10 vụ chuyển nhượng tự do thành công nhất bóng đá Anh
Các Website khác - 19/12/2008

Không phí chuyển nhượng, nhưng những ngôi sao này đều đem lại thành công lớn cho CLB mới cả về mặt thể thao lẫn kinh tế.

Sol Campbell là vụ chuyển nhượng tự do được đánh giá hiệu quả và thành công hơn tất thảy. Là đầu tàu của Tottenham, nhưng khi hết hợp đồng hè 2001, trung vệ da màu bất ngờ nhận lời đầu quân cho đại kình kịch của CLB này là Arsenal. Anh nhanh chóng gặt hái danh hiệu cùng đội bóng mới. Ngay mùa đầu tiên về Arsenal, anh đã cùng CLB này lập cú đúp - VĐQG và đoạt Cup FA mùa 2001-2002. Campbell tiếp tục là trụ cột giúp "Pháo thủ" lập kỷ lục bất bại, thống trị giải Ngoại hạng sau đó 2 năm và vào đến chung kết Champions League 2006, nơi anh ghi một bàn vào lưới nhà vô địch Barca.
Cầu thủ người Anh nào thành công nhất tại sân Bernabeu? Đó dứt khoát không phải là Beckham, tiền vệ trị giá 25 triệu bảng, càng không phải là bản hợp đồng 8 triệu bảng Owen, mà là Steve McMananan (cầm Cup bạc) - cầu thủ chạy cánh trái đến Real Madrid từ Liverpool dưới dạng chuyển nhượng tự do tháng 7/1999. Trong 4 mùa giải khoác áo "Kền kền trắng", McManaman đoạt 2 danh hiệu La Liga, một Siêu Cup châu Âu, một Cup Liên lục địa và 2 lần lên ngôi tại Champions League. Trong trận chung kết Champions League mùa 1999-2002 tại Paris (Real 3-0 Valencia), anh nâng tỷ số lên 2-0 bằng một cú vôlê tuyệt đẹp. McManaman cũng là cầu thủ người Anh đầu tiên vô địch châu Âu cùng một CLB nước ngoài.
Bị tân HLV Mark Hughes gạt khỏi Man City tháng 7/2008, nhưng Geovani (trái) nhanh chóng chứng tỏ giá trị khi về với CLB mới Hull City. 6 pha lập công của cựu tiền đạo Barca, trong đó có những bàn quyết định chiến thắng trên sân của Tottenham và Arsenal, là một yếu tố quan trọng, biến "Tiểu Hổ" trở thành hiện tượng tại giải Ngoại hạng nửa đầu mùa này. Geovani là cầu thủ Hull City ghi bàn đầu tiên tại giải Ngoại hạng và là cầu thủ Brazil đầu tiên trong lịch sử đội bóng.
Ghi 237 bàn, nằm trong số những huyền thoại ở sân Old Trafford cạnh Bobby Charlton hay George Best, nhưng đến năm 1973, Dennis Law (quần trắng) vẫn bị MU thải loại và phải sang kiếm cơm ở CLB đối địch cùng thành phố là Man City. Ở tuổi 36, trong trận đấu cuối cùng của giải hạng nhất Anh mùa giải 1973-1974, Law ghi bàn duy nhất, giúp "Man xanh" hạ "Man đỏ" 1-0 và đẩy bại tướng vào thảm cảnh xuống hạng.
Tháng 7/2000, nhiều người cho rằng HLV Gerard Houllier là một gã khờ khi giang tay đón nhận "ông cụ" 36 tuổi Gary McAllister (áo đỏ) về Liverpool từ Conventry. Nhưng thực tế cho thấy Houllier quá tinh tường. Trong vai trò tiền vệ phân phối bóng, lão tướng người Scotland được xem như chất xúc tác giúp Liverpool chơi bùng nổ và đoạt đến 5 danh hiệu lớn trong mùa giải đáng nhớ 2000-2001 là Cup Liên đoàn, Cup FA, Cup UEFA, Siêu Cup châu Âu, Siêu Cup Anh. Anh cũng đi vào lòng các fan Liverpool với một loạt pha ghi bàn quan trọng như cú đá phạt tuyệt đẹp vào lưới kình địch Everton, bàn thắng trong trận hạ MU ở Siêu Cup Anh.
Bị chê là già, không còn nhiều khả năng đóng góp nên Gordon Schatran không được Leeds gia hạn hợp đồng và phải tìm chốn nương thân ở Conventry hè 1995 với tư cách cầu thủ kiêm trợ lý HLV. Kinh nghiệm của tiền vệ nguời Scotland giúp CLB mới trụ hạng thành công mùa 1995-1996. Sau mùa giải đó, ông giải nghệ và chính thức làm HLV trưởng Conventry, lèo lái CLB này thoát cảnh xuống hạng ở 4 mùa giải sau đó.
Không an phận dưỡng già ở Celtic, nơi anh được xem như "Vị Thánh sống", hè 2004, Henrik Larsson (bên phải) quyết định sang Barca dưới dạng cầu thủ tự do để tìm thử thách mới. Và những gì diễn ra sau đó cho thấy đây là quyết định hoàn toàn hợp lý. 2 năm chơi cho đội chủ sân Nou Camp cũng là 2 năm ghi dấu những mốc son chói lọi nhất trong sự nghiệp của chân sút người Thụy Điển. Anh cùng Barca vô địch La Liga 2 năm liên tiếp, đoạt một Siêu Cup Tây Ban Nha và lập công lớn giúp CLB xứ Catalan thắng ngược Arsenal 2-1 trong trận chung kết Champions League 2006, với 2 pha kiến tạo cho Eto'o rồi Belletti ghi bàn.
Chưa đoạt được danh hiệu lớn nào trong màu áo Chelsea, nhưng Michael Ballack vẫn được xem là thương vụ quá hời của đội chủ sân Stamford Bridge. Thủ quân tuyển Đức là nhân tố quan trọng giúp Chelsea thăng hoa trong giai đoạn cuối mùa trước, quãng thời gian mà họ bám đuổi gắt gao MU trên đỉnh bảng xếp hạng Premiership và lần đầu tiên giành quyền dự chung kết Champions League.
Được MU chào mời ký hợp đồng mới có thời hạn một năm để làm dự bị cho Van Nistelrooy, nhưng Teddy Sheringham (áo trắng) từ chối và đến Tottenham, nơi anh được trọng dụng hơn. Trong mùa giải đầu tiên, lão tướng này giúp CLB thành London cán đích ở vị trí thứ 9 giải Ngoại hạng - cao nhất trong 6 năm - và vào đến chung kết Cup Liên đoàn. Mùa sau đó, tuy vẫn cán đích ở lưng chừng bảng xếp hạng, nhưng Tottenham vẫn có nhiều kỷ niệm đáng nhớ cùng Sheringham, nhất là 3 vòng đấu dẫn đầu cuộc đua Premiership.
Khi Liverpool biếu không Brad Friedel (trái) cho Blackburn Rovers năm 2000, ít ai ngờ thủ thành người Mỹ này sẽ trở thành một trong những thủ môn hay nhất lịch sử giải Ngoại hạng. Với anh trong khung gỗ, "Những đóa hồng gai" đoạt Cup Liên đoàn mùa 2001-2002 và 4 lần đoạt vé dự Cup châu Âu nhờ đạt vị trí cao ở Premiership. Khi đến Aston Villa theo dạng chuyển nhượng tự do hè vừa qua, Friedel tiếp tục tỏa sáng và được xem là một nhân tố quan trọng giúp CLB thành Birmingham ổn định trong top 4 giải Ngoại hạng mùa này.

Minh Kha