Thanh thiếu niên gây rối: Từ Paris nhớ lại Los Angeles
Các Website khác - 14/11/2005
Thanh thiếu niên gây rối:
Từ Paris nhớ lại Los Angeles

Làn sóng gây rối ở Pháp đã lan sang Lyon - thành phố lớn thứ hai của Pháp. Bắt đầu lúc 5 giờ chiều hôm 12.11 giờ địa phương, khoảng 50 thanh niên đã tấn công các cửa hàng, phá xe ôtô trên quảng trường Bellecour, chỉ vài tiếng trước khi lệnh giới nghiêm đối với thanh thiếu niên có hiệu lực. Tuy nhiên, cảnh sát cho biết, đêm thứ bảy còn yên ổn hơn nhiều so với đêm thứ sáu, khi có tới 500 chiếc ôtô đã bị đốt cháy. Ở Paris, chính quyền đã phải cấm tất cả các cuộc hội họp tại nơi công cộng từ 10 giờ tối 12.11 và lệnh cấm vẫn còn hiệu lực tới sáng hôm sau.

Trong khi bạo động xảy ra ở Pháp thì ở Mỹ, người ta không thể không nhớ lại và so sánh với những gì đã xảy ra tại Los Angeles năm 1992, thậm chí lo ngại bạo động có thể bùng nổ trở lại. Năm 1992, vụ 4 cảnh sát da trắng hành hạ một thiếu niên lái môtô da đen đã làm bùng nổ bạo lực ở Los Angeles - nguyên nhân y như ở Pháp vừa qua. Khoảng 55 người đã thiệt mạng, 2.000 người bị thương trong 4 ngày bạo động ở nửa nghèo của thành phố, thiệt hại lên tới hơn 1 tỉ USD. Bối cảnh xã hội, những căng thẳng kinh tế và sắc tộc dẫn tới cuộc bạo động năm 1992 cho đến giờ vẫn tràn lan, gây nên bất bình, tạo ra các băng nhóm đường phố và tội phạm, giống như một mớ bùi nhùi mà chỉ cần một "tia lửa" sẽ lại trở thành bạo động. Peter Dreier - giáo sư chính trị tại Trường Đại học Occidental ở Los Angeles nhận xét: "Trên các đường phố ở Pháp, ôtô bị đốt cháy, còn ở Mỹ, chúng ta đang trải qua "bạo động lặng lẽ" mỗi ngày: Các vụ tự tử, các băng nhóm, nạn nghiện rượu, ma tuý và các hành vi tự huỷ diệt khác. Đó là kết quả của sự bất bình trong xã hội mà ta phải chung sống hàng ngày".

"Gốc rễ của tình trạng này là đói nghèo, quyền công dân bị xâm phạm và phân biệt chủng tộc. Các vấn đề đó đã được giải quyết, nhưng không thay đổi được nhiều" - Todd Boyd, chuyên gia về văn hoá Mỹ Phi, nói. "Nó sẽ đến độ mà bạo lực được coi là cách duy nhất để người ta nói ra, vì họ cảm thấy đã bị chia cách và không được lắng nghe quá lâu rồi, cũng giống như ở Pháp vậy".
Vĩnh Nguyên