Mối thù 8 tỉ USD trong hoàng gia Brunei
Các Website khác - 12/02/2006

Câu chuyện bắt đầu khi vị Sultan giàu có như trong cổ tích ở vương quốc Hồi giáo Brunei cáo buộc người em ruột của mình - vị Bộ trưởng Tài chính biển thủ công quỹ. Mặc dù vụ việc giờ đây đã lắng xuống sau khi hàng triệu đô la đổ vào quá trình kiện cáo, nhưng người ta vẫn không rõ lý do tại sao.

Soạn: AM 700501 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Quốc vương Brunei Bolkiah và người em trai - Hoàng thân Jefri.

Phần kết "đẹp" với Hoàng gia Brunei

Có lẽ trong cuốn biên niên sử ghi chép về những mối hận thù giữa anh em ruột, chắc chắn không có câu chuyện nào giống chuyện của Quốc vương Brunei và người em trai - Thân vương Jefri. Đây là cả một cuộc chiến pháp lý xung quanh số tiền hàng tỉ đô la. Nhưng giờ đây, khi người anh thừa nhận thất bại, câu chuyện có lẽ sẽ đi đến hồi kết.

Mãi cho tới tuần trước, Jefri, 51 tuổi vẫn còn phải đối mặt với một bản án tù vì vụ kiện tụng kéo dài mà nguyên đơn chính là người anh trai. Giờ đây, người đàn ông vẫn được coi là "vị Hoàng thân Playboy" vốn có cuộc sống xa xỉ trước kia lại được tự do và "hoàn toàn vô tội". Thay vì phải chuyển nơi cư ngụ vào một phòng giam, ông lại có thể nghỉ ngơi, thư giãn tại bất kì tư dinh tráng lệ nào tại London, New York và Paris.

Soạn: AM 700509 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đám rước hoàng gia Brunei.

Chỉ cách đây 3 ngày, những tuyên bố về việc ngừng kiện tụng mới được đưa ra. Theo đại diện của cả bên nguyên và bên bị, Quốc vương - người từng được liệt vào hàng giàu có nhất thế giới, đã nhất trí sẽ từ bỏ vụ kiện chống lại Jefri tại Toà án cấp cao London và đồng ý trả án phí hàng triệu bảng. Hiện, Quốc vương vẫn chưa nói chuyện với người em trai sau hai năm trời lạnh nhạt nhưng cuộc chiến pháp lý mà ông theo đuổi đã coi như kết thúc.

Đây thực sự là một tin tốt lành không chỉ đối với Brunei, một vương quốc nhỏ bé chỉ với 350.000 dân nhưng lại rất dồi dào nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt, mà với ngay bản thân hoàng gia nước này - một gia đình vốn có quan hệ mật thiết với Hoàng gia Anh và người sở hữu tập đoàn Harrods - Mohamed al-Fayed. Có lẽ nhiều người sẽ thở phào khi cuối cùng, cuộc chiến đô la của họ đã có hồi kết.

Nguồn gốc sự giàu có

Nhưng trước khi mâu thuẫn trong gia đình này khởi phát, tất cả những gì người ta biết được về hai anh em là: cả hai đều rất giàu nhờ vào nguồn năng lượng dồi dào của vương quốc.

Quốc vương Hassanal Bolkiah, 59 tuổi không chỉ là nhân vật từng đứng đầu danh sách những người giầu nhất thế giới mà ông còn không hề giấu giếm việc phô trương số tài khoản ấy cho thế giới. Nhờ vào đó mà Brunei có tiếng là một mảnh đất kỳ diệu nạm đầy vàng.

Có lẽ không hề khó khăn khi đi tìm bằng chứng bởi lẽ chỉ cần đến đất nước này là mọi điều sẽ hiện rõ trước mắt bạn. Một trong những dinh thự mà Quốc vương Bolkiah hiện sở hữu có đủ phòng để chứa một lượng lớn khách mời.

Soạn: AM 700521 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Cung điện hoàng gia Brunei.

Riêng cung điện hoàng gia có tới 1.788 phòng, còn các hành lang đều được nạm vàng và lát đá cẩm thạch. Không những thế, Quốc vương còn xây dựng nhiều đền thờ lộng lẫy vào bậc nhất nhì thế giới với những vòm tháp dát vàng, những cột trụ bằng đá cẩm thạch kiểu Italia cùng những tấm biển có gắn kim cương.

