Thái tử Đan Mạch tiến thoái lưỡng nan
Các Website khác - 19/04/2008

 

Gia đình thái tử Frederik, vợ thái tử Mary, hoàng tử Christian và công chúa Isabella - Ảnh: Berlingske Tidende

TT - Khi đại thi hào Anh William Shakespeare mở đầu bài độc thoại nổi tiếng của hoàng tử Đan Mạch Hamlet trong bi kịch Hamlet với câu "to be or not to be, thats the question" (*), hẳn ông không thể ngờ câu nói này lại có ngày vận vào một ông hoàng Đan Mạch trong đời thật.

Tháng 10-2007, khi thái tử Đan Mạch công bố ý định ứng cử vào chủ tịch đoàn Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), ông đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính phủ và báo chí nước này. Trước đây cũng đã có một số thành viên các hoàng gia châu Âu có chân trong IOC như công chúa Anne nước Anh, ông hoàng Albert Công quốc Monaco, thái tử Willem- Alexander của Hà Lan.

Khách quan mà nói, thái tử Frederik vài năm gần đây có hơi lu mờ trước người vợ xinh đẹp của mình. Do vậy, nhiều người Đan Mạch tỏ ra phấn khởi khi vị vua tương lai bày tỏ ý muốn được hoạt động trong một môi trường thể thao quốc tế.

Ý định của thái tử Frederik bỗng trở nên khó thực hiện sau khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao Đan Mạch Brian Mikkelsen tuyên bố sẽ không dự lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh vào tháng tám tới đây (theo gương thái tử Charles nước Anh và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy). Quyết định này của ông Mikkelsen khi được Thủ tướng Anders Fogh Rasmussen ủng hộ, đã đưa Frederik vào tình thế khó khăn vì nếu không dự lễ khai mạc thì sẽ không thuận lợi cho việc ứng cử vào IOC, còn nếu đi dự thì bị xem như mâu thuẫn với quyết định của chính phủ.

Một số đại biểu Quốc hội Đan Mạch như ông Simon Emil Ammizboel - đảng Cấp tiến - cho rằng tự thân thái tử sẽ quyết định có đi hay không vì hoàng gia là một thực thể phi chính trị nên quốc hội hay chính phủ không thể quyết định thay cho ông. Số khác quan niệm không nên gom chính trị vào thể thao vì như vậy là đi ngược lại tinh thần Olympic.

Các đảng phái trong quốc hội chia phe tranh cãi rất hăng nên để dung hòa, Thủ tướng Rasmussen đưa ra đề nghị thái tử Frederik đi dự lễ khai mạc thế vận hội với tư cách cá nhân. Nhưng gợi ý này cũng bị nhiều người phản đối kịch liệt. Đồng minh thân thiết của liên đảng cầm quyền, bà Pia Kjaersgaard - chủ tịch đảng Nhân dân Đan Mạch - gọi đây là chuyện "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" nên ngày 15-4, Thủ tướng Rasmussen tuyên bố nếu Chính phủ Đan Mạch chính thức không tham dự lễ khai mạc thì thái tử Frederik cũng sẽ không tham dự.

Điều làm nhiều người Đan Mạch quan tâm không phải là chuyện "đi hay ở nhà” của thái tử Frederik, mà là việc ông bị cuốn vào những cuộc bàn cãi chính trị. Đã vậy, chính phủ nước này còn lập một tổ tư vấn cho thái tử gồm các chuyên gia của Văn phòng Thủ tướng, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa - thể thao với mục đích để hỗ trợ ông này trong các vấn đề chính trị, chuẩn bị cho việc ứng cử vào IOC. Nhiều người lo ngại điều này sẽ tạo ra một tiền lệ không hay là một vị vua tương lai phải chịu sự chi phối của các đảng phái đang cầm quyền. Nhật báo Berlingske đã vẽ tranh biếm thái tử Frederik là một con rối đang bị giật dây!

Đối với giới doanh nghiệp Đan Mạch thì đây là chuyện chẳng mấy vui. Trong năm 2007, Đan Mạch nhập từ Trung Quốc 32 tỉ kr. (5,72 tỉ USD) hàng dệt may, đồ chơi, hàng điện tử gia dụng và xuất sang nước này 14 tỉ kr. (2,5 tỉ USD) chủ yếu là thực phẩm chế biến. Các tập đoàn hàng đầu của Đan Mạch như Danfoss, Novo Nordisk, Novozymes, FLSmidth, Carlsberg... đều có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc. Một động thái tẩy chay về mặt chính trị quả là không có lợi cho họ, nhất là trong tình hình kinh tế Đan Mạch đang trên đà đi xuống và còn bị một số nước Hồi giáo tẩy chay sau vụ khủng hoảng biếm họa. Theo IMF, tỉ lệ tăng trưởng của Đan Mạch từ tháng 10-2007 đến nay là 1,5% - thấp thứ nhì khối EU, chỉ hơn có Ý (1,3%) và thấp thứ bảy trên toàn thế giới.

Tới nay hoàng gia cùng thái tử Frederik chưa lên tiếng về quyết định sau cùng của thái tử về việc dự lễ khai mạc thế vận hội cũng như việc ứng cử vào IOC. Đối với nhiều người Đan Mạch thì thái tử của họ không đáng bị lâm vào hoàn cảnh khó xử như hiện nay vì khi ông bày tỏ ý định tham gia IOC, chẳng thấy chính phủ hay báo chí nước này đá động gì đến nguy cơ thể thao bị chính trị hóa! Quế Viên

* GS Đỗ Khánh Hoan (ĐH Văn Khoa Sài Gòn) dịch là "sống hay không sống, vấn đề là đây" còn thi sĩ Bùi Giáng dịch - rất Bùi Giáng là "tồn tại hay chẳng tại tồn".