Đội Anh, hãy vô địch thế giới! Anh Ngọc Những thông tin về số lượng khán giả sụt giảm ở Anh đã lấp đầy các trang báo những ngày qua, những măngsét báo có dòng chữ "Premier League khủng hoảng", điều mà trước kia không một tay biên tập nào dám đưa lên vì sợ độc giả, những người mê muội bởi thứ bóng đá - truyền hình, tẩy chay.
Những gì xảy ra với các khán đài Italia, Việt Nam và Anh là cùng hiện tượng, nhưng khác bản chất. Nhưng Italia khủng hoảng về kinh tế và bản sắc, V-League khủng hoảng về niềm tin, còn Premier League khủng hoảng cái gì? Đó không phải là một cuộc khủng hoảng kinh tế vì Anh vẫn là một trong những nước giàu nhất thế giới. Việc tăng giá vé không phải là nguyên nhân chính cho sự sút giảm khán giả, vì trước khi tăng giá, bao giờ các CLB cũng thăm dò khả năng mua của các CĐV. Vụ khủng bố ở London tháng 7 vừa qua cũng gây một tác động lớn khi cái chết luôn dình dập gõ cửa mỗi nhà dân và họ không thể yên tâm sống, chưa nói gì đến xem bóng đá ở một nơi quá đông người như SVĐ. Đây thực chất là một cuộc khủng hoảng nặng nề về tư duy và cách thực hiện thương mại hoá bóng đá. Những người làm bóng đá Anh, được hưởng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên trên thế giới, là con cháu của các nhà kinh tế học nổi tiếng thế giới mà vĩ đại nhất là John Keynes, cha đẻ của kinh tế vĩ mô, đã không học được gì từ cuộc khủng hoảng thừa 1929-1933 ở nước Mỹ. Sự suy thoái ở Premier League không khác gì thời kỳ khủng khiếp ấy về mặt bản chất. Kinh tế chính trị Mác-Lênin đã lý giải cuộc đại khủng hoảng đó theo góc độ quản lý sản xuất và tập trung quá mức quyền lực vào một hoặc hai nền kinh tế lớn nhất. Sau 13 năm liên tục phát triển, Premier League đã sinh ra hiệu ứng thừa: thừa thãi bóng đá trên tivi; thừa thãi những bê bối tình ái không ngừng nghỉ liên quan đến chính LĐBĐ Anh, ĐT Anh và cá nhân các cầu thủ Anh ngày ngày trên các báo lá cải; thừa thãi sự bất công và sự chênh lệch ngày một lớn; thừa thãi sự nhàm chán do không còn gì để khai thác nữa, do cuộc đua VĐ trước chỉ có 2 đội cạnh tranh là M.U và Arsenal, nay cả 2 CLB này trong thời kỳ quá độ sau một chu kỳ thành công, nên chỉ một mình Chelsea bá chủ tất cả. Premier League như một con bò sữa bị vắt cùng kiệt để sinh ra lợi nhuận và bây giờ đã hết sữa để vắt vì thị trường đã bão hoà. Sự thương mại hoá quá mức ấy còn theo chân họ đi khắp thế giới mỗi mùa hè, và bây giờ, ở những nơi họ qua để đấu giao hữu kiêm bán hàng (chủ yếu là Châu AÁ), người hâm mộ đã bẳt đầu tẩy chay. Truyền hình đã đưa bóng đá Anh đi khắp thế giới. Hãng Sky của trùm tư bản Murdoch đã rót hàng tấn tiền cho các CLB trong suốt 13 năm, biến Premier League thành một cỗ máy tiếp thị khổng lồ và họ có quyền khai thác nó tận lực để lấy lãi. Không thể trách họ được. Chelsea thống trị nước Anh, cũng giống như Milan, những năm đầu thập niên 90 bá chủ Italia - không trách họ được, vì họ bỏ tiền ra để chiến thắng. Các ngôi sao lớn không đến nước Anh nữa vì dù lương cao, nhưng chất lượng kỹ - chiến thuật ở đó quá kém - cũng không trách họ được. Các CLB có quyền tăng giá vé, vì các CĐV Anh giàu, vì chi phí lương bổng ngày càng tăng kể từ sau khi Abramovich xuất hiện và phá giá tất cả; tư bản nước ngoài tiếp tục đổ vào Premier League kiếm lợi; sau Abramovich có Glazer, suýt nữa có Thaksin (định mua Liverpool) và nhiều nữa - họ không đáng trách. Điều duy nhất đáng trách là người ta không nhìn thấy tính chu kỳ và các quy luật thị trường để điều tiết, mà vẫn nhắm mắt khai thác cùng kiệt Premier League trong một cuộc đua không có điểm dừng. Bundesliga đã suýt phá sản, Giải VĐ Pháp kiệt quệ, Italia vẫn chưa thoát khỏi cơn suy thoái nặng nề sau hơn 1 thập kỷ thăng hoa. Chẳng có gì ngạc nhiên khi Premier League khủng hoảng. Không gì có thể đi ngược lại những quy luật kinh tế mà bóng đá và kinh doanh bóng đá không thể đứng ngoài những chu kỳ kinh tế tăng trưởng và suy thoái luân phiên nối tiếp nhau. Trong bối cảnh ấy, còn có một cuộc khủng hoảng nặng nề về niềm tin vì ĐT Anh của Eriksson quá kém. Người ta chỉ trích Mourinho vì lối đá thực dụng, nhưng chính Eriksson là người đã đem nó đến nước Anh và biến cái ĐT gồm những cầu thủ tài ba, nhưng được nâng lên hàng thánh bởi bộ máy tiếp thị (hãy nhìn Beckham), thành một mớ hỗn độn. Giờ đây, trách nhiệm của ông và ĐT Anh càng nặng nề. Để giải quyết cuộc khủng hoảng 1929-1933, người ta đã dùng lạm phát. Để đưa Premier League trở lại đường ray, không chỉ cần nhiều bàn thắng hơn nữa mỗi tuần, mà có lẽ, ĐT Anh phải VĐTG tại World Cup 2006 để kích cầu và lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ. Còn bằng cách nào, chỉ ông Eriksson mới có thể trả lời. |
▪ Ba chuyện lạ bóng đá (24/09/2005)
▪ Lò Sông Lam ở đội tuyển (24/09/2005)
▪ Niềm tin (25/09/2005)
▪ Rút Đặng Thanh Hạ khỏi danh sách trọng tài FIFA (24/09/2005)
▪ Các giải vô địch các quốc gia Châu Âu: Cơ hội cho các "đại gia" (24/09/2005)
▪ U.23 Việt Nam sẽ đoạt cúp (24/09/2005)
▪ Thót tim lấy cúp (25/09/2005)
▪ "Hoàng tử" Raul và tội đồ Woodgate (24/09/2005)
▪ Stoichkov 'vạ miệng' (24/09/2005)
▪ Chiều nay, hạ màn LG Cup 2005: Chủ nhà đang có lợi thế (24/09/2005)