Người ta nói rằng trong thập niên 1990, hoàng gia Brunei đã chiếm 50% tổng doanh thu của loại xe Rolls-Royce trên toàn thế giới. Họ đã xây dựng nên một trong những công viên giải trí xa xỉ nhất thế giới dành cho công dân của vương quốc này với giá 5 bảng/vé. Năm 1996, Quốc vương Bolkiah còn mời cả ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson sang biểu diễn nhân dịp sinh nhật lần thứ 50.

Lối sống xa xỉ của Jefri

Cùng thời gian này, Jefri cũng bắt đầu thập niên thứ 2 trong cương vị Bộ trưởng tài chính của vương quốc. Nhiệm vụ quan trọng nhất của ông là trông coi nguồn tiền thu được từ hoạt động khai thác dầu khí, đại diện cho Cơ quan Đầu tư Brunei (BIA).

Ông còn có nhiệm vụ tìm kiến những nơi ẩn náu an toàn để cất giữ tiền trên toàn thế giới. Phần lớn số tiền được Jefri chuyển qua công ty đầu tư của mình là Amedeo. Công ty này được đặt theo tên của hoạ sĩ Amedeo Modigliani, người đóng góp nhiều tác phẩm cho bộ sưu tập cá nhân của Jefri. Chính con trai của Jefri là Hakkim quản lý công ty Amedeo với chức danh Giám đốc điều hành.

Qua thời gian, Brunei đã tích luỹ được một danh mục tài sản vô cùng to lớn trên toàn cầu, một số được  giữ dưới tên của Quốc vương Bolkiah như Khách sạn Dorchester tại London và nhiều bất động sản khác do Jefri kiểm soát thông qua Amedeo.

Những tài sản mà Jefri tậu được phải kể đến là một toà cao ốc văn phòng tại Thành phố London, cửa hàng kim hoàn Asprey trên phố Bond, Nhà Cunard, Câu lạc bộ Playboy tại Mayfair và Khách sạn Cung điện tại Manhattan. Ngoài ra, còn rất nhiều tài sản khác nằm rải rác ở Paris và Las Vegas.

Không những vậy, Jefri còn mua thêm nhiều vật trang sức "rẻ tiền" hơn phù hợp với cách sống vương giả của mình. Tính tổng cộng trong vòng hơn 10 năm, Jefri đã chi tiêu cho bản thân khoảng 1,5 tỉ USD. Những "đồ chơi" của ông bao gồm khoảng 2.000 xe hơi trong đó có cả chiếc Ferrari mới mua, những loại xe Rolls-Royce và Aston Martin; 17 phi cơ gồm cả trực thăng tấn công Comanche và chiếc SS "Tits" đầy tai tiếng ("Tit" có nghĩa ngực đàn bà). Ngay đến chiếc bàn chải đánh toilet của ông cũng được dát vàng.

Soạn: AM 700525 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Chiếc Ferrari FX được làm theo đơn đặt hàng riêng của Hoàng thân Jefri.

Sự xa xỉ của Jefri chưa dừng lại ở đó. Chiếc du thuyền được làm theo yêu cầu riêng của ông tại một xưởng đóng thuyền ở Hà Lan ước tính có chiều dài 55m. Du thuyền có 4 động cơ bằng vàng 24 carat, những đồ vật trang trí bằng đá cẩm thạch và thang máy nối từ tầng này với tầng khác. Nếu như cái tên "Tits" chưa đủ để bộc lộ "sở thích" của vị Hoàng thân này, thì có lẽ tên của hai chiếc xuồng máy tốc độ cao đi kèm du thuyền - Nipple I và Nipple II đủ nói lên điều ấy. Và cũng hoàn toàn tự nhiên khi Jefri có không dưới 4 bà vợ cùng 35 người con (một số là nhận nuôi), cùng vô số lời đồn đại về những người đàn bà mà ông quen "hời hợt".

