|
Chết do kiệt sức
Cách đây 7 năm, Kenichi Uchino mới 30 tuổi và có 2 con nhỏ. Là thế hệ thứ 3 trong gia đình làm việc cho hãng sản xuất xe hơi Toyota, Uchino là một nhà quản lý mẫn cán tại Nhà máy Tsutsumi ở Nagoya. Vào ngày 9.2.2002, anh không về nhà sau ca trực đêm thường lệ. Uchino đã gục ngã khi đang làm việc lúc 4 giờ 20 sáng; 20 phút sau, bác sĩ tuyên bố nạn nhân đã qua đời vì đau tim. Tuy nhiên, theo tờ The Economist, nguyên nhân thực sự gây ra cái chết bất ngờ của Uchino chính là “karoshi” - có nghĩa là chết vì làm việc quá sức. Theo chi tiết thẻ chấm công của Uchino do Ủy ban Lao động quốc gia có trụ sở tại New York (Mỹ) công bố, chàng trai tội nghiệp này đã làm thêm đến 155 giờ trong 30 ngày trước khi chết, trung bình từ 14 – 15 giờ làm việc mỗi ngày. Trước đó 6 tháng, Uchino liên tục làm thêm ít nhất 80 giờ không lương mỗi tháng. Hãng Toyota từ chối công nhận cái chết của anh là do làm việc quá sức.
Sau 5 năm đấu tranh, người vợ Hiroko Uchino cuối cùng đã giành được chiến thắng khi Tòa án quận Nagoya thừa nhận chồng cô đã chết do làm việc quá sức. Nếu một cái chết được liệt vào dạng karoshi, người thân của nạn nhân có thể nhận khoảng 20.000 USD/năm tiền đền bù từ chính phủ.
Hơn ai hết, bà quả phụ Haruka Nakashima hết sức thông cảm với hoàn cảnh của gia đình anh Uchino. Chồng bà, ông Tomio, đã chết cách đây 4 năm sau cơn đột quỵ ở tuổi 48. Lúc còn sống, ông Tomio thường rời nhà ở Yokohoma đến nhà hàng Skylark làm việc vào 7 giờ sáng và không về nhà cho đến khi đồng hồ chỉ 4 giờ sáng ngày hôm sau. Trước khi ngã quỵ, ông làm trung bình 130 giờ không lương mỗi tháng và văn phòng lao động địa phương kết luận ông đã chết vì làm việc quá sức. Bà Haruka Nakashima đồng ý nhận tiền bồi thường, kèm theo một điều kiện là công ty kia phải cải thiện tình trạng lao động và thông báo những chuyển biến tích cực cho bà mỗi năm. Thế nhưng, câu chuyện thương tâm vẫn tiếp tục lặp lại. Hồi năm ngoái, một nhân viên của Skylark đã ngã quỵ tại nơi làm việc như ông Tomio, cũng theo The Economist.
Ảnh hưởng nghiêm trọng
Không phải ai cũng được an ủi đôi phần như gia đình Uchino và Nakashima. Tòa án tại Nhật Bản đã bác bỏ đơn kiện yêu cầu đền bù về trường hợp karoshi của 58% số người có người thân thiệt mạng tại nơi làm việc, theo AFP. Đó là chưa kể những gia đình không dám đối đầu với sếp cũ của người thân. “Vấn đề này vẫn còn là điều cấm kỵ tại Nhật Bản với lối suy nghĩ của giới chủ rằng tình trạng tinh thần của nhân viên thuộc về phạm trù riêng tư của công ty”, hãng tin AFP dẫn lời ông Hajime Urushihara thuộc Liên đoàn Lao động Rengo.
Theo thống kê của Bộ Y tế và Phúc lợi cùng Bộ Lao động Nhật Bản, 147 nhân viên đã thiệt mạng vào năm 2007, trong đó nhiều người bị đột quỵ hoặc đau tim. Tình trạng này trở nên phổ biến hơn sau khi kinh tế Nhật Bản gặp khó khăn trong những năm gần đây. Các công ty hiện có khuynh hướng thuê nhân viên tạm thời để dễ dàng sa thải khi tài chính sa sút. Mọi áp lực vì thế đổ hết lên vai giới nhân viên hợp đồng dài hạn, khiến họ bị stress nặng.
Trong lúc những cái chết karoshi vẫn tiếp tục ám ảnh các nhân viên tận tụy tại Nhật Bản, ngày càng nhiều người muốn kết liễu mạng sống vì không chịu đựng nổi áp lực kinh khủng của công việc. Hãng tin AFP dẫn thống kê của Chính phủ Nhật Bản cho hay trong số 2.207 vụ tự tử có liên quan đến công việc vào năm 2007, nguyên nhân lớn nhất là làm việc quá sức, với 672 vụ. Vào tháng 5.2007, người đứng đầu công trình xây dựng tại khu vực Tochigi (Tokyo) đã tự sát sau khi làm việc liên tục từ 65 đến 70 giờ mỗi tuần trong suốt 6 tháng. Giới chức địa phương cho hay Bộ Lao động đã đồng ý chuyển vụ tự tử thành tai nạn làm việc và cấp cho vợ góa của ông này 32.000 USD/năm.
Áp lực nặng nề từ công việc cũng đã và đang gây ra nhiều hậu quả khác cho xã hội Nhật Bản. Thống kê của Bộ Y tế và Phúc lợi hồi năm ngoái cho thấy 34,6% cặp vợ chồng nước này chẳng hứng thú đến chuyện chăn gối trong hơn 1 tháng, tăng 5% so với thống kê năm trước. Kết quả là tỷ lệ trẻ sơ sinh trên mỗi phụ nữ rớt xuống mức 1,25 trong năm 2007. Nếu tình trạng này tiếp diễn, ước tính đến năm 2050, dân số Nhật Bản sẽ giảm 20% so với hiện nay.
Theo Thanh Nien Online
▪ Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đích thân đến Trung Đông vì Gaza (13/01/2009)
▪ Làm con gái tổng thống Mỹ không dễ! (13/01/2009)
▪ Chùm ảnh: Bush "cha" và Bush "con" (13/01/2009)
▪ Gaza hoang tàn vì chiến tranh (12/01/2009)
▪ Ảnh: Thành phố lạnh giá nhất trên trái đất (12/01/2009)
▪ “Israel dùng phốt pho trắng tấn công Gaza” (12/01/2009)
▪ Đối ngoại Mỹ chuyển hướng “sức mạnh mềm” (12/01/2009)
▪ Israel, Hamas phớt lời lời kêu gọi của LHQ (10/01/2009)
▪ Châu Âu chịu giá rét bởi cuộc chiến khí đốt (10/01/2009)
▪ Châu Âu hứng chịu đợt tuyết rơi lịch sử (10/01/2009)