Phiên toà xét xử ông Saddam Hussein: Sóng gió ngay từ phút đầu
Các Website khác - 21/10/2005
Phiên toà xét xử ông Saddam Hussein:
Sóng gió ngay từ phút đầu

Tuy phải tuyên bố dời lại tới ngày 28.11, song phiên toà đặc biệt xét xử cựu Tổng thống Saddam Hussein (ảnh), 68 tuổi, diễn ra trong vòng 3 giờ hôm 19.10 tại vùng Xanh được bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt ở thủ đô Baghdad, đã để lại những ấn tượng rất khác nhau trong lòng người dân Iraq, thế giới Arab cũng như nhân dân thế giới.

Cùng phải ra trước toà án lần này với ông Saddam còn có 7 bị cáo khác gồm: Cựu chỉ huy tình báo Barazan Ibrahim, cựu Phó Tổng thống Taha Yassin Ramadan, cựu Chánh án Tòa án Cách mạng Awad Hamed al-Bandar và 4 quan chức cấp thấp hơn của Đảng Baath tại thị trấn Dujail ở phía bắc Baghdad.

Ngay khi được các thẩm phán gọi đầu tiên, ông Saddam Hussein bước tới trên tay cầm cuốn kinh Koran, từ chối nêu tên mình mà hỏi vặn lại thẩm phán chủ tọa: "Ông là ai? Tôi muốn biết ông là ai". Thẩm phán chủ tọa phiên toà là một người Kurd - ông Rizgar Mohammed Amin, 47 tuổi và tên của ông được tiết lộ gần như chỉ trước giờ khai mạc phiên tòa. Ông Saddam phản bác việc bị gọi là "cựu tổng thống" cũng như tư cách của tòa án xét xử ông, đồng thời khẳng định ông vẫn là "tổng thống hợp hiến của Iraq", khẳng định mình vô tội trước những cáo buộc ông giết người, tra tấn, giam giữ trái phép... trong 23 năm cầm quyền.

Ông Saddam cũng phản bác lại mọi chứng cứ được trưng ra trong vụ đầu tiên được đưa xét xử là vụ thảm sát 148 người Shiite ở Dujail hồi năm 1982, sau một âm mưu ám sát bất thành đối với ông. Nếu bị kết tội, ông Saddam cùng 7 bị cáo trên có thể phải lãnh án tử hình. Và dù được quyền chống án, song án xử có thể có hiệu lực ngay trong vòng 30 ngày sau đó.

"Cha tôi là người dũng cảm, là một con sư tử. Ông đã cống hiến cả đời mình cho đất nước. Tôi tự hào về ông", bà Raghad Saddam Hussein - con gái ông Saddam nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn báo chí từ Jordan. "Ông Saddam còn đỡ tệ hơn những kẻ tệ hại hiện nay, ông là nhà lãnh đạo hợp pháp duy nhất của người Iraq", kỹ sư Sahab Awad Maaruf - một người Sunni ở Azamiyah - nói, ngụ ý tới các thành viên chính phủ hiện nay. Bà Um Abdullah, cũng ở Azamiyah, cho hay "không thể theo dõi phiên toà vì rất chua xót khi phải thấy cảnh một nhà lãnh đạo mạnh mẽ như vậy đứng sau song sắt". L.L.Q (Theo AP)