"Cuộc phiêu lưu tìm cái đẹp" của Jefri bắt đầu trở nên kém "sôi nổi" vào giữa thập niên 1990 khi ông bỗng nhiên trở thành tiêu điểm của hàng loạt bài viết chỉ trích đăng trên các tạp chí ít tên tuổi thuộc kiểm soát của một nhóm nữ hoàng sắc đẹp Mỹ bao gồm một cựu hoa hậu. Cô này đã kiện Jefri, tuyên bố rằng họ bị bạn bè của Jefri lạm dụng tình dục khi làm khách tại cung điện Hoàng gia Brunei. Ngay lập tức, Jefri bị đặt một cái tên mới - "Hoàng thân dâm đãng" và ông chỉ thoát vụ tố tụng tại Mỹ nhờ vào quyền miễn trừ ngoại giao của mình.

Song có lẽ đó mới chỉ là những rắc rối đầu tiên. Ngay sau khi vụ scandal liên quan tới nữ hoàng sắc đẹp Mỹ tạm yên, thì công ty Amedeo, vốn bị suy sụp sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, bỗng nhiên phá sản, buộc chính phủ Brunei phải chi một khoản "cấp cứu".

3 tỉ bảng và vụ đấu giá "thế kỷ"

Cùng với sự sụp đổ của Amedeo, Jefri bị cách chức Bộ trưởng Tài chính, một chức vụ mà ông đảm nhiệm suốt 13 năm. Bắt đầu từ đây, xích mích giữa hai anh em nhà Quốc vương bắt đầu lộ rõ. Năm 2000, Quốc vương chính thức khởi kiện người em ruột của mình tại London với cáo buộc Jefri đã biển thủ 8 tỉ bảng từ Cơ quan Đầu tư Brunei chỉ để thoả mãn cuộc sống truỵ lạc, xa xỉ của mình.

"Vụ mua bán thế kỷ"

Khi Hoàng thân Jefri Bolkiah bị buộc phải bán đấu giá số tài sản ước tính trị giá 32 triệu bảng, báo chí đã coi đây là vụ đấu giá thế kỷ. Tháng 8/2001, hơn 1.000 người đã cố mua vé để tham dự cuộc đấu giá 10.000 vật dụng chất tại 21 nhà kho vốn thuộc sở hữu của Hoàng thân Jefri.

Số tài sản này bao gồm 8.500 phiến đá cẩm thạch Italia, 200 cột đèn Victoria bằng thép, nhiều đồ sứ Limoges và thuỷ tinh Baccarat, hàng trăm chiếc sofa và ghế kiểu Louis XIV. Ngoài ra còn một mô hình huấn luyện phi công cho chiếc Airbus A340, một mô hình phi công chiếc trực thăng tấn công Comanche, và một mô hình huấn luyện cuộc đua Công thức 1.

Nằm trong danh sách đấu giá còn có 2 động cơ Mercedes đời mới và hàng trăm bàn chải nạm vàng cùng nhiều vật dụng cho nhà tắm khác.

Có tới 3.000 chiếc đĩa, bát sành, nhiều đồ được chế tác bởi Asprey, hai chiếc đàn piano lớn, 3 người máy giao bóng tennis và một phòng thu âm. Nhà máy nơi cuộc đấu giá được tổ chức cũng được đem rao bán cùng những chiếc ghế dành cho người tham gia đấu giá.

Đầu tiên, bề ngoài vụ việc tưởng như đơn giản và người ta nghĩ rằng vụ kiện tụng giữa hai anh em sẽ sớm kết thúc. Trong một thoả thuận dàn xếp ngoài phòng xử án, Jefri đã đồng ý giao nộp lại số tài sản trị giá 3 tỉ bảng cho BIA bao gồm nhiều khách sạn, máy bay và chiếc du thuyền tai tiếng kèm theo 2 xuồng máy tốc độ cao.

Ông cũng đồng ý nộp thêm một khoản tiền mặt thông qua hình thức bán đấu giá một số tài sản cá nhân có giá trị nhất như 16.000 tấn đá cẩm thạch Italia và 2 động cơ Mercedes Benz bằng kim loại quý.

Cuộc đấu giá đã được công ty Smith Hodgkinson tổ chức tại London vào năm 2001 và được báo chí khi ấy đánh giá là "Vụ mua bán thế kỷ". Những nhà đấu giá tiềm năng đã phải trả tới 300 bảng chỉ được giành quyền tham dự.

