Không có kế hoạch bắt giữ Bin Laden sau vụ 11/9
Các Website khác - 10/10/2008
 

Theo mạng tin IPS, với bằng chứng mới được một số cựu quan chức Mỹ tiết lộ cho hay chính quyền Tổng thống George W. Bush đã thất bại trong việc thông qua bất cứ một kế hoạch nào nhằm phong toả đường rút lui của trùm khủng bố Osama bin Laden và các thủ lĩnh Al-Qaeda từ Afghanistan tới Pakistan trong những tuần đầu tiên sau vụ khủng bố 11/9/2001.

Thất bại này có liên quan trực tiếp đến một thực tế là các quan chức hàng đầu chính phủ Mỹ đã ưu tiên cho kế hoạch tấn công Iraq hơn là hành động quân sự chống Al-Qaeda ở Afghanistan. Kết quả là Mỹ có quá ít quân và phương tiện không vận chiến lược để phong toả một số lượng lớn các con đường có thể tẩu thoát qua khu vực biên giới của Bin Laden hồi cuối năm 2001.

Theo báo cáo của một số cựu quan chức Mỹ liên quan đến vấn đề này, do không có kế hoạch cho tình huống bất ngờ đó, quân đội Mỹ khi ấy đã gạt bỏ đề nghị của Tống thống Pakistan Pervez Musharraf hồi cuối tháng 11/2001 là điều 60.000 quân đến các con đường đèo ở khu vực biên giới để chặn đường tẩu thoát của Bin Laden.

Ngày 12/9/2001, khi quân đội thuộc Liên minh phương Bắc (lực lượng đối lập với chính quyền Taliban khi đó) tiến vào thủ đô Kabul của Afghanistan. Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã nhận được thông tin tình báo rằng Bin Laden đã chạy vào khu vực hang động ở vùng núi Tora Bora gần biên giới Pakistan. Và cuộc chiến đã kết thúc nhanh hơn so với dự kiến tới vài ngày. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), Tướng Tommy Franks, người chịu trách nhiệm cho cuộc chiến ở Afghanistan, đã không kịp triển khai lực lượng để chặn đường thoát thân của Bin Laden.

Theo cựu Đại tá Lục quân Mỹ David W. Lamm, Tướng Franks khi đó đã hỏi Thiếu Tướng Paul T.Mikolashek, lãnh đạo Sở chỉ huy trung tâm lục quân (ARSENT) ở Kuwait, rằng liệu có thể triển khai lực lượng để ngăn chặn Al-Qaeda ở khu vực biên giới giữa Afghanistan và Pakistan hay không.

Trùm khủng bố Osama Bin Laden

Ông Lamm, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược Cận Đông Nam châu Á thuộc trường Đại học Quốc phòng (Mỹ) cho biết, ARSENT ở Kuwait không có cách nào để thực hiện yêu cầu của Tư lệnh CENTCOM, cả về lính cũng như phương tiện không vận chiến lược. Tướng Franks dường như đã nhận thấy ông cần phải dựa vào sự giúp đỡ của người Pakistan trong việc bao vây các ngả đường trốn thoát của Al-Qaeda từ Tora Bora.

Phát biểu tại một cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC). Bộ trưởng Quốc phòng Donal Rumsfeld cho biết Tướng Franks “muốn người Pakistan tiếp cận và phong bể hoạt động ra vào tại những điểm trung chuyển giữa Afghanistan và Pakistan”. Tổng thống Bush cũng nói rằng họ cần phải “thúc đẩy ông Musharraf làm điều đó”. Vài ngày sau, Tướng Franks đã có chuyến thăm không báo trước đến Islamabad để yêu cầu  Tổng thống Pakistan Musharraf triển khai quân đội  dọc biên giới Pakistan - Afghanistan ở gần khu vực Tora Bora.

Cấp phó của Franks, Thiếu Tướng Mike Delong, sau đó cho biết Tổng thống Musharraf đã từ chối yêu cầu của Tướng Franks về việc điều động quân chính qui Pakistan đến khu vực biên giới gần Tora Bora. Lý do mà ông Musharraf đưa ra là “không thể thực hiện” điều này bởi có thể dẫn tới “cuộc nội chiến” với các bộ tộc ở khu vực trên.

Cùng dự cuộc gặp với Tổng thống Musharraf cùng Tướng Franks có Đại sứ Mỹ tại Pakistan Wendy Chamberline. Tuy nhiên, ông Chamberline, hiện là Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trung Đông ở Washington, lại phủ nhận những tuyên bố của Tướng DeLong.

Theo Chamberline, Tổng thống Musharraf khi đó đã nói với Tướng Franks rằng CENTCOM đã không tính toán đầy đủ. Bởi như ông Musharraf nói: “Nhìn xem, các ông đang bỏ qua điều này, có tới 150 thung lũng mà Al-Qaeda có thể qua đó tràn vào Pakistan”. Mặc dù vậy, Musharraf cũng thừa nhận “đây chính là thời điểm tốt để bắt đầu” việc kiểm soát khu vực các bộ tộc này. Tổng thống Pakistan đã ra lệnh điều 60.000 lính ở biên giới với Ấn Độ tới khu vực trên, song yêu cầu Mỹ hỗ trợ không vận để thực hiện kế hoạch này. 

Theo Minh Thu
PhapLuat