Sự thay đổi của báo chí ở Trung Quốc
Các Website khác - 23/08/2005
Chương trình của Chen Luyu rất ăn khách.
Chương trình của Chen Luyu rất ăn khách.

Chen Luyu được mệnh danh là Oprah của Trung Quốc, cô dẫn một chương trình truyền hình, mời các nhân vật nổi tiếng và cả những người bình thường tới nói chuyện về cuộc sống của họ. Show của cô rất ăn khách và là một minh chứng của sự thay đổi của báo chí nước này.

Kể từ sau năm 1949, truyền hình, đài phát thanh và báo Trung Quốc trở thành các cơ quan ngôn luận của nhà nước và được kiểm soát chặt chẽ. Còn hiện nay, cải cách kinh tế và sự phổ biến của Internet đang dần dần nới lỏng môi trường truyền thông nước này.

Sinh ra trong thập kỷ 70 ở Thượng Hải, Chen nhớ thời tuổi thơ, cả khu tập thể nhà cô chỉ có một chiếc máy thu hình. "Tất cả lũ trẻ vây quanh chiếc TV, mỗi đứa ngồi trên một cái ghế gỗ nhỏ và dán mắt vào màn hình", cô kể.

Khi đó truyền hình cũng chỉ có một hoặc hai kênh, mỗi ngày chỉ phát sóng vài giờ.

Nhưng kể từ sau khi mở cửa, sức tăng trưởng kinh tế lên nhanh chóng tạo ra một tầng lớp khán giả trung lưu, không chỉ quan tâm đến nội dung tuyên truyền kiểu cũ nữa, mà còn muốn được xem các chương trình thời trang, giải trí, nhân vật nổi tiếng và thế giới bên ngoài.

Cải cách kinh tế cũng mang đến những thay đổi lớn trong ngành truyền thông, với sự xuất hiện của nhiều kênh truyền hình, hàng trăm tờ báo, tạp chí đưa tin về tất tật các mặt của đời sống, từ bóng đá tới thời trang.

Rowan Simons, nhà phân tích truyền thông làm việc tại Bắc Kinh, nhận xét rằng mọi thứ đã thay đổi một cách bất ngờ trong mấy năm trở lại đây.

"Mỗi cư dân đô thị có thể thu được hơn 50 kênh tin tức đủ loại,từ thể thao tới phim truyện, còn có cả những kênh chuyên biệt như kênh dành riêng cho du lịch hoặc mua sắm".

Báo chí giờ đây cũng được tự do hơn khi đưa tin về các chủ đề mà hồi trước bị cho là cấm kỵ, bao gồm tội hình sự, HIV/AIDS và tham nhũng.

Một số báo đã gây dựng được uy tín trong các loạt điều tra mạnh mẽ, những chương trình đối thoại trên đài phát thanh ngày càng được ưa thích và thính giả có thể gọi điện tới đài, nói lên suy nghĩ của mình về tất cả các vấn đề mà không cần để lộ tên tuổi.

Tuy nhiên sự kiểm duyệt chưa hoàn toàn biến mất. Một số chủ đề chính trị nhạy cảm vẫn là lĩnh vực khó khăn. Các chương trình truyền hình nước ngoài thường bị kiểm duyệt. Tất cả các nhà xuất bản hiện thuộc sở hữu nhà nước, và giới chức có thể kiểm soát những gì sẽ được in ra trên các sách báo.

Tuy nhiên sự xuất hiện và phổ biến của Internet khiến môi trường truyền thông ở Trung Quốc ngày càng đa dạng hơn. Nước này hiện có hơn 100 triệu người sử dụng, là nước đứng thứ hai thế giới sau Mỹ tính về số lượng người dùng. Con số này được dự đoán sẽ tăng nhanh trong vài năm tới.

Các quán cà phê Internet mọc lên như nấm ở các thành phố lớn của Trung Quốc, bên trong đầy những thanh niên lướt web, chat hoặc chơi game. Giới chức đã chặn những trang được coi là độc hại hoặc khiêu dâm, nhưng nhiều người mà đặc biệt là sinh viên vẫn có thể đọc bất cứ thứ gì họ muốn.

Nói về xu hướng sử dụng mạng toàn cầu hiện nay ở nước đông dân nhất thế giới, nhà phân tích Simons cho rằng "Việc sử dụng chủ yếu là phục vụ game và chat, chứ ít dành cho các mục tiêu chính trị. Tuy nhiên Internet đã có những ảnh hưởng nhất định bên trong Trung Quốc, khi xuất hiện những bài báo trên mạng nói về tham nhũng, khiến giới chức phải ra tay".

Các báo, tạp chí cũng thay đổi mạnh mẽ trong những năm qua,và đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi xã hội Trung Quốc.

"TV hiện đã đến được với 96% dân số", Simons cho hay. "Bây giờ là thời điểm rất thú vị ở Trung Quốc và với người sử dụng các phương tiện truyền thông ở nước này".

T. Huyền (theo BBC)