Để sớm kết thúc câu chuyện "nhục nhã" mà Jefri gây ra, Brunei đã đồng ý cấp cho ông mỗi tháng 200.000 bảng để chi tiêu dù Jefri đòi thêm với những lý do như: làm sao ông ta có thể chu cấp cho những bà vợ, những đứa con và "tiếp dầu" cho hạm đội các phương tiện còn thuộc sở hữu của ông với khoản tiền quá ít ỏi như vậy?

Lẽ ra câu chuyện đã chấm dứt với cách dàn xếp này. Nhưng đến đây, một điều nghịch lý lại xuất hiện, ấy là: dù bị tước mất nhiều tài sản và bị "kiềm kẹp" bởi khoản chi tiêu hàng tháng quá "ít ỏi" như thế, Jefri vẫn xoay sở để tiếp tục cuộc sống xa hoa.

Bằng cách nào vậy? Đó là câu hỏi mà Quốc vương Brunei nêu ra.

Sự rút lui khó giải thích

Cuối cùng, ông đã phải trở lại Toà án cấp cao London để yêu cầu Jefri khai rõ nguồn gốc khoản thu nhập của ông ta nếu không sẽ bị tống vào tù. Thẩm phán Waller cũng đồng ý với Quốc vương rằng cách sống vương giả của Jefri từ sau vụ bán đấu giá năm 2001 không thể lý giải bởi lý do ông ta nhận được sự hỗ trợ tài chính từ những người họ hàng giàu có, trừ phi ông ta tuyên bố "đã trúng số hay đã có những buổi tối may mắn bên sòng bạc".

Soạn: AM 700529 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Hoàng thân Jefri.

Lúc đầu, Jefri và các luật sư tìm cách ngăn chặn hành động này, cho rằng bất kì nỗ lực nào nhằm tìm hiểu bí mật về sự giàu có của ông ta sẽ bị coi là vi phạm nhân quyền theo Công ước Nhân quyền châu Âu. Tuy nhiên, đây chỉ là một chiến lược "còi" và toà án cấp cao London đã bác bỏ ngay lập tức. Bất chấp sự bác bỏ này, Jefri vẫn từ chối khai và cái viễn cảnh phải vào tù ngày càng trở nên rõ nét hơn.

Cho đến tuần trước, mọi sự bỗng nhiên đảo lộn. Đến bây giờ, vẫn chưa rõ tại sao Quốc vương Brunei lại rút khỏi vụ kiện. Nếu như hai anh em vẫn chưa nói chuyện với nhau, sự thay đổi thái độ của Quốc vương xem ra khó giải thích.

Có lẽ Quốc vương Bolkiah đơn giản kết luận rằng ông còn có nhiều việc tốt đẹp hơn để làm, chẳng hạn như phải điều hành đất nước.

Brunei đang là một thiên đường kinh tế so với các nước láng giềng châu Á khác. Đất nước này có những người dân khoẻ mạnh và giàu có, với tỉ lệ biết chữ là 92% và tuổi thọ 78 đối với phụ nữ, 75 đối với nam giới - tức là vượt xa so với những nước trong cùng khu vực. Họ tự hào vì là quốc gia không đánh thuế thu nhập, lại có hệ thống chăm sóc y tế miễn phí, giáo dục và trợ cấp tốt.

Song người ta đang cảm thấy những đám mây lảng vảng cuối đường chân trời của Brunei, ít nhất là theo dự đoán về tương lai 20 năm nữa khi nguồn dầu khí ở đây cạn kiệt. Trong khi đó, các nhà hoạt động nhân quyền trong nước vẫn tiếp tục đặt câu hỏi về cách cầm quyền của Quốc vương và tình trạng khẩn cấp vẫn được áp đặt tại nơi này kể từ khi quân đội Anh dẹp tan một cuộc nổi loạn năm 1962.

Nhưng có lẽ, lý do hợp lý hơn cả giải thích cho sự "rút lui" chính là Quốc vương Bolkiah đã quá mệt mỏi vì các bài báo "chướng tai, gai mắt" về lối sống trác táng của người em mà nguồn cơn chính là từ mâu thuẫn giữa hai anh em.

  • Tân Huyền - (Tổng hợp)