Ngoại trưởng Thái Lan từ chức
Các Website khác - 04/09/2008

Ngoại trưởng Thái Lan Tej Bunnag đệ đơn từ chức hôm qua, một ngày sau khi Thủ tướng Samak Sundaravej ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Bangkok nhằm chấm dứt các cuộc biểu tình của phe đối lập.
> Người biểu tình từ chối đàm phán

Những người biểu tình của phe chống chính phủ bên trong tòa nhà quốc hội hôm 3/9. Ảnh: AP.

Ông Tej Bunnag được bổ nhiệm vào tháng 7 và có tin ra đi sau khi vừa hoàn thành nhiệm vụ hàn gắn mối quan hệ giữa Thái Lan và Campuchia xung quanh ngôi đền tranh chấp tại khu vực biên giới. Chính phủ Thái từ chối xác nhận tin trên, trong khi giới truyền thông khẳng định vị ngoại trưởng đã đệ đơn lên thủ tướng.

Nhà phân tích Boonyakiat Karavekphan của Đại học Ramkhamhaeng cho rằng, nếu sự việc trên là có thật thì đây có thể là một bước nữa dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ.

Hàng trăm cảnh sát chống bạo động đã có mặt bên ngoài tòa nhà chính phủ hôm qua, trong khi đoàn người biểu tình kêu gọi thủ tướng từ chức vẫn cố thủ bên trong khu vực này. Họ từ chối thương lượng và khẳng định chỉ đối thoại khi thủ tướng rời chức vụ.

Tổng tư lệnh quân đội Anupong Paochinda từ chối sử dụng vũ lực để trục xuất những người biểu tình ra khỏi các tòa nhà chính phủ, mặc dù sắc lệnh về việc ban bố tình trạng khẩn cấp cho phép quân đội quyền ngăn cấm các hoạt động tụ tập nơi công cộng.

Trước đó, lãnh đạo 43 công đoàn trong nước đe dọa sẽ cắt điện, nước và dịch vụ vận tải tại Thái Lan, đồng thời hủy các chuyến bay nhằm gây áp lực cho chính phủ. Tuy nhiên, công ty cung cấp điện lớn nhất nước EGAT cho biết vẫn hoạt động bình thường và không có hiện tượng đình công. Hệ thống giao thông công cộng trong thành phố như xe buýt và tàu điện ngầm cũng mở cửa như thường lệ.

Thủ tướng Samak ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi những người ủng hộ ông đụng độ với đoàn biểu tình phản đối chính phủ, khiến một người thiệt mạng và 45 người khác bị thương. Có rất ít dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan sắp chấm dứt khi lệnh tình trạng khẩn cấp bước sang ngày thứ ba. Đây là làn sóng biểu tình và bạo động tồi tệ nhất trên đường phố Bangkok trong vòng 16 năm qua.

Trong khi đó, một số quốc gia khuyến cáo công dân không nên đến Thái Lan vào thời điểm này. Singapore và Hàn Quốc đề nghị người dân hoãn tất cả các chuyến đi tới đây nếu không cấp bách. Australia và New Zealand đề nghị công dân cảnh giác cao độ khi đi du lịch tại đất nước chùa vàng, bởi không loại trừ khả năng bạo lực xảy ra.

Các cuộc biểu tình rầm rộ tại Bangkok nổ ra từ tuần trước và do phe chống chính phủ PAD tổ chức. Tới đêm 1/9, phe ủng hộ chính phủ đương nhiệm xuất hiện và xảy ra đụng độ giữa hai bên.

PAD cáo buộc Thủ tướng Samak Sundaravej là con rối và đang điều hành Thái Lan thay cho cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra. Họ còn cho rằng đương kim thủ tướng đã sửa đổi hiến pháp nhằm giúp Thaksin tránh được hàng loạt các tội danh, đồng thời chỉ trích chính phủ không chịu truy tố Thaksin đến cùng bằng cách dẫn độ ông này về nước xét xử.

Chính các cuộc biểu tình do PAD dẫn đầu năm 2006 đã dẫn đến vụ đảo chính lật đổ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ông này bị cáo buộc tham nhũng, lợi dụng chức vụ để giúp người thân trục lợi và cả tội xúc phạm quốc vương. Thaksin cùng vợ con vừa trốn sang London để tránh ra tòa án tối cao vì những tội danh trên.

Ngọc Quỳnh (theo AP, Reuters)