Brazil chống lại cả thế giới Anh Ngọc Khi 32 đội bóng dự vòng chung kết (VCK) World Cup 2006 phân vào 8 bảng đấu đã hoàn tất theo sự sắp xếp của số phận cho một cuộc chiến mới sau đây nửa năm nữa, có một sự thật không thể phủ nhận là, bất kể World Cup có thế nào đi chăng nữa, Brazil vẫn sẽ là ứng cử viên số 1 cho chức VĐTG. Không thể khác được.
Không nghi ngờ gì nữa, World Cup 2006 sẽ là một World Cup mà người ta có thể kỳ vọng là đẹp nhất, hấp dẫn nhất và nhiều kỷ niệm nhất, không chỉ vì đây là giải đấu đầu tiên sau 32 năm mới quy tụ đủ các vùng đất trên khắp thế gian: Âu, Á, Phi, Mỹ Latinh, Bắc Trung Mỹ và Caribe và Châu Đại Dương, cho một thế giới mà biên giới địa lý không còn là một trở lực trong quá trình toàn cầu hoá sâu rộng chưa từng có như một quy luật tất nhiên của thế giới. Đó sẽ là một trong những World Cup ý nghĩa nhất, ý nghĩa không kém World Cup 4 năm nữa cho lần đầu tiên ở lục địa đen, trên đất Nam Phi, nơi không còn bóng dáng chủ nghĩa Apartheid. Năm 1974, khi World Cup được tổ chức trên đất Đức, đó là một nước Đức bị chia rẽ làm 2 nửa bởi bức tường Berlin trong cuộc Chiến tranh lạnh. ĐT Đức của phía Tây đã đăng quang lần ấy, dù trên đường vào chung kết đã từng thua ĐT của phía Đông 0-1. 32 năm sau, bức tường đã sụp đổ, nước Đức đã thống nhất. Một lễ bốc thăm hoành tráng đã diễn ra trên đất Leipzig thuộc Đông Đức cũ, hành động biểu tượng cho một nước Đức trọn vẹn và hoà bình. Leipzig - thành phố lớn nhất nhì miền Đông, nơi Bach đã sống và chết - vang lên "Khúc hoan ca" của Beethoven... Khi những ấn tượng hoành tráng của lễ bốc thăm qua đi (MC của buổi lễ, Heidi Klum, cũng quá đẹp, với một nét hao hao giống MC của buổi lễ bốc thăm EURO 96 cách đây 10 năm), khi phải thừa nhận là người ta đã tạo điều kiện cho Đức và Brazil gặp lại nhau như trong trận CK World Cup 2002, thì cái tên đầu tiên được nhắc đến luôn là Brazil. World Cup được tạo nên là để dành riêng cho họ, một nền bóng đá mà số lượng thiên tài luôn bùng nổ. Mấy năm trước, đó là Brazil của Ronaldo. Bây giờ là Brazil của Ronaldo và Ronaldinho. Rồi sẽ là của Adriano, Kaka, Robinho. Hơn một thập kỷ qua, Brazil thống trị làng bóng đá thế giới. 3 trận CK World Cup liên tiếp (2 chiếc cúp vàng) từ năm 1994 đến 2002 là điều mà ĐT Brazil vĩ đại của Pele, Didi, Vava và Garrincha không thể làm được, vì họ VĐTG năm 1958, 1962, nhưng lại thất bại ở World Cup 1966. Nếu trước trận CK của cái năm 1998 đáng tiếc ấy, Ronaldo không rơi vào một sự cố đầy bí hiểm mà cho đến nay chưa ai biết rõ, số cúp vàng Brazil có được bây giờ đã không dừng lại ở con số 5. Sự vượt trội của Brazil trong nền bóng đá thế giới là không phải chứng minh. Pháp đã VĐ France 98, nhưng ngay sau đó sụp đổ và vẫn chưa gượng dậy nổi. Hà Lan mạnh mẽ là thế nhưng đã trải qua mấy năm mất phương hướng và bây giờ Van Basten và đội bóng trẻ trung của anh đang hy vọng một cách hão huyền rằng họ có thể đòi được món nợ thua Brazil ở tứ kết World Cup 94 sau cú sút phạt quyết định của Branco. Italia quá lủng củng. ĐT Anh sẽ VĐTG nếu ta tin những gì báo chí viết (và dịch theo) tiếng Anh huênh hoang. Còn Đức? Nếu xét về tính truyền thống, thì chỉ họ mới có thể ngăn cản được Brazil. Kể từ sau Thế chiến II, chưa một nước chủ nhà nào lại không lọt vào đến vòng knock-out, nhưng chỉ có Đức 1974, Argentina 1978 và Pháp 1998 đăng quang. Hiện tại, Đức của Klinsmann là đội có thành tích tốt thứ 2 ở World Cup, chỉ sau có Brazil. Trong nửa thế kỷ qua, tại 7 World Cup, họ đã 1 lần đứng thứ 3, có mặt ở 5 trận CK và 3 lần trong đó giành thắng lợi. Còn Argentina? Đối thủ đáng ghét nhất của Brazil ở Nam Mỹ đã từng đánh bại họ nhiều lần, nhưng họ vẫn yếu hơn Brazil. Những con số nói lên tất cả: Brazil có 5 chức VĐTG, 2 lần á quân, 2 lần thứ 3 trong 17 lần liên tiếp dự giải (ngay cả việc họ chưa vắng mặt ở một kỳ World Cup nào cũng đã là một điều phi thường). Ơ Đức mùa hè 2006, Cafu và Ronaldo sẽ dự VCK World Cup thứ 4 liên tiếp, Parreira sẽ trở thành HLV đầu tiên 2 lần VĐTG, trên 2 châu lục khác nhau. Brazil cũng là ĐT đầu tiên phá vỡ một truyền thống tưởng như bất di bất dịch của World Cup: nếu giải được tổ chức ở Châu Âu, một ĐT Châu Âu sẽ VĐ; và tương tự, một ĐT Nam Mỹ sẽ VĐ nếu Nam Mỹ đăng cai. Brazil đã từng VĐ World Cup ở tất cả các châu lục đã đăng cai (Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á). Chưa hết đâu, năm 2006, HLV Parreira sẽ lại làm cái điều mà không HLV nào dám làm: bố trí một đội hình siêu tấn công gợi nhớ sơ đồ 4-2-4 mà Pele, Garrincha, Amarildo và Zagalo đã VĐTG năm 1958 và 1962. Thời gian có thể thay đổi, nhưng Brazil thì không. |
▪ Thưởng... (10/12/2005)
▪ Chuyện dài về thẩm định (10/12/2005)
▪ Thêm giải thưởng cho World Cup 2006 (10/12/2005)
▪ V-League 2006 chỉ có 13 đội (10/12/2005)
▪ Cần xóa “khoảng cách” giữa các HLV (10/12/2005)
▪ Đã đến lúc cải tổ U.23 Việt Nam (10/12/2005)
▪ Hứa hẹn nhiều hấp dẫn (10/12/2005)
▪ "Quỷ đỏ" gục ngã (09/12/2005)
▪ Cầu thủ U.23 VN: Rất ít khi chào hỏi người khác (09/12/2005)
▪ Còn nhiều cái ngoài tiền (09/12/2005)