Chelsea bị loại khỏi Champions League: Cái mặt nạ đã rơi xuống Trương Anh Ngọc Trong một bài viết trên số Tết Lao Động năm 2005, tôi đã hỏi là "Bao giờ cái mặt nạ của Mourinho rơi xuống?". Rạng sáng qua, câu trả lời đã có...
Không phải Chelsea thất bại vì họ đã gặp phải Barca, mà là bởi trong hai năm qua, lối chơi và tư duy của Mourinho không hề thay đổi. Người Châu Âu - nơi Mourinho từ đó đi ra - đã tư duy và sáng tạo hơn chính vị HLV người BĐN, bởi ông ta luôn huyễn hoặc, luôn coi khinh tất cả và biến nước Anh - nơi đã khai sinh ra văn hoá pop, nhưng từ lâu đã thiếu một cá tính mạnh mẽ và câu khách kia - thành một sân khấu cho chính mình. Mourinho đã ở nước Anh hai năm, nơi người ta (và chính ông đã tự) tôn vinh ông lên ngôi vua, nơi những kết quả và 2 chức VĐ Premier League (1 đã có, 1 sắp bỏ túi) dễ dàng phủ lấp những vấn đề về lối chơi và biện hộ cho những cơn thịnh nộ giả tạo và những màn kịch lố bịch. Ngủ quên trên sự sùng bái cá nhân, ông đã quên là trong khi ông dừng lại để cười đối thủ thì họ đã nhìn ra vấn đề của ông ta và phục kích. Bây giờ, sân khấu của Mourinho chứng kiến một bi kịch lớn nhất khi kẻ bị ông làm nhục năm ngoái chính là người kéo màn: Rijkaard. Trong hai năm, Chelsea đều gặp phải Barca, nhưng đội bóng của Mourinho chỉ thắng được 1 và thua đến 2 trận. Rijkaard đã sai lầm và thất bại thảm hại vào tháng 3 năm ngoái, vì đã đánh giá quá cao vai trò của những cá nhân nổi trội (Ronaldinho, Eto¿o) hơn tính tập thể và tin rằng có thể bóp nghẹt Chelsea. Một năm sau, Rijkaard đã lớn lên nhiều, đã hoà trộn sự toả sáng của những cá nhân vào tinh thần chung của tập thể và đã chiến thắng một Chelsea luôn ca ngợi tính tập thể, nhưng đã bị Mourinho giết chết về vai trò cá nhân. Điều trùng lặp là trong cái đêm Mourinho rớt xuống mặt đất (và chưa biết chừng sẽ không còn có cơ hội rớt xuống đất lần thứ ba liên tiếp nữa) thì thần may mắn đã từ trên trời rơi xuống cứu Juve khỏi một thảm bại. Một sai lầm của thủ môn Werder đã giúp Juve có bàn quyết định khi trận đấu chỉ còn 3 phút. Nếu tỉ số 1-1 đứng vững, Juve cũng như Chelsea sẽ trở thành "kẻ thất nghiệp" vĩ đại nhất Châu Âu: Cả 2 cùng giải quyết xong giải VĐ của họ với số trận thắng kỷ lục (23/28 trận), cùng bị loại khỏi cúp QG (may mà Chelsea còn Cúp FA!). Một sự trùng lặp kỳ lạ: Capello chính là thầy của Mourinho về tính thực dụng, là chuyên gia kiếm điểm ở giải VĐ và các CLB của họ luôn trong tình trạng đổ vỡ về tâm lý trong các trận đấu mang tính chất sống còn. Một Juve nếu tiếp tục như thế cũng sẽ không tránh khỏi vết xe đổ của Chelsea... Những người sống bằng những ảo tưởng về thiên tài của mình không bao giờ thừa nhận họ sai lầm. Napoleon đã thua ở Waterloo và cho đến lúc chết vẫn cho rằng, nếu hôm ấy ông không sổ mũi thì mọi chuyện sẽ khác. Mourinho đã thua Barca về mọi mặt, nhưng ông không nhận lỗi về mình như một người quân tử. Ông chưa bao giờ là người quân tử. Như cái cách hai năm liên tiếp ông đã chỉ trích trọng tài sau 2 trận thua Barca, như cái cách ông hờ hững và kiêu ngạo trong lễ ăn mừng chiến thắng Champions League với Porto 2 năm trước. Đêm Nou Camp, ông vẫn ngạo nghễ rời sân như một người chiến thắng, vẫn nói những câu hùng hồn, vẫn hậm hực tìm cách trả thù, mà thực ra để che giấu một chân tướng đã bị lộ. Cái mặt nạ đã rơi xuống.
|
▪ Cúp C1 Châu Á: Nỗ lực ngoài sự mong đợi (09/03/2006)
▪ World Cup 2006 chống nạn buôn bán phụ nữ (09/03/2006)
▪ Điều lệ giải năm đó không xử xuống hạng... (09/03/2006)
▪ Thêm một CLB nữa chờ án (09/03/2006)
▪ Vụ dùng tiền mua chức vô địch ở SLNA: Bắt cựu cầu thủ Cảng Sài Gòn Trương Tấn Hải (08/03/2006)
▪ Bóng bàn nam Việt Nam xếp hạng 40 thế giới (08/03/2006)
▪ Máy sốc tim phục vụ World Cup (08/03/2006)
▪ Lượt về vòng 1/8 Champions League: Vấp ngã vì... đường rộng? (08/03/2006)
▪ Ra ngõ gặp núi (08/03/2006)
▪ Champions League: Chelsea bị loại, Juve "chết hụt" (08/03/2006)