Thảm hoạ Al-Salam Boccaccio' 98: Khoảng 800 người có thể đã chết
Các Website khác - 05/02/2006
Thảm hoạ đắm tàu chở khách Al-Salam Boccaccio' 98:
Khoảng 800 người có thể đã chết

Như tin đã đưa, chiếc tàu chở khách lớn của Ai Cập mang tên Al-Salam Boccaccio' 98 chở hơn 1.400 người đã đắm tại khu vực ngoài khơi biển Đỏ vào khoảng từ nửa đêm ngày mùng 2 tới 2 giờ sáng 3.2, mà không kịp phát ra bất kỳ một tín hiệu cấp cứu nào. Tới trưa 4.2, ít nhất gần 400 người đã được cứu sống, nhưng khoảng 800 nạn nhân khó có thể sống sót.

Một người sống sót bị thương được
chuyển tới bệnh viện.
Thông tin đầu tiên về vụ đắm tàu này được xác định sau khi một chiếc tàu thuỷ khác cũng của Hãng vận tải hàng hải El-Salam Maritime Transport nhận được lời kêu cứu tuyệt vọng từ một trong những chiếc xuồng cứu đắm trôi dạt trên biển. Tuy nhiên các hoạt động cứu hộ chỉ được triển khai sau đó khoảng 10 tiếng đồng hồ, khi 4 chiếc tàu khu trục của Ai Cập tới được hiện trường vụ tai nạn ở khu vực ngoài khơi cách cảng Safaga của Ai Cập khoảng 80km.

Trong số hành khách đi tàu có 1.200 người Ai Cập, 100 người Saudi Arabia, 6 người Syria, 4 người Palestine và số còn lại là công dân các nước khác. Ngoài ra, trên tàu còn chở theo hơn 220 ôtô các loại. Thời tiết xấu đã cản trở nghiêm trọng các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, nên tới trưa 4.2 mới vớt được khoảng 200 thi thể đồng thời cứu sống được gần 400 người. Còn số phận của khoảng 800 nạn nhân "mất tích" vô cùng mờ mịt, bởi họ khó có khả năng sống sót sau nhiều giờ bị mắc kẹt trong chiếc tàu chìm dưới làn nước tối tăm và buốt giá ở độ sâu tới 1.000m.

Ngay sau tin về thảm hoạ đắm tàu lan ra, hàng trăm thân nhân nạn nhân đã đổ về cảng Safaga gào thét, than khóc và chỉ trích nhà chức trách. Tổng thống Ai Cập H. Mubarak đã lập tức ra lệnh điều tra nguyên nhân vụ đắm tàu và chỉ thị cho các lực lượng hải quân cùng các cơ quan hữu quan khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, đảm bảo cung cấp thuốc men đầy đủ để cấp cứu kịp thời các nạn nhân. Ông cùng Thủ tướng A. M. Nazif có kế hoạch tới cảng Safaga ngày 4.2. Quốc hội Ai Cập cũng đã quyết định sẽ triệu tập cuộc họp khẩn của Uỷ ban Giao thông vận tải để xem xét tình hình liên quan tới vụ đắm tàu được ví như "thảm hoạ Titanic" này.

Theo nhận định ban đầu của cảnh sát, không có dấu hiệu cho thấy tàu Al-Salam Boccaccio' 98 đắm do bị tấn công khủng bố hay đâm vào một tàu khác. Song phát ngôn viên của Tổng thống là ông S.Awad thì tuy không khẳng định, nhưng nói có thể do trên tàu không có đủ phao cứu sinh và như vậy Al-Salam Boccaccio' 98 đã vi phạm nguyên tắc về an toàn.

Tới sáng 4.2, nhóm lớn nhất đầu tiên khoảng 140 người may mắn sống sót đã được đưa về tới cảng Safaga. Hầu như tất cả đều bơ phờ và run rẩy vì lạnh, dù đã được quấn trong những chiếc chăn. Nhiều người nói có đám cháy và khói phát ra từ các động cơ sau khi tàu rời cảng Dubah của Saudi Arabia được khoảng 1-2 giờ, song thuỷ thủ đoàn "lờ đi" và tàu vẫn tiếp tục hành trình trong khi lửa vẫn cháy (?). Một hành khách Ai Cập sống sót là Ahmed Elew, khoảng 20 tuổi, kể lại anh thấy cháy rồi nghe một tiếng nổ và khi tàu bắt đầu chìm anh chỉ kịp nhảy xuống nước, bơi suốt vài tiếng đồng hồ cho tới khi leo lên được một chiếc xuồng cứu đắm trong khi "xung quanh có nhiều người khác đang chết chìm".

Một nhóm hành khách sống sót được
phát hiện trên biển.
Giải thích về đám cháy với báo giới, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Ai Cập M. L. Mansour nói: "Nó khá nhỏ và các nhân viên điều tra vẫn đang xác định xem liệu đám cháy có liên quan tới vụ chìm tàu hay không". Tuy nhiên, ông cho hay không có vụ nổ nào xảy ra trên tàu. Còn theo nhận định của các chuyên gia hàng hải, kiểu thiết kế như một chiếc phà lớn chở khách của tàu Al-Salam Boccaccio' 98 khiến nó luôn phải đối mặt với câu hỏi về độ an toàn. "Chỉ một lượng nước không lớn tràn vào khoang con tàu này thì coi như mọi chuyện đều đã xong... Loại phà này có tỉ lệ liên quan tới dạng thảm hoạ bị đắm là rất lớn" - ông David Osler thuộc tạp chí hàng hải Lloyds List ở London (Anh) nêu rõ.

Các nỗ lực cứu trợ xem ra cũng khá lộn xộn. Phía Ai Cập lúc đầu bác bỏ đề nghị của Anh chuyển hướng một chiếc tàu chiến tới hiện trường tai nạn vì cho rằng nó quá lớn không hợp với việc cứu hộ, cùng đề nghị của Mỹ đưa máy bay P3-Orion có khả năng tìm kiếm cả dưới nước và trên không của lực lượng tuần duyên hải quân tới khu vực này. Sau đó Cairo lại thay đổi ý định chấp thuận các đề nghị trên, nhưng phía Anh đã gọi chiếc tàu chiến quay trở lại, chỉ có chiếc P3-Orion vẫn được cử đi... L.L.Q (Theo CNN, BBC...)