Mỹ từng muốn đánh VN, Lào bằng vũ khí hạt nhân
Các Website khác - 16/04/2008


Không lực Mỹ từng muốn sử dụng "vũ khí hạt nhân" để chống lại Việt Nam vào năm 1959 và 1968, ở Lào vào 1961 nhằm xóa sổ lực lượng cộng sản, tài liệu mới giải mật của Không lực Mỹ cho thấy.

Năm 1959, Tham mưu trưởng Không lực Mỹ Thomas D.White đã nhắm một số mục tiêu ở Bắc Việt Nam nhưng một số quan chức quân sự khác đã ngăn cản mong muốn tấn công quốc gia Đông Nam Á này bằng vũ khí hạt nhân.

"White muốn tiêu diệt lực lượng cách mạng và cắt nguồn cung cấp của họ bằng cách tấn công một số địa điểm được lựa chọn ở bắc Việt Nam bằng vũ khí thông thường hoặc hạt nhân", một tài liệu giải mật của Không lực Mỹ viết.

"Dù văn bản của ông White kêu gọi đưa ra cảnh báo trước cho lực lượng Bắc Việt, một quan chức khác yêu cầu phải bàn thêm, có lẽ do tài liệu này đề cập tới vũ khí hạt nhân. Bảy tháng sau, đề xuất này bị rút".

Tài liệu dày 400 trang có nhan đề "Không lực Mỹ tại Đông Nam Á: Cuộc chiến bắc Lào 1954 - 1973", được Trung tâm Lịch sử Không lực tại Washington soạn thảo năm 1993 và "được phân loại mật".

Tài liệu này vừa được Kho lưu trữ an ninh quốc gia tại Washington công bố hôm 9/4 cùng với một số tài liệu mật trước đây, đều về thời kỳ chiến tranh. Việc công khai được thực thi theo Đạo luật Tự do thông tin.

Kho lưu trữ này là một cơ quan độc lập, viện nghiên cứu phi chính phủ của trường đại học George Washington.

Binh sĩ, trực thăng Mỹ tại Việt Nam. (Ảnh: Vietnamwar)

Tướng White "đã đề nghị Tham mưu trưởng Liên quân bật đèn xanh cho việc gửi một đội máy bay ném bom B-47 tới căn cứ không quân Clark tại Philippines để "chuẩn bị cho một cuộc tấn công gần Việt Nam" tài liệu giải mật ghi. Đề xuất dùng vũ khí hạt nhân của tướng White có lẽ bắt nguồn từ một nghiên cứu của Không lực Mỹ: "Vũ khí Hạt nhân tại một số cuộc chiến ở Đông Nam Á".

Nghiên cứu này tập trung vào việc sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm kiểm soát tình hình tại các khu rừng rậm, các con đường chuyển hàng tiếp tế, các vùng đá vôi và hẻm núi để ngăn chặn sự di chuyển của kẻ thù, tài liệu giải mật cho hay trong lời chú ở cuối trang về chiến lược của tướng White.

Địa hình mô tả ở trên tương tự như ở bắc Việt Nam và Lào.

Một năm sau, trong thời gian từ tháng 12/1960 đến tháng 1/1961,  máy bay của Xô viết đã chuyển lương thực, nhiên liệu và máy móc quân sự cho lực lượng ủng hộ Moscow tại Lào, thông qua Hà Nội, tài liệu trên viết.

Tháng 3/1961, Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã phản đối kế hoạch triệu tập 60.000 binh sĩ, cùng với sự hậu thuẫn trên không, vũ khí hạt nhân.

Năm 1968, trước cuộc Tổng tiến công Tết Mậu thân, quân đội Bắc Việt và đồng minh ở phương nam đã tấn công lực lượng Mỹ tại miền Trung nước này. Đáp lại, Tướng William Westmoreland, chỉ huy quân đội Mỹ tại Việt Nam, đã muốn ấn nút hạt nhân.

"Cuối tháng 1, Tướng Westmoreland đã cảnh báo rằng nếu tình hình gần Khu vực phi quân sự (DMZ) và tại Khe Sanh xấu đi trầm trọng, vũ khí hạt nhân hoặc hóa học có thể được đưa ra dùng", một tài liệu "tối mật" khác đã được công khai cho thấy. Tài liệu giải mật này dày 106 trang có nhan đề "Không lực tại Đông Nam Á: Tiến trình ngừng kế hoạch đánh bom, 1968" do Trung tâm lịch sử không lực soạn thảo năm 1970.

"Vấn đề trên buộc Tham mưu trưởng Không lực - Tướng John P.McConnell phải gây sức ép, dù không thành công, với Tham mưu trưởng liên quân nhằm yêu cầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương chuẩn bị cho một kế hoạch dùng vũ khí hạt nhân ngăn chặn tổn thất tại căn cứ hải quân của Mỹ" tài liệu trên ghi.

Dù chịu nhiều thất bại, Mỹ vẫn dựa vào việc đánh bom, gồm cả bom napan, vào Việt Nam và Lào, Campuchia. Tuy nhiên, Mỹ không thả bất cứ quả bom hạt nhân nào dù Không lực Mỹ đã 3 lần muốn làm như vậy.

Sau khi Mỹ thất bại, lực lượng cộng sản nắm quyền trở lại ở cả 3 nước, Việt Nam, Lào và Campuchia. 

Với nhận thức muộn, các tác giả của bản tài liệu giải mật của Không lực năm 1993 cho biết, không phải là ý tưởng hay khi có kế hoạch dùng vũ khí hạt nhân để tiêu diệt lực lượng cách mạng và nguồn tiếp tế của họ ở Việt Nam hoặc Lào.

"Hiện vẫn còn hoài nghi rằng liệu có một mục tiêu thích hợp nào cho vũ khí như trên tồn tại ở các khu rừng tại bắc Lào hoặc bắc Việt. Nhưng quan trọng hơn cả là, một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân sẽ trao chiến thắng về mặt tuyên truyền cho lực lượng cộng sản và nó có thể làm chiến tranh lan sang Trung Quốc cũng như các quốc gia ở tây Thái Bình Dương". Trung Quốc lúc đó ủng hộ lực lượng du kích ở Việt Nam, Lào và Campuchia chống lại Mỹ.

Tài liệu trên đề cập tới việc Mỹ có thể làm lan rộng cuộc chiến "có thể là hạt nhân" sang Tây Thái Bình Dương - dường như là đề cập tới Philippines, Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc và các đảo gần đó - những nơi mà Mỹ có căn cứ quân sự.