Chỗ nào cũng xài đô-la |
Một phần do ngành chức năng “theo” không xuể, một phần do tâm lý sính ngoại của người dân.
Nhu cầu giao dịch bằng ngoại tệ của người dân thành thị ngày càng lớn, đã trở thành thói quen tích cực. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, thói quen này đã bị lạm dụng quá mức, hình thành hội chứng... “sính đô-la”.
Cái gì cũng... “đô”!
Khu phố Tây (gồm các đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Bùi Viện, thuộc quận 1 - TPHCM) là nơi hàng hóa được niêm yết giá bằng đô-la nhiều nhất bởi nơi đây là điểm tập trung của Tây ba-lô. Ngoại trừ những nơi hội đủ tiêu chuẩn được phép niêm yết giá và thực hiện giao dịch bằng ngoại tệ, tại rất nhiều cửa hàng, quầy, sạp, quán ăn... ở khu vực này cũng niêm yết bằng “đô” tràn lan. Bà Loan, một chủ tiệm kinh doanh Internet-phone trên đường Bùi Viện, cho biết: Trước khi đến lưu trú dài ngày tại phố Tây, đại đa số du khách đã đổi USD (hoặc các ngoại tệ khác) sang đồng VN rồi, nhưng dân buôn bán cứ treo giá bằng “đô”, buộc khách phải đổi ngược lại, rất vô lý. Vì thế, trước đây cũng từng niêm yết cước phí Internet-phone bằng USD, nay bà Loan đã chuyển sang niêm yết bằng VN đồng.
Niêm yết giá bằng ngoại tệ ở phố Tây dù sao cũng dễ chịu hơn những nơi có hầu hết khách hàng là dân nội địa. Ghé những tiệm bán xe gắn máy trên các đường Lý Tự Trọng (quận 1), Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh)..., các loại xe tay ga đều được niêm yết giá bằng USD. Phần lớn những cửa hàng kinh doanh thiết bị vi tính trên đường Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Tôn Thất Tùng... cũng tung ra bảng giá linh kiện niêm yết bằng “đô”. Quan sát hằng giờ tại những nơi nói trên, chúng tôi nhận thấy khách hàng là người nước ngoài đến mua bán chiếm tỉ lệ rất thấp, không quá 5%. Chắc gì số khách hàng “ngoại” đó xài USD?!
“Sốc” nhất có lẽ là việc niêm yết giá bằng USD tại những cửa hàng thời trang trên các đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu... Trong một cuộc trà dư tửu hậu, anh bạn tôi đang làm tại một công ty trang trí nội thất kể rằng anh đã từng “dám” đưa bạn gái đi mua sắm trên đường Nguyễn Trãi, vì nghe giới thiệu toàn đồ hiệu, giá vừa phải, chỉ chừng “vài trăm” một món. Vào đó, anh mới toát mồ hôi hột vì món nào cũng vài trăm... “đô” trở lên. Nghe chuyện, có người bạn chặc lưỡi: “Nhằm nhò gì, bây giờ có lắm nơi bán vé mát-xa cũng bằng “đô” nốt...!”.
Khổ vì... đô-la
Chị bạn tôi cho con đi học Anh văn tại một trung tâm ngoại ngữ. Trung tâm này được mang một cái tên ngoại, nhưng do một tổ chức trong nước đứng ra thành lập, quảng cáo trên các báo và mức học phí được niêm yết bằng USD. Không có sẵn “đô”, chị mang xấp tiền VN đồng ra tiệm vàng để đổi. Đến trường nộp học phí cho con, cô thủ quỹ nói trớt quớt: “Nộp tiền Việt cũng được!”. Chị than thở: “Trường nội, thầy nội, trò cũng nội, vậy thì thu học phí bằng tiền Việt cho rồi, còn bày đặt, hành hạ người ta”. Cái sự trên âu cũng là lẽ thường của nhiều trung tâm ngoại ngữ hiện nay, vốn hướng vào các gia đình lắm tiền, muốn dán cái mác ngoại vào các văn bằng của con em mình. Cổ xúy cho trào lưu ấy là tâm lý thích dán cái mác ngoại vào các văn bằng của con em mình. Cổ xúy cho trào lưu ấy là tâm lý thích “học phí trả bằng... đô” của không ít bậc phụ huynh.
Có một thời, uống cà phê trên tòa nhà Saigon Trade Center cao 33 tầng đã trở thành thú vui của dân thượng lưu. Trong giới trẻ, nhiều người ít tiền, nhưng muốn một lần đến Panorama cho biết, đành phải đổi tiền Việt sang USD. Một ly cà phê nhàn nhạt, giá hơn 3 USD có lẽ khiến nhiều người thất vọng, đến một lần rồi... thôi. Trong nhiều trường hợp, đặc biệt là tại các bar, nhà hàng, vũ trường... một bộ phận giới trẻ có thói quen xài “đô” đã bị chém đẹp khi dùng USD để thanh toán, trong khi giá sản phẩm, dịch vụ... được tính bằng tiền Việt. Khi đó, các nơi bán chẳng “dại” gì tính đúng theo tỉ giá hối đoái trong ngày và phần thiệt luôn thuộc về khách hàng.
Do quản lý kém và tâm lý sính ngoại Dưới lăng kính xã hội học, GS-TS Trần Ngọc Thêm, Trưởng Bộ môn Văn hóa - ĐH KHXH&NV TPHCM, cho rằng thói quen xài ngoại tệ xuất phát từ một nhu cầu có thật, mang tính tích cực của đời sống thị dân, đó là lựa chọn hình thức tiêu dùng tiện lợi, nhanh, gọn. Tuy nhiên, những trường hợp lạm dụng thái quá việc đưa đồng đô-la vào trao đổi, mua bán là đáng phê phán. Tình trạng niêm yết ngoại tệ và mua bán, giao dịch bằng USD diễn ra tràn lan là do quản lý và kiểm soát kém, dù các quy định của pháp luật đã có và phần chế tài cũng đã khá cụ thể. |
Mai Hương
▪ “Tôi đã sai” (14/11/2005)
▪ Khám phá lục địa đen (12/11/2005)
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (14/11/2005)
▪ Azerbaijan tránh "cách mạng màu" (12/11/2005)
▪ Palestine tưởng nhớ ông Arafat (12/11/2005)
▪ Thanh thiếu niên gây rối: Từ Paris nhớ lại Los Angeles (14/11/2005)
▪ Pyinmanar - thủ đô mới của Myanmar (14/11/2005)
▪ Thế giới Arab bất đồng với Mỹ (14/11/2005)
▪ Dũng cảm hay tính lầm? (13/11/2005)
▪ PLO kêu gọi điều tra cái chết của Arafat (14/11/2005)