Người sống sót sau động đất vật lộn kiếm tiền
Các Website khác - 31/05/2008

 

Một người đàn ông vung chiếc búa đập bê tông để lấy sắt vụn đem bán, tại một ngôi nhà đổ ở Tứ Xuyên. Ảnh: AP.

Hàng chục người, đàn ông, đàn bà mải miết tìm kiếm trên một đống đổ nát ở thị trấn Thanh Xuyên, cảnh tượng trông giống những ngày vừa động đất. Nhưng cái họ tìm kiếm không phải là người thân.
> Cứu 40 người thoát chết đói

Họ tìm những mảnh sắt vụn để bán, những mong có tiền để mua đồ ăn và các nhu yếu phẩm khác. Đối với hơn 5 triệu người mất nhà cửa vì động đất ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, con đường chông gai xây dựng lại cuộc sống còn quá dài và đầy thử thách.

Thực phẩm và nước uống đã được chính phủ cung cấp tương đối đầy đủ, nhưng các lều bạt vẫn không đủ và vì thế nhiều người thiếu chỗ trú chân. Còn những yêu cầu dài hơi khác như việc làm và thu nhập vẫn là chuyện chưa được tính đến.

Nhiều người sống sót không chỉ chờ chính phủ, họ tìm mọi cách để kiếm sống ngay từ bây giờ. Cũng như ở những thành phố hay thị trấn đổ nát khác, người dân Thanh Xuyên - một thị trấn ở phía bắc của tỉnh - phát hiện ra rằng các công ty tái chế cần thu mua những mảnh kim loại vặn vẹo lấy ra từ những tòa nhà đổ.

Đứng trên đống gạch và bê tông cao ngất - nơi từng có một tòa nhà ba tầng, Mao Honglin mê mải tìm kiếm những mẩu kim loại. Thấy một đầu sắt nhọn, anh liền kéo nó lên và được cả một thanh thép dài, cong queo.

"Động đến cái gì cũng tiền. Nhà tôi thì đã sập và tôi chẳng còn gì nữa. Tôi cần tiền mua các thứ, mua muối và dầu ăn", Mao, 37 tuổi, dáng thấp đậm, mặc chiếc quần đùi màu cam và đi đôi găng tay màu cháo lòng, nói.

Bên cạnh Mao là cô vợ 33 tuổi Dong Shengfang, đang đào bới bằng tay trần. Cả hai đã cật lực làm việc trên đống đổ nát này từ mờ sáng.

"Ngay cả trước khi động đất, chúng tôi cũng đã nghèo lắm", cô kể khi nghỉ tay một lát. "Anh ấy không có việc làm cố định, chỉ làm vớ vẩn thôi. Khi đó, Mao kiếm được chừng 5 USD mỗi ngày. "Giờ thì từng ấy cũng chẳng có".

Tết 2008 mở đầu một giai đoạn mới trong gia đình Mao và Dong. Họ đã vay mượn bạn bè và người thân 4.200 USD và mua một căn hộ nhỏ cho 7 người ở - gồm hai vợ chồng, ba đứa con, mẹ và em trai của Mao. Giờ thì căn hộ cùng cả tòa nhà đã biến thành đống gạch vụn.

"Tiền mua nhà đều là đi vay. Giờ chúng tôi nợ đìa. Chưa biết làm thế nào mà trả đây", Dong nói.

Mặc dù các ngân hàng Trung Quốc đã có lệnh xóa nợ cho những người đi vay bị ảnh hưởng bởi động đất mà lại không có bảo hiểm, không rõ sự trợ giúp này có đến được với Mao và gia đình anh hay không.

Không kìm được, Dong bật khóc. Chồng cô rút tay khỏi găng, nhẹ nhàng lau nước mắt cho cô.

Hai vợ chồng đã cùng nhiều người khác đến đào bới ở khu nhà đổ nát này một tuần nay, sau khi nghe tin các công ty tái chế trong vùng mua sắt vụn với giá 0,5 tệ (khoảng 1.000 đồng) mỗi kg.

Cũng trên đống gạch vụn, Li Hongshen, 52 tuổi, đang hì hục vung cái cuốc chim phá những tảng bê tông để tách lấy sắt.

"Chẳng có cách nào khác để kiếm tiền", ông nói với vẻ hối lỗi. "Tôi cảm thấy có tội bởi ở đây có rất nhiều người đã qua đời, nhưng tôi có cả một gia đình phải nuôi".

Li phải kiếm tiền cho vợ, hai con gái và một mẹ già. Nhà họ đã sụp, giờ họ sống trong một căn lều tạm làm bằng các mảnh nhựa và gỗ dán, bên cạnh một con đường.

"Những gì chính phủ cho cũng đủ", ông nói và cho biết thêm họ nhận được nước đóng chai, mì gói, bánh quy. "Nhưng cơm ăn nước uống không phải là tất cả. Sau này chúng tôi còn phải dựng lại nhà, tốn tiền lắm".

Nhiều người sống sót phát hiện ra rằng sau động đất, có nhiều cách kiếm tiền dù rất nguy hiểm. Lin Cenyou, 38 tuổi, mặt đầy râu và thân hình vạm vỡ, vừa tìm được công việc mới - chui vào những tòa nhà đổ nát để tìm lấy lại đồ cho những người thuê anh.

"Họ bảo tôi họ cần cái gì, tôi sẽ chui vào lấy", Li hồn nhiên kể về công việc liều lĩnh của mình. "Cũng nguy hiểm đấy nhưng tôi giờ chẳng sợ gì cả. Tôi chỉ cần tiền để nuôi sống gia đình".

Hàng loạt dư chấn vẫn liên tiếp xảy ra ở vùng động đất, gây sập hàng nghìn tòa nhà. Ít nhất 8 người đã chết vì nhà đổ trong các cơn dư chấn đó.

Hàng ngày, Lin dậy từ 5h30 sáng và đi từ làng anh ở miền núi, cách Thanh Xuyên một giờ đi xe, xuống thị trấn để bán sức. Mỗi ngày anh kiếm khoảng 7 USD nhờ việc tìm và lôi ra các đồ đạc, TV và đồ điện từ trong các tòa nhà đổ. Công việc cũng có lần đưa Lin đến sát mặt tử thần. Anh kéo ống tay áo và ống quần, lộ ra những vết thương và xây xước trên tay, chân. Đầu tuần này, khi Lin đang ở trong một tòa nhà đổ, một cơn dư chấn xảy ra khiến một cái cột thạch cao đè vào người anh.

"Tôi có thể làm gì được bây giờ", Lin nói. "Tôi chả có cách nào khác. Tôi là nông dân mất đất".

Trên một con phố gần khu lều ở tạm, một nhóm phụ nữ ngồi bên lề đường bày bán các đồ lặt vặt - mấy túi gia vị, chai nước ngọt, vài cuộn mì khô. Khách hàng chẳng có mấy, nhưng những người bán hàng cho biết dù it dù nhiều, công việc này vẫn giúp họ qua ngày.

Một chị bán rau tên là Zhou Xiaomei, 30 tuổi, được người bán buôn ở thị trấn bên cạnh cho mua chịu nửa xe rau mỗi ngày - thứ mà chị đang bày bán ở đây: cà pháo, cà chua, mấy túm tỏi.

Chị Zhou kể rằng hôm trước có một cụ già mua ít rau với giá 40 tệ, nhưng cụ chỉ có hơn 1 tệ. "Tôi vẫn bán cho cụ", người phụ nữ đã mất hết nhà cửa và tài sản, trừ bộ quần áo đang mặc trên người, nói. "Người ta ai cũng cố để trả cho đủ. Nhưng giờ không phải là thời buổi kinh doanh. Chúng tôi cần phải đỡ đần cho nhau trong lúc hoạn nạn".

T. Huyền (theo AP)