong quán cà phê phía Bắc Jakarta, đợi khách. Cô phải phục vụ khoảng 3 - 5 người đàn ông, cho đến khoảng 4 giờ sáng. 

Sukagoni là một trong số 20.000 gái mại dâm sinh sống tại thủ đô của Indonesia, kiếm đủ tiền để tự nuôi mình ở Jakarta và gửi tiền về nhà. Sukagoni làm việc tại Rawa Bebek, phía Đông Jakarta, nằm giữa đường cao tốc dẫn tới sân bay và đường tàu tốc hành. 

Có tới 3.000 người sinh sống tại đây, trong đó có khoảng 300 gái mại dâm, người trẻ nhất là 16 tuổi. Nhiều người sống ở đây vì giá nhà hoặc… giá mại dâm rẻ; còn lại đa phần là thủy thủ ở cảng gần đó, hoặc người lái xe tải trên đường quốc lộ.

Rõ ràng, nạn bán dâm tại đất nước Hồi giáo lớn nhất thế giới này là một điều không thể tưởng tượng nổi, tuy nhiên, mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Indonesia đối với khu đèn đỏ tồi tàn của Jakarta là sự lây lan của HIV. 

Từ năm 2006, số người mắc bệnh HIV đã tăng gấp 3 lần mặc dù trước kia rất ít người được kiểm tra nên không thể biết được con số chính xác. Theo những số liệu của Tổ chức Liên Hợp Quốc, 480.000 người Indonesia bị nhiễm năm 2014, chiếm 0,3% dân số trong độ tuổi từ 15 tới 49.

Cho đến thời điểm hiện tại, quan hệ tình dục không an toàn là con đường lây lan AIDS nhiều nhất. Tuy nhiên, sự phân chia ranh giới giữa tự do tình dục và đạo đức ở Indonesia vẫn còn rất lớn; giáo dục giới tính tại trường học bị cấm, phụ nữ phải giữ trinh tiết cho đến khi kết hôn. 

Số liệu thống kê cũng cho thấy, khoảng 2 triệu trường hợp nữ chưa kết hôn đã phá thai năm 2014; số nam giới từng tìm tới gái mại dâm là khoảng 6,7 triệu người. Họ không chỉ mang bệnh vào thân, mà còn lây bệnh cho vợ vì thế có khoảng 5 triệu phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh.

Cần thay đổi nhận thức của người dân về bao cao su

Sukagoni ngồi đợi khách trên một chiếc ghế nhựa cao, mặc quần jean ngắn với chiếc áo màu đen. Mỗi khách hàng, cô kiếm được khoảng 100.000 tới 150.000 rupiah, hoặc số tiền tương đương với 7 tới 11 euro (khoảng 9,25 tới 14,5 USD). Trong đó, cô phải trả cho chủ chứa 20.000 rupiah tiền thuê phòng. Sukagoni cho biết, khi tiếp khách cô dùng bao cao su, số tiền mua bao cao su được tính luôn vào chi phí khách phải trả. Nhưng nếu như khách hàng từ chối thì cô buộc phải chấp nhận. 

Thành phố “đèn đỏ” nơi Sukagoni làm việc được phát miễn phí bao cao su. Một tổ chức địa phương đang nỗ lực vừa nâng cao nhận thức, đồng thời thường xuyên tư vấn y tế cho người dân. Mặc dù vậy, theo thống kê của Chương trình phòng chống AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS), hơn ¼ dân số Indonesia là gái mại dâm. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là thay đổi nhận thức của người dân. 

Việc Chính phủ Indonesia thông báo, sẽ phát hàng triệu bao cao su miễn phí đã gây ra một làn sóng phẫn nộ. Những người Hồi giáo bảo thủ buộc tội Bộ Y tế nước này vì đã khuyến khích bừa bãi. Sau đó, bao cao su vẫn được phân phát, tuy nhiên những người làm công việc này phải đối mặt với nhiều nguy cơ.