Tổng thống Nga: Mỹ hết thời thống trị về kinh tế
Các Website khác - 04/10/2008
 

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày hôm qua cho rằng thời buổi thống trị về kinh tế của Mỹ nay đã qua và thế giới cần có một hệ thống tài chính bình đẳng hơn.

Lên tiếng sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại St Petersburg, ông Medvedev nhấn mạnh Nga và Đức nên cùng hợp tác để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế hiện nay và xem xét lại nền kinh tế toàn cầu lấy Mỹ làm trung tâm.

“Những vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính là rất quan trọng, những vấn đề còn lại có thể bàn sau”, ông nói. “Những vụ việc gần đây cho thấy rằng thời thống trị của một nền kinh tế và một loại tiền tệ thực sự đã qua. Cần có nỗ lực chung để giải quyết cuộc khủng hoảng do chủ nghĩa vị kỷ tài chính của Mỹ gây ra”.

Một ngày trước đó, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã lên tiếng chỉ trích Mỹ vô trách nhiệm và không có khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính đang ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Về phía mình, Thủ tướng Đức Merkel cho biết hai bên đều đồng ý rằng các thị trường tài chính quốc tế cần có những quy tắc và những quy tắc này phải được thực thi. Bà khẳng định sự tham gia của Nga vào tiến trình này được hoan nghênh.

Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Nga Medvedev. (Ảnh: AFP)

Chuyến thăm Nga của bà Merkel, bắt đầu từ hôm qua, được các phái viên đánh giá có dụng ý giảm quan hệ căng thẳng giữa Mátxcơva và phương Tây liên quan đến cuộc chiến Gruzia.

Đức được coi như đồng minh thân cận của Nga tại châu Âu, tuy nhiên bà Merkel đã chỉ trích hành động quân sự của Nga tại Gruzia tháng 8 vừa qua. Bà sau đó đã kêu gọi phương Tây nên duy trì đối thoại với điện Kremlin.

Hội đàm Nga - Đức diễn ra chỉ một ngày sau khi quan sát viên của EU bắt đầu các chuyến tuần tra tại Gruzia nhằm giám sát việc Nga rút quân ra khỏi các vùng đệm, xung quanh hai nước cộng hòa đòi ly khai là Nam Ossetia và Abkhazia.

Ở St Petersburg, người ta chờ đợi bà Merkel và ông Medvedev sẽ bàn về cách thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước. Một số quan chức ngoại giao cho rằng Nga muốn có thêm kỹ thuật của Đức, trong khi Đức muốn tiếp cận thị trường của Nga. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tại Đức tin rằng tương lai của họ phụ thuộc vào mối quan hệ hữu hảo với Nga.

Khoảng 40% lượng khí đốt Đức nhập khẩu là từ Nga, và hai nước hiện đang xây đường ống dẫn khí đặt dưới biển Ban Tích để dẫn khí đốt từ Siberia sang châu Âu.

Theo Nguyễn